Chống giặc COVID-19: Cố tình che giấu thông tin là có tội với nhân dân, với đất nước
Trong khi cả hệ thống chính trị xác định và thể hiện quyết tâm cao độ với khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc”, nhằm huy động sức người sức của ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 thì thật buồn vẫn còn một số cá nhân che giấu thông tin tình hình bệnh của bản thân, có biểu hiện "thích thành tích" trong chống giặc Covid -19 khiến cho công tác phòng chống dịch gặp khó khăn.
- 30-03-2020[TIN VUI]: 27 bệnh nhân mắc COVID-19 được xuất viện trong sáng 30/3
- 30-03-2020[Ảnh] 10 giờ của nhân viên y tế khi phun tiêu trùng, khử độc ở toà 34T, nơi nữ phóng viên nhiễm Covid-19 sinh sống
- 30-03-2020Bệnh nhân 178 nhiễm Covid-19 khai báo gian dối: Công an vào cuộc xác minh, đề xuất xử lý
- 30-03-2020Thêm 6 nhân viên Công ty Trường Sinh mắc COVID-19, cả nước có 194 trường hợp
Chống giặc Covid-19 phải từng giờ, từng phút
Chưa đầy 1 tháng kể từ khi Việt Nam bước vào giai đoạn 2 của dịch bệnh COVID-19, thế nhưng, chúng ta đã phải đối mặt với quá nhiều khó khăn thách thức. Ở thời điểm này, chúng ta cần sự đồng lòng, đoàn kết và ý thức trách nhiệm của toàn dân tộc.
Trong thông báo kết luận của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã truyền thông điệp của Bộ Chính trị nhấn mạnh rõ tầm quan trọng của thông tin trong chống dịch Covid - 19, các cấp các ngành phải "Tuyên truyền, thông tin kịp thời, minh bạch tới người dân về tình hình dịch bệnh, xử lý nghiêm những người đưa thông tin sai sự thật, ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch bệnh".
"Thần tốc, tranh thủ từng giờ, từng phút" – đây là thông điệp mà người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ví như mệnh lệnh "thời chiến" muốn nhấn mạnh trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước "15 ngày vàng" để quyết định cuộc chiến với dịch bệnh COVID-19.
Nhắc lại quan điểm đây đang là “thời điểm vàng”, “giờ vàng” trong phòng chống dịch, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam có 12 ngày đêm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972, giờ đây chúng ta có 15 ngày hoặc hơn thế nữa để chiến thắng dịch bệnh, không để bùng nổ ở Việt Nam nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân. “Đây là trách nhiệm nặng nề, vinh dự của tất cả hệ thống của chúng ta”.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, khơi gợi tinh thần ví như thời đánh giặc trong bức điện của Bộ Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày 7/4/1975, là “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!". Tinh thần này cần được vận dụng công cuộc phòng chống dịch bệnh hiện nay của nước ta.
Tranh thủ từng giờ, từng phút có nghĩa là chúng ta cần sự vào cuộc khẩn trương với một phương châm rõ ràng mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng tuyên bố ngay từ những ngày đầu bước vào cuộc chiến chống dịch đó là "Phát hiện sớm ca bệnh, khoanh vùng cách ly và điều trị kịp thời".
Covid -19 được xác định là dịch bệnh "siêu lây nhiễm" chưa từng có từ trước đến nay. Mức độ lây lan diễn ra ở nhiều cấp độ và vượt qua mọi giới hạn. Tất cả mọi người dù giàu hay nghèo, ở địa vị gì hay bất cứ quốc tịch nào, đều có nguy cơ lây nhiễm nếu không có biện pháp phòng ngừa ngay trong cuộc sống thường ngày. Sự lây lan "đa cấp" khủng khiếp của dịch bệnh đã kéo theo những hệ lụy lớn mà nhiều quốc gia đã phải nếm trải và gồng mình khắc phục. Chỉ trong một thời gian ngắn số người mắc bệnh đã tăng lên chóng mặt với cấp số nhân. Hàng loạt bệnh viện, đội ngũ y bác sĩ, thiết bị máy móc y tế không kịp trở tay, bị quá tải...
Những hậu quả nhãn tiền đó lẽ ra phải lấy đó là bài học xương máu, lẽ ra mỗi người phải tự ý thức hậu quả của việc che giấu thông tin là có tội với nhân dân, có tội với đất nước, vậy mà vẫn còn một số cá nhân, tổ chức che giấu thông tin và đi vào "vết xe đổ" đó. Bản thân người mắc bệnh nhưng che giấu thông tin không chỉ dừng lại việc bệnh khó kiểm soát mức độ trong điều trị mà còn khiến diễn biến khó lường trong cộng đồng.
Che giấu thông tin vì lợi ích bản thân, vì thành tích phải được xử lý thật nghiêm
Đi ngược lại với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền trong những ngày qua còn một số cá nhân, tổ chức có những hành vi che giấu thông tin, không chấp hành cách ly và tung tin thất thiệt của một số người thiếu ý thức với cộng đồng.
Một dẫn chứng cụ thể mới đây nhất đó là trường hợp BN178 dù biết mình đã đi từ "ổ dịch" nhưng khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh đã không thành thật khai báo. Hay như một số trường hợp được xác định là F1, F2 mới đây tại Hà Nội đã không hợp tác với chính quyền để thực hiện cách ly theo quy định do người mà họ tiếp xúc chưa công bố mắc COVID-19 từ Bộ Y tế.
