Chốt phương án chủ đầu tư chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán
Chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng từ khách hàng.
- 28-11-2023Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi
- 28-11-2023Quận Thanh Xuân yêu cầu chủ đầu tư tòa nhà Artemis làm theo văn bản của Quận
- 28-11-2023Trải nghiệm trị liệu "tắm âm thanh" thiết kế độc quyền dành cho cư dân Blue Zones
Sáng 28/11, Quốc hội đã biểu quyết và thông qua dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Báo cáo giải trình trước đó, liên quan đến tiền đặt cọc, để bảo đảm thể hiện đúng bản chất của việc đặt cọc, đồng thời hạn chế rủi ro cho bên mua, thuê mua, thường là bên yếu thế, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng: Chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật này.
Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng.
Luật cũng quy định, trường hợp nếu bên mua, bên thuê mua chưa được cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì bên bán, bên cho thuê mua “không được thu quá 95% giá trị hợp đồng”.
Giá trị còn lại của hợp đồng được thanh toán khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai cho bên mua, bên thuê mua. Quy định này nhằm bảo đảm sự ổn định của chính sách hiện hành; khách hàng được giữ lại một phần giá trị hợp đồng trong thời gian chờ được cấp giấy chứng nhận.
Liên quan đến điều kiện chuyển nhượng, một số ý kiến cho rằng, không nhất thiết khi chuyển nhượng dự án là bên chuyển nhượng phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính mà có thể chuyển giao cho bên nhận chuyển nhượng tiếp tục hoàn thành.
Có ý kiến cho rằng, để chuyển nhượng dự án bất động sản là phải có quyết định giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án và đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua quá trình nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Luật, để bảo đảm quy định chặt chẽ, ngăn ngừa tình trạng lựa chọn nhà đầu tư không đủ năng lực chuyển nhượng dự án nhằm tìm kiếm lợi nhuận và nguyên tắc chỉ bán, chỉ chuyển nhượng những gì mà người bán, người chuyển nhượng đã có.
Trên cơ sở đó dự thảo quy định theo hướng chủ đầu tư chuyển nhượng phải “hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các loại thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có) đối với Nhà nước của dự án, phần dự án chuyển nhượng”.
Mặt khác, quy định này cũng không hạn chế các quyền của các bên trong quan hệ dân sự nếu thực sự có nhu cầu chuyển nhượng, nhất là điều kiện về nguồn tài chính để hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất trước khi chuyển nhượng dự án.
Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, bảo đảm đồng bộ về chính sách với dự thảo Luật Nhà ở.
Tiền Phong