MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Chú bé Đăk Lăk cưỡi voi đi học" trở thành quán quân cuộc thi Ứng viên tài năng trường đại học Ngoại Thương

21-12-2020 - 10:55 AM | Doanh nghiệp

"Chú bé Đăk Lăk cưỡi voi đi học" trở thành quán quân cuộc thi Ứng viên tài năng trường đại học Ngoại Thương

Hành trình 10 năm của Ứng viên Tài năng bắt đầu từ bài toán rút ngắn khoảng cách giữa "lý thuyết trên giảng đường" với thế giới tuyển dụng thực tế của những năm đầu 2009 - 2010, tới nỗ lực mang cơ hội thử sức với quy trình tuyển dụng từ các tập đoàn đa quốc gia tới sinh viên Việt Nam từ 2015, và trở thành điểm chạm hội tụ của những ứng viên tiềm năng từ khắp mọi miền đất nước của nhiều năm về sau.

Ứng viên Tài năng 2020 là cuộc thi mô phỏng quy trình tuyển dụng của tập đoàn lớn, được tổ chức thường niên bởi Câu lạc bộ Nguồn nhân lực HRC - FTU với sứ mệnh đem lại cơ hội viết nên bước ngoặt sự nghiệp cho hàng ngàn sinh viên năm 3 - 4 và cử nhân khối ngành Kinh tế trên cả nước. 

Từ một hoạt động nhỏ trong khuôn khổ Festival tuyển dụng của trường đại học Ngoại Thương, trở thành một cuộc thi tuyển dụng uy tín với quy mô toàn quốc, tầm ảnh hưởng và uy tín của Ứng viên Tài năng suốt 10 năm qua đã lớn lên cùng sứ mệnh trao đi giá trị sự nghiệp, viết nên và lan toả câu chuyện sự nghiệp của hàng ngàn sinh viên - những người đã từng dừng chân tại Ứng viên Tài năng ở một thời điểm nào đó trên hành trình đi tới thành công của họ.

Năm 2020 chứng kiến vô vàn những sự thay đổi ngoại cảnh khi dịch Covid-19 làm đảo lộn mọi mặt cuộc sống, trong đó không thể không kể đến thị trường tuyển dụng.

Giữa dòng chảy siết của những đổi thay ngoại cảnh mà không ai trong chúng ta có thể kiểm soát, giữa nhịp chạy vẫn rất nhanh của những cơ hội, những thách thức đang vụt qua, làm sao để thoát khỏi sự xoay vần trong những biến động, làm sao để làm chủ cuộc đời mình ngay cả trong khó khăn, trở thành câu hỏi chung của hàng ngàn sinh viên khi đứng ở trạm trung chuyển giữa giảng đường với cuộc đời.

Trở lại trong mùa thứ 10 với 5 ngành: HR, Sales, Finance, Logistics, Marketing với sự đồng hành của các doanh nghiệp tên tuổi như: British American Tobacco, Suntory PepsiCo, Viettel, Giao Hàng Tiết Kiệm, Unilever, Prudential, Avery Dennison, Carlsberg,Shopee,... cuộc thi đã nhận được hơn 2000 đơn đăng ký dự thi từ sinh viên cả nước.

Sau 2 tháng đầy thách thức với 3 vòng thi: CV & Recruitment Test (CV & Test tuyển dụng), Initial Interview (Phỏng vấn cá nhân) và Assessment Centre (Thử thách Nhà chung), 6 gương mặt Ứng viên tài năng sáng giá nhất để tiếp tục tranh tài và tỏa sáng trong sân khấu cuối cùng. Ngôi vị quán quân Ứng viên Tài năng đã thuộc về Ngô Hưng Thế Anh - Ứng viên ngành Finance đến từ Ngoại thương cơ sở TP. HCM.

Chú bé Đăk Lăk cưỡi voi đi học trở thành quán quân cuộc thi Ứng viên tài năng trường đại học Ngoại Thương - Ảnh 1.