Trao đổi về tầm quan trọng của thông tin nhanh, tầm quan trọng của các quyết định trong Chống dịch Covid-19, dư luận không khỏi ngỡ ngàng trước thông tin, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết trong cuộc họp của Thủ tướng với 5 thành phố trực thuộc T.Ư (ngày 29.3), khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông tin có 2 trường hợp là điều dưỡng tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới và Viện Tim mạch của Bệnh viện Bạch Mai dương tính với SARS-CoV-2 (ngày 20.3), Thành phố Hà Nội đã khẩn trương phối hợp với bệnh viện để xác định thân nhân, lai lịch và tiến hành tổ chức xác minh tất cả những người tiếp xúc gần F1, F2.
Cũng theo ông Chung, trước diễn biến đó, tối cùng ngày, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, Chủ tịch UBND TP đã có trao đổi trực tiếp với Giám đốc, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, kiến nghị xem xét đóng và phong toả một số khoa trong Bệnh viện Bạch Mai; giảm tải việc nhận bệnh nhân mới và đóng băng toàn bộ các bệnh nhân đang điều trị trong này. "Tuy nhiên, đề xuất này của Hà Nội không được chấp nhận mà Bộ Y tế chỉ triển khai đóng băng một số tầng, khoa có bệnh nhân dương tính. Sau đó Bệnh viện Bạch Mai đã chuyển 5.113 trường hợp bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện về các tỉnh, thành phố miền Bắc, trong đó Hà Nội đã tiếp nhận 1.592 trường hợp. Điều này có thể đã để lỡ thời gian vàng để phòng lây lan", Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.
Đó chỉ là một trong những "góc tối" về bức tranh toàn cảnh của nỗ lực chống dịch chúng ta đang cố gắng từng ngày. Trên thực tế, mỗi ngày, chúng ta vẫn đang chứng kiến những sự hy sinh, cống hiến của những bác sĩ tuyến đầu đang trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, những cán bộ chiến sĩ "ăn núi, ngủ rừng" để đảm bảo an toàn cho đường biên, rồi những đóng góp về vật chất, tinh thần của hàng ngàn người dân trong toàn xã hội.
Phòng, chống dịch bệnh phải phòng từ gốc mới đem lại hiệu quả. Và có lẽ một trong những biện pháp đó không thể không kể tới đó là việc không được che giấu thông tin về dịch bệnh ở mỗi cá nhân.
Trong lúc dịch bệnh Covid -19 đang có những diễn biến ngày một phức tạp, nhiều thông tin thất thiệt, đồn thổi xuất hiện dễ gây hoang mang cho cộng đồng. Vì vậy hơn lúc nào hết những thông tin chuẩn xác, chính thống, kịp thời luôn có vai trò rất lớn để không bị "nhiễu loạn" đồng thời bình tĩnh, có giải pháp nếu trường hợp xấu xảy ra.
Mới đây nhất, người đứng đầu chính quyền của Hà Nội đã mạnh dạn xin trước Thủ tướng cho Hà Nội được công bố ca bệnh sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính chứ không chờ công bố từ Bộ Y tế. Việc này nhằm giúp cho chính quyền Thủ đô chủ động, khẩn trương hơn trong việc khoanh vùng, cách ly những người liên quan. "Nếu sai tôi chịu" – ông Nguyễn Đức Chung cam kết.
Việc TP Hà Nội cho dựng hàng rào, lập chốt cách ly, giám sát chặt chẽ hoạt động của tòa nhà 34T Hoàng Đạo Thúy do có trường hợp dương tính với Covid-19, để khử khuẩn, lập danh sách người tiếp xúc với bệnh nhân 183…đó là cách ứng xử nhanh khi tiếp nhận thông tin có ca bệnh được dư luận hết sức ủng hộ để ngăn chặn ca lây nhiễm.
Lối vào của tòa nhà 34T Hoàng Đạo Thúy đã bị dựng rào chắn, treo biển khu vực cách ly không phận sự miễn vào
Trong cuộc chiến không khoan nhượng với dịch bệnh COVID-19, rõ ràng, chúng ta cần phải có sự quyết liệt, dám đương đầu của những vị "thủ lĩnh" ở mọi mặt trận trước các thời khắc quan trọng. "Dám làm, dám chịu trách nhiệm" trước quyết định của mình đó là những gì mà nhân dân đang cần ở họ vào thời điểm này.
Bởi thế, tờ Lao Động sáng 24.3 đã có dòng tít "1 người nhiễm bệnh, hơn 700 người cách ly: Cần một kỷ luật sắt!" trong đó nhấn mạnh, đây là lúc cần sự yêu thương, bao dung và sẻ chia, nhưng cũng là thời điểm cần cả những “bàn tay sắt” nếu không muốn có thêm những ca siêu lây nhiễm, nếu không muốn an toàn cộng đồng bị đe dọa.
Thiết nghĩ trong lúc này mỗi cá nhân, tổ chức cần phải thực hiện nghiêm thông điệp của Thủ tướng "Thần tốc, tranh thủ từng giờ, từng phút" trong chống dịch Covid-19, bất cứ cá nhân, tổ chức có những hành vi che giấu thông tin, kể cả là cấp lãnh đạo cũng cần phải có "kỷ luật sắt" để ngăn ngừa dịch bệnh Covid 19 lây lan tới cộng đồng.
Tổ Quốc