‘Chốt’ thời hạn trình phương án điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế trong tháng 10
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp điều hành giá phù hợp đối với một số mặt hàng thiết yếu, tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng, đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- 11-10-2023Nghị quyết của Bộ Chính trị làm nức lòng doanh nhân Việt
- 11-10-2023Chủ tịch tỉnh xem quy hoạch mà không thấy tỉnh mình ở đâu
- 11-10-2023Xem xét giảm 2% thuế VAT trong năm 2024
Ngày 11/10, Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ họp để đánh giá kết quả công tác điều hành giá 9 tháng qua và định hướng những tháng còn lại của năm 2023.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong 9 tháng qua, giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, lạm phát đang được kiểm soát. Thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định diễn biến theo đúng với kịch bản điều hành giá của Ban Chỉ đạo.
Trên cơ sở tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng các mặt hàng quan trọng thiết yếu, Bộ Tài chính cập nhật 2 kịch bản lạm phát trong năm 2023. Theo đó, kịch bản 1, dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,2% so với năm 2022; kịch bản 2, CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,6% so với năm 2022.
Nêu ra một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá xăng dầu, lương thực như Nga và Ả Rập Saudi cắt giảm nguồn cung, dự trữ xăng dầu của một số nước lớn sụt giảm, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý các bộ, ngành cần phải tiếp tục theo dõi sát tình hình thế giới, đánh giá các tác động để có giải pháp kịp thời, phù hợp.
Về giá điện, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam trình phương án điều chỉnh giá trước ngày 25/10/2023 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trình tự, thủ tục quy định.
Đối với mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp để bảo đảm nguồn cung cho hệ thống phân phối của cả nước; sẵn sàng các biện pháp xử lý kịp thời về giá khi thị trường có biến động.
Đối với Bộ Y tế, Phó Thủ tướng đề nghị trình Chính phủ cho ý kiến đối với phương án điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong tháng 10/2023; cân nhắc ban hành Thông tư về giá dịch vụ y tế theo trình tự rút gọn.
Đối với mặt hàng vật liệu xây dựng trong đó có cát san lấp, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng theo dõi chặt chẽ diễn biến cung cầu; đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ hiệu quả.
Đối với các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành theo dõi sát diễn biến tình hình, kịp thời báo cáo, đề xuất giải pháp khi có biến động để xử lý.
Tiền phong