Chú bạch kê kỳ lạ ở Long An hiểu tiếng người, biết giữ của, được chủ nhân cưng chiều như con
Chị Thu nuôi Bắp (tên chú gà) được gần 2 năm, thuộc lòng tính nết, hiểu được cả cách Bắp ra tín hiệu, khi nào là vui vẻ hài lòng, khi nào là quạu.
- 13-10-2023Loài vật bất tử duy nhất trên thế giới có thể 'đánh lừa tử thần' bằng cách đảo ngược vòng đời
- 19-08-2023Dùng hơn 100kg vàng, gần 300kg bạc đúc tượng một loài vật, cả làng bỗng chốc đổi đời
- 26-05-2023Loài vật kích thước ngang hạt cát nhưng được xếp hạng sức mạnh trên cả voi
- 05-05-2023Loài vật biển mà ở phương Tây hiếm ai ăn nhưng lại cực phổ biến tại Trung Quốc: Tới Việt Nam còn biến thành đặc sản ngon khó cưỡng
"Bắp ơi Bắp à, vô đây với mẹ con"; "Nào, không chọc phá mọi người, con"... Nếu chỉ nghe tiếng mà không nhìn hình, người ta có thể nghĩ chị Thu (Cần Giuộc, Long An) đang nói chuyện với con. Mà trong lòng chị, Bắp đúng là con của chị thật, bất chấp việc nó là một... con gà.
Chú bạch kê kỳ lạ được đặt tên Bắp được chị Thu nhận nuôi từ hồi dịch Covid-19 bùng phát. Ở một mình trong phòng trọ và ít được giao tiếp xã hội, chị thấy buồn nên đón Bắp về làm thú cưng. Bắp được 2 tuổi rưỡi, là giống gà tre Thái. Nó có bộ lông trắng muốt và bộ mào đỏ tươi kiêu hãnh.
Chị Thu chia sẻ, chị đã từng nuôi 2 chú gà cho vui, nhưng đến Bắp, chị mới thực sự cảm thấy có sự gắn kết. "Mình nói chuyện với bé mỗi ngày và mình cảm nhận là bé hiểu được những lời mình nói. Bé biết làm theo một số mệnh lệnh và cũng "nói chuyện" lại, tương tác lại với mình".
Chị Thu thường tương tác, nói chuyện với Bắp như thể đó là con mình chứ không phải thú cưng
Theo chị Thu, Bắp trông nhà khá tốt và còn biết... giữ của. Ví dụ đồ ăn của Bắp mà người lạ muốn lấy, nó sẽ cáu kỉnh, dùng chân giẫm lên hoặc nhảy lên đạp, mổ vào tay. Đã có lần, chị Thu thuê người vào sửa tủ lạnh. Người ta khom khom sửa tủ, Bắp tưởng định lấy đồ nên xông vào mổ, đạp lia lịa làm người ta hú vía.
Ở trong xóm trọ có dì Út thường xuyên bị Bắp "tấn công". Chuyện là, có lần chị Thu được biếu một con gà mái. Chị không biết làm thịt nên đã nhờ dì Út giúp. Bắp chứng kiến cảnh đó, nó xù hết lông, dang cánh xông vào "dọa" dì Út rồi chạy quanh con gà mái mà kêu liên hồi.
Dì Út thi thoảng cũng dọa Bắp, kiểu như: "Phá quá nha, tao đi mua đậu xanh về nấu cháo rồi gửi lông Bắp về cho mẹ". Không biết nó có hiểu không, nhưng cứ thấy dì Út ở đâu, Bắp sẽ đuổi theo, mổ vào tay vào chân, hoặc bay lên "tung cước" vào người.
Chị Thu cảm nhận được Bắp có vẻ thông minh, "hiểu chuyện" hơn đồng loại của nó
Còn với chị Thu, Bắp quấn quýt và luôn thể hiện tình cảm. Chị Thu kể, chỉ cần gọi Bắp đi ngủ, nó sẽ nhảy từng bước lên gác xép, sà vào lòng chị. Chỉ khi được chị Thu kẹp nách, vỗ lưng, nó mới chịu ngủ. Còn thấy chị Thu còn thức, nó sẽ đi loanh quanh, rỉa lông rỉa cánh đợi đến khi chị nằm xuống, tắt đèn, Bắp mới chịu ngủ.
