Chống ngập ở TP.HCM, càng bàn càng ‘bí’
Các chuyên gia lo ngại việc chống ngập ở TP.HCM thiếu căn cơ sẽ hao tốn nhiều tiền nhưng hiệu quả không bao nhiêu...
- 20-06-2018"Ông chủ siêu máy bơm" nói gì khi muốn chống ngập cho sân bay?
- 20-06-2018Trung tâm Chống ngập lý giải thế nào về... ngập?
- 19-06-2018Đề xuất chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất bằng máy bơm 'siêu khủng'
- 08-06-2018Hết thời hạn chốt giá, 'siêu máy bơm' chống ngập miễn phí 1 tháng
Đứt gãy địa chất gây sụt lún , biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp… nhưng công tác nghiên cứu chống ngập thiếu căn cơ là những vấn đề nóng được nhiều chuyên gia tập trung phân tích tại hội thảo “Tác động của ngập lụt đến kinh tế-xã hội của TP.HCM” do Trung tâm Công nghệ môi trường tổ chức ngày 20-6.
Nước dâng cao, cốt nền lại lún
TS Đỗ Văn Lĩnh, Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam, cho biết qua các nghiên cứu do đơn vị này thực hiện cho thấy sông Sài Gòn có hiện tượng đứt gãy địa chất. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính gây sụt lún, ngập lụt khu vực TP.HCM .
Theo TS Lĩnh, hiện tượng đứt gãy dọc sông Sài Gòn chi phối hoạt động của lớp trầm tích, tổng mức sụt lún mặt đất mỗi năm trung bình khoảng 9 mm. Do đó, việc đánh giá tình trạng ngập úng ở TP.HCM cần xem xét, làm rõ thêm về hoạt động đứt gãy sông Sài Gòn. Xem đây như tham số đầu vào để có sự đồng bộ trong quy hoạch phát triển đô thị của TP.
ThS Vũ Thanh Nam, Trung tâm Công nghệ và môi trường TP.HCM, cũng cho rằng tình trạng lún sụt ở TP đang gây khó khăn cho công tác chống ngập. Thế nhưng hiện có rất ít đề tài nghiên cứu về lún nền đất.
Đến nay chưa có đơn vị nào đưa ra giải pháp xác định đến khi nào TP.HCM sẽ hết ngập. Ảnh: KB
TS Phan Anh Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển, Trung tâm chống ngập TP.HCM, cho biết trong những năm qua tình hình xóa, giảm ngập ở TP.HCM gặp nhiều khó khăn, thách thức do thời tiết biến đổi phức tạp. Cụ thể, những trận mưa có vũ lượng lớn tăng cao, đỉnh triều cũng có xu hướng ngày càng tăng cao. Tổ hợp mưa lớn cùng với triều cường xảy ra ngày càng nhiều... Trong khi đó, hệ thống cống thoát nước và đê bao ngăn triều không đủ đáp ứng, tình trạng lấn chiếm kênh rạch vẫn còn xảy ra phổ biến...
TP.HCM cần thành lập ngay một hội đồng khoa học chất lượng cao để đánh giá lại các dự án chống ngập. Như thế mới hy vọng có dự án tốt, có hướng đi đúng để giải bài toán chống ngập cho TP. Nếu không thì TP sẽ tốn rất nhiều tiền nhưng tình trạng ngập vẫn không được giải quyết. KS VŨ HẢI, chuyên gia trong lĩnh vực thoát nước |
Kỹ sư (KS) Vũ Hải, người có hơn 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thoát nước, cho rằng công tác chống ngập cho TP.HCM trong thời gian qua tiêu tốn nhiều tiền nhưng hiệu quả không như mong muốn. “Trong 10 năm qua TP đã chi đến hơn 22.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án chống ngập. Theo kế hoạch, đến năm 2020 con số này lên đến hơn 120.000 tỉ đồng. Nhưng với cách làm hiện nay, kết quả vẫn không tương xứng với công sức và chi phí bỏ ra, ngập vẫn hoàn ngập. Cách làm này sẽ gây ra lãng phí” - KS Hải bày tỏ.Lo chống ngập sai gây lãng phí
Theo KS Hải, công tác chống ngập không hiệu quả là do nguyên nhân ngập chưa được nghiên cứu thấu đáo, các dự án chống ngập thường có kinh phí quá cao và thời gian thực hiện quá dài. Vì thế ông cho rằng để công tác chống ngập cho TP.HCM đạt hiệu quả cần phải rà soát, đánh giá lại tất cả dự án chống ngập đã và đang thực hiện, nhất là những dự án có dấu hiệu yếu kém về thiết kế nhưng kinh phí lại quá cao...
Cách tính điểm ngập chưa ổn TS Phan Anh Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển, Trung tâm chống ngập TP.HCM, cho biết trong giai đoạn 2001-2005, trên địa bàn TP có 105 điểm ngập. Sau khi bắt đầu thực hiện các dự án chống ngập, đến giai đoạn 2006-2010 xác định trên địa bàn TP có 91 điểm ngập. Từ năm 2011 đến 2015 còn 80 điểm ngập. Tính đến hết năm 2015, toàn TP còn 37 điểm ngập. "Giai đoạn 2016 đến 2020 TP sẽ tập trung giải quyết ngập cho khu vực trung tâm TP" - TS Tuấn thông tin. Tuy nhiên, khi PV Pháp Luật TP.HCM đặt vấn đề số liệu thống kê các điểm ngập trong thời gian qua còn bất nhất, TS Tuấn nhìn nhận việc thống kê điểm ngập còn bất cập, chưa có số liệu đầy đủ, thống nhất giữa trung tâm với các quận, huyện. |
Pháp luật TPHCM