6 ứng viên cuối cùng vào vòng chung kết Ứng viên tài năng

Là người con từ vùng đất Tây Nguyên từng cưỡi voi đi học, Thế Anh đã chứng minh được thành quả mình có được bây giờ bắt nguồn từ những điều rất bình thường và ai cũng có thể trở thành Quán quân của chính cuộc đời mình. Chiếc cúp vô địch trong tay Thế Anh tại đêm chung kết Ứng viên Tài năng 2020 được đúc nên bởi sự kiên định và bền bỉ, bởi động lực mạnh mẽ xuất phát từ bên trong, kết tụ lại sau hành trình dài mà anh đã đi qua. Tự nhận mình là một người bình thường, nhưng Ngô Hưng Thế Anh thực sự đã tạo nên kỳ tích dưới ánh đèn sân khấu chung kết Ứng viên Tài năng - một kỳ tích phi thường xứng đáng cho một người bình thường nhưng mang trong mình sự kiên định, bền bỉ mà khiêm nhường đến phi thường.

Chăm chỉ, cầu tiến, tin vào chính mình và lấy thước đo duy nhất là chính mình trước mọi quyết định - Bạn có thể làm chủ thành công của bản thân, làm chủ ước mơ và cuộc đời của mình dù ngoại cảnh có xô bạn đến bất kỳ đâu.

Chú bé Đăk Lăk cưỡi voi đi học trở thành quán quân cuộc thi Ứng viên tài năng trường đại học Ngoại Thương - Ảnh 2.

Quán quân Ngô Hưng Thế Anh

Quán quân Ngô Hưng Thế Anh chia sẻ, "Mình lớn lên ở Đắk Lắk, nơi mà "cưỡi voi đi học" và mọi người đi qua nhà nhau bằng cách "đu dây" ấy, đó là minh chứng cho việc mình là một người rất bình thường. Cấp 3 thì mình học chuyên Toán còn lên đại học thì mình được học Đại học Ngoại thương. 

Vậy điều gì đã khiến mình từ một người đấy hôm nay đứng ở đây? Mình nghĩ đó là do mình làm chủ được bản thân, thể hiện qua 3 điều: Đầu tiên là sự chăm chỉ, thứ hai là thái độ cầu tiến khi thất bại và thứ ba là sự tự tin về bản thân.

Mình sẽ chia sẻ kĩ hơn với các bạn nhé. Về sự chăm chỉ, đối với mình, sự chăm chỉ ngày qua ngày tiến đến mục tiêu là điều hiệu quả nhất. Chỉ cần làm như vậy, bạn sẽ tiến bộ. Với mình, sự tiến bộ không phải ngày một ngày hai mà có được, mà cần cả quá trình. Quan trọng là mỗi ngày các bạn phải cố gắng để tiến bộ hơn ngày hôm qua. Ví dụ, sau một ngày đi học đi làm về rất mệt mỏi, nhưng trước đó mình đã đặt mục tiêu một ngày học xong 10 trang Corporate Finance thì mình sẽ làm gì? Mình sẽ giải lao một tí và mình sẽ học hết 10 trang đấy. Khi mọi người ngủ, bạn học. Khi mọi người chơi, bạn học. Khi mọi người "quẩy", bạn cũng học. Mọi người có thể hỏi: "Sao bạn lại sống một cuộc sống chán như vậy?" thì đừng so sánh mình với người khác bởi mục tiêu của bạn và mục tiêu của họ khác nhau. Nếu muốn có được thứ người khác không muốn thì bạn phải làm thứ mà người khác không làm được. Đó là quy luật của cuộc sống này. 

Điều thứ hai mình muốn chia sẻ là thái độ cầu tiến khi thất bại. Mình thấy mình rất may mắn khi hồi nhỏ mình đã được đọc quyển sách "Tôi tài giỏi, bạn cũng thế". Câu hay nhất mà mình được học là: "Đừng bao giờ đổ lỗi cho người khác vì sai lầm của bạn". Bởi vì khi bạn đổ lỗi cho người khác khi bạn thất bại, bạn được cái gì? Cái mà bạn đạt được chỉ là một sự bảo vệ cho tâm hồn mong manh của bạn. Ngoài cái đó ra thì bạn còn lợi ích gì không? Không. Còn nếu mà bạn nhận lỗi về mình thì bạn sẽ đạt được gì? Bạn biết được mình sai ở đâu, mình sai như thế nào và làm sao để lần sau bạn không sai nữa. Điều đó sẽ dẫn bạn đến thành công. Mình chỉ muốn nói là thất bại không phải là mãi mãi. Bạn sẽ thành công nếu bạn cầu tiến với thất bại và muốn thay đổi.