Hai "mẹ con" nằm ngủ với nhau quen nên Bắp không cho ai ngủ cùng giường. Có bữa, dì của chị Thu ghé phòng trọ chơi và ngủ lại. Dì nằm bên trong, chị Thu nằm giữa, nhưng Bắp cứ bồn chồn, thi thoảng lại nhổm dậy nhòm nhòm rồi gừ gừ trong họng.
Đặc biệt hơn, dù là gà trống, sáng ra Bắp không chịu gáy. Nếu chị Thu còn nằm, nó cũng nằm cạnh. Khi chị thức dậy, đánh tiếng "Bắp ơi, dậy đi con", nó mới vươn cánh, ưỡn ngực và gáy. Thói quen này của Bắp khiến chị Thu cảm thấy thú vị. Người ta nuôi gà để gáy sáng thay báo thức, đằng này chị còn phải làm đồng hồ báo thức cho gà.
Chị Thu kể, Bắp rất giống trẻ con, đi "gây sự" khắp xóm, hết mổ người này lại đạp người kia. Khi người ta mách lại, chị Thu trêu Bắp, lấy con dao và cái bát để lên ghế, bắt Bắp nằm cạnh để doạ. Lúc đó nó sợ run, thường nằm im giả chết, nhưng mắt vẫn mở để theo dõi tình hình. Cho đến khi chị nói: "Mẹ tha, cho xuống đó", nó mới vội lao xuống, chạy ra sân chơi.
Chị Thu bảo, ngoài cái thói hung hăng thi thoảng làm mẹ cáu, nhìn chung Bắp khá ngoan. Nhiều khi đang đi chơi ngoài sân mà gọi "Bắp ơi, về mẹ cho bánh" là nó tự động chạy về, chị không cần tìm.
Khi bị chị Thu dọa, Bắp sẽ giả chêt
Thỉnh thoảng chị còn cho Bắp lên xe máy, ra công viên cùng đi bộ, hoặc mang lên công ty. Những ngày "đi làm cùng mẹ", Bắp gần như không làm ồn, chỉ đứng loanh quanh bàn làm việc của chị. Nếu có ai đến tìm, nó chỉ ngóc đầu lên hóng rồi lại nằm xuống ngay chân "mẹ".
Chị Thu cưng Bắp lắm, ăn gì cũng chia cho Bắp ăn. Khi đi làm, chị thường để sẵn lúa ở nhà cho ăn. Chị thậm chí còn huấn luyện được Bắp chỉ sinh hoạt ở một khu vực nhất định trong nhà, không để đi vệ sinh bừa bãi hay phá đồ đạc. Có thể nói, chú gà này khá thông minh.
Chị Thu thường tắm cho Bắp 1 tuần/lần
Chị vui vẻ kể: "Ôi mấy con chó của chủ nhà trọ sợ Bắp lắm, vì bọn chúng từng bị Bắp mổ và đạp nhiều rồi. Mình thì rất sợ chó, mà mỗi lần đi ngang qua phòng chủ trọ, có mấy con chó cứ chạy ra ngửi ngửi. Có lần mình kêu: 'Bắp ơi, cứu mẹ con ơi!' thử coi sao, ai ngờ nó chạy vào giải vây, mấy con chó dạt ra hết. Nhưng Bắp lại sợ thằn lằn, gián, chuột. Nếu thấy mấy con đó là nó la làng thôi mà không dám làm gì".
Chị Thu yêu thương, chăm sóc Bắp như con. Làm gì chị cũng thông báo; nói chuyện, dạy dỗ y như đó là người chứ không phải gà. Mỗi khi Bắp ăn ít, có biểu hiện lạ, chị tức tốc cho đi bác sĩ thú y. Chị rất hy vọng Bắp có thể bầu bạn với chị thật lâu, chứ không chỉ là 4 - 5 năm như nhiều người hiểu biết về giống gà tre cảnh báo.
Nguồn: Độc lạ Bình Dương
Phụ nữ số