Ý mình muốn nói tiếp theo là về sự tự tin vào bản thân. Tin vào bản thân là gì? Là việc đừng bao giờ nghĩ rằng mình không thể làm được. Mình sẽ làm được, chỉ cần mình cố gắng và cần thời gian thôi. Có một vài tips dành cho các bạn nếu chưa cảm thấy tự tin vào bản thân, và cũng là tips dành cho mình luôn. Trước khi thi những cuộc thi như thế này, mình cũng là người bình thường, mình run, thì mình làm gì? Mình sẽ tự nhủ với bản thân: "You can do it! Let’s do it". Hoặc mình sẽ vào nhà vệ sinh, giơ tay hình chữ V 2-3 phút trước đấy. Đó là khoa học đó các bạn. Mood của các bạn sẽ được tăng lên rất nhiều. Đó là những gì mình có thể chia sẻ để giúp các bạn tăng sự tự tin cho bản thân mình".

Chú bé Đăk Lăk cưỡi voi đi học trở thành quán quân cuộc thi Ứng viên tài năng trường đại học Ngoại Thương - Ảnh 3.

Á quân 1: Nguyễn Thảo Uyên

Á quân 1, Nguyễn Thảo Uyên, một du học sinh Australia đã dũng cảm bỏ du học để trở về Việt Nam lập nghiệp, mà bạn cho rằng đó là một "Bước ngoặt đổi thay".

"Năm 2017, mình học tại Đại học Ngoại Thương và sau đó thì nghỉ học để chuẩn bị du học ở Úc. Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như đó không phải là một thoáng không suy nghĩ, một thoáng bồng bột của bản thân mình. Đứng trước quyết định đi du học quan trọng như vậy mà mình đã không suy nghĩ, tính toán kĩ, không có cân nhắc nhiều về tương lai nghề nghiệp của mình, không có thực sự nói chuyện với bản thân mình để hiểu mình muốn làm gì và liệu quyết định này có đúng hay không. Mình để cho những lời nói của mọi người nó áp đảo cái tiếng nói từ bên trong của mình.

Học bổng của mình là một học bổng của chính phủ, và nó quy định rằng  phải học ngành cử nhân luật ở đại học Monash và sau tốt nghiệp phải trở về Việt Nam làm việc. Trước khi lên máy bay thì mình đã nhận ra mình hối hận với quyết định đó rồi. Nhưng mà đã quá trễ, mình đã nộp học phí, vậy nên mình phải đi.

Khi qua tới Úc, cuộc sống nó rất là khó tả. Khi nhìn từ bên ngoài vào thì mọi thứ rất ổn: đi học trường tốt này, bạn bè xung quanh rất là tốt, tham gia một tổ chức bên Úc là AIESEC in Monash, mọi người rất là nice. Nhưng mà bên trong thì thực sự nó không có ổn xíu nào. Mọi thứ chất lượng tốt lắm, nhưng có một điều mà mình thiếu: đó là mình không thấy được cái mục đích và lí tưởng của mình ở đây. Mỗi ngày thức dậy thì mình đều tự hỏi là mình đang nỗ lực vì điều gì thì mình không có câu trả lời. Cái tương lai phía trước dù cố gắng đến mấy thì mình cũng cảm thấy nó rất trống rỗng và vô nghĩa với bản thân: Học luật Úc rồi trở về Việt Nam. Khi nhìn những người bạn xung quanh của mình cùng học trong khoa Luật, những bạn cố hết sức mỗi ngày vì một mục tiêu trong tương lai là trở thành một luật sư thật tài giỏi, thì mình cảm thấy ghen tị lắm. Không phải ghen tị vì học luật đâu, mà ghen tị vì "Ồ, mỗi ngày bạn ấy có một lí do để cố gắng hơn." Và khi nhìn về Việt Nam, mình thấy các bạn  ở Việt Nam cũng đang nỗ lực trong ngành mà mình muốn theo đuổi. Lúc đó, mình cảm thấy rất ao ước.

Và rồi cũng đến cái ngày mà suy nghĩ ấy hiện lên trong đầu mình: "Mình phải dừng lại, mình không tiếp tục thế này được". Việc đầu tiên mình làm là tìm kiếm xem trường mình học hay các trường đại học khác ở Úc có chuyển đổi chương trình hay không và có thể thương lượng điều khoản được với quỹ học bổng để thay đổi điều khoản bắt buộc hay không. Nhưng câu trả lời là không. Và nó đã dẫn tới cái buổi chiều hôm đó. Khi mình ngồi với bạn mình ở Úc và nói câu chuyện ấy ra, hai đứa đã nói lên một suy nghĩ: Về Việt Nam. 

Cái câu chuyện về Việt Nam bỏ học thì nghe nó quen quen vì trước đó mình đã nghỉ học ở Ngoại Thương rồi. Hai cái khoảnh khắc đó thì nghe tưởng nó y như nhau, rất là không suy nghĩ, quyết định nhanh trong mỗi quyết định rất là quan trọng của đời mình. Nhưng mà lần thứ hai thì mình khác rồi, mình đã tính toán kỹ, mình đã thực sự ngồi lại và ghi ra cái gì được - mất cho mỗi phương án. Mình hỏi lời khuyên của những người mình yêu quý, những người mình tin tưởng, những người có chuyên môn kinh nghiệm, mình hỏi gia đình, bạn bè của mình. Mình chắt lọc những lời khuyên đó cho bản thân, mình nói chuyện với bản thân mình, để xem mình sẵn sàng chấp nhận rủi ro của bên nào hơn: Mình chấp nhận cái rủi ro là về Việt Nam thì 2 tháng nữa phải thi lại đại học liền và bị dị nghị, hay là mình chấp nhận ở lại Úc và tiếp tục sống những chuỗi ngày vô định như vậy. Thì hôm nay mình đứng đây chắc mọi người cũng biết quyết định đó là gì rồi *cười*.

Lúc đầu về Việt Nam, mình cũng phải đối mặt với rất nhiều đàm tiếu dị nghị của mọi người, vì đương nhiên rồi, vừa mới đi du học mà đã đòi về thì mọi người cảm thấy rất là khó hiểu. Mọi người nói về mình với những câu như là: "Ủa, sao tự nhiên đi Úc sướng thế mà lại đi về? Chắc là nhớ mẹ quá, không có bản lĩnh gì cả!" hoặc là ‘Sao lại nói vì đam mê mà về Việt Nam? Đam mê là cái gì? Nghe trừu tượng như đang biện hộ vậy!" Đương nhiên mình rất buồn. Nhưng mà khi tự ngồi lại và nghĩ là: "Mình đã suy tính kĩ rồi, mình đã có những cân nhắc kĩ cho quyết định này rồi", thì mình lại càng cảm thấy tin tưởng hơn nữa. Mình rất cảm ơn cuộc đời vì đã cho mình cơ hội để làm lại, cám ơn ba mẹ đã luôn tin tưởng, chấp nhận và ủng hộ mình cho dù là mình cứ bỏ học và đi về như vậy, cảm ơn bạn bè vì đã luôn tin tưởng và giúp đỡ mình.

Câu chuyện Bước ngoặt của mình, mình đã rút ra được 3 bài học. Cái thứ nhất là không bao giờ là quá muộn cho một sự thay đổi nếu bạn đủ niềm tin và nỗ lực. Cái thứ hai là take calculated risk. Bạn có thể take risk nhưng phải suy tính kĩ cho những quyết định lớn của cuộc đời mình. Và cái thứ ba mà cái bước ngoặt đó dạy mình là: Bây giờ khi mình đã bước đi trên con đường mà mình lựa chọn rồi, mình càng phải bản lĩnh, mạnh mẽ và theo đuổi đến cùng, xứng đáng với những gì mình đã từ bỏ vì nó".

Chú bé Đăk Lăk cưỡi voi đi học trở thành quán quân cuộc thi Ứng viên tài năng trường đại học Ngoại Thương - Ảnh 4.

Á quân 2, Nguyễn Duy Thành Công, một sinh viên ngành Supply Chain.

Á quân 2, Nguyễn Duy Thành Công, một sinh viên ngành Supply Chain, chia sẻ: "126720 phút là tất cả thời gian mình đã dùng để chuẩn bị và thất bại trước 12 cuộc thi, các nhà tuyển dụng. Khi đó có cuộc thi mình trượt từ vòng 1, có cuộc thi thì mình trượt từ vòng 2, nhưng quan trọng là sau đó không ai còn nhớ mình là ai cả.

Cách đây khoảng 2 năm khi mình mới bước chân vào thị trường tuyển dụng, mình có tìm tới tất cả những người anh, người chị mà mình biết để hỏi xem rằng mình nên theo ngành gì. Lúc đó thì mình nhận được rất nhiều những lời khen là: "Em rất sáng tạo, em nghĩ ra rất nhiều ý tưởng, thì tại sao em không theo ngành Marketing đi?". Khi đó, mình đã nghĩ là Marketing chính là miền đất hứa dành cho mình cho nên là mình đi thi rất nhiều những cuộc thi và ứng tuyển rất nhiều vị trí về Marketing.

Nhưng mà mình không thành công...

Mình có một bộ sưu tập các vé mời tham dự chung kết, thư cảm ơn từ những người bạn của mình - những người bạn năm nhất, năm hai của mình. Khi các bạn của mình được tỏa sáng trên sân khấu, mình ngồi bên dưới, mình tự đọc đề, tự giải và mình trầm trồ nghĩ rằng: "Tại sao các bạn ấy lại nghĩ ra, còn mình thì không?". Kéo theo sau đó là một chuỗi những cảm xúc rất tiêu cực. Mỗi sáng thức dậy mình không muốn bước ra khỏi giường, mình cảm thấy mình thật thất bại. Sau chuỗi những cảm xúc như vậy mình nhận ra rằng, mình không muốn ở FTU nữa.

Và mình chạy trốn…

Mình bỏ lại tất cả những "peer pressure" này ở đằng sau và tìm tới một cơ hội thực tập ở vị trí Marketing cho một công ty bất động sản chuyên cho thuê nhà tại Indonesia. Khi sang đến Indonesia, nhiệm vụ đầu tiên mình được giao là viết một bài để cho tất cả mọi người tìm đến công ty và thuê nhà. Mình viết xong mình mới nhận ra một điều rằng: Hầu hết người Indonesia họ không sử dụng tiếng Anh, nên là sao mình có thể sử dụng ngôn ngữ này để kéo người thuê nhà đến được. Mình đã rất bế tắc trong khoảng thời gian ấy, mình đã tìm đường chạy trốn khỏi FTU đến Indonesia rồi nhưng cái thất bại trong Marketing vẫn theo đuổi mình. Lúc đó mình mới nghĩ rằng, thôi thì làm gì cũng được, miễn là mình tận dụng hết thời gian ở đây. 

Sau đó thì mình tìm đến anh CEO của công ty Startup đó để xin anh ấy cho mình cơ hội được làm những công việc về back office để mà mình có thể sử dụng tiếng Anh của mình giao tiếp với tất cả mọi người. Và, mình được phân vào mảng Operation. Đây là cơ hội để cho mình được tìm hiểu về dashboard. Mình học được cách làm sao để mình làm ra một dashboard mà khi những người không biết gì nhiều về số liệu họ cũng có thể hiểu được, làm sao để trình bày vắn tắt về một thứ cho anh CEO mà lịch trình kín từ sáng tới tối.

Trước khi quay về thì mình có nhận được feedback từ anh CEO của mình rằng: "Không quan trọng là bạn làm gì, bất kể công việc nào bạn làm, bạn phải hiểu được mục đích tại sao bạn lại làm điều đó". Rồi mình đã tự hỏi bản thân mình đang cố gắng vì điều gì, những công việc mình làm hàng ngày là gì ai?

Và mình nhận ra, tất cả những điều thôi thúc mình chính là Gia đình.

Ngày trước khi mình còn bé, gia đình mình chưa được khá giả như bây giờ. Nhà mình ở nhà cấp 4, có 2 phòng ngủ thôi và tất cả gia đình cùng ngủ trên một chiếc giường rộng 1 mét 6. Khi đó thì mà mình chưa mua được điều hòa, mà ở miền núi thì rất hay mất điện, có những đêm mẹ mình thức trắng cả đêm để quạt cho anh em mình ngủ. Còn bố, có những đêm bố vẽ dự án, thiết kế nhà cho người ta thức đến tận sáng. Sáng mình dậy đi học vẫn thấy bố đang ngồi vẽ. Và mình nhận ra rằng...

Mình muốn cố gắng như bố mẹ mình đã từng làm. Có thể mình chưa giỏi giang bằng ai, nhưng chắc chắn mình sẽ trở thành một con người tử tế để bố mẹ mình yên tâm".

Cuộc thi khép lại, ban tổ chức Ứng viên Tài năng đã không ngừng ấp ủ niềm tâm huyết được mang cơ hội đổi thay, cơ hội viết nên câu chuyện sự nghiệp cho những thế hệ người trẻ đầy nhiệt huyết.

Châu Cao

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên