MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ chuỗi phòng khám thường kiểm tra sức khỏe định kỳ nhưng quên 1 điều này, khi phát hiện khối u đã quá lớn

27-05-2020 - 19:57 PM | Sống

Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng giống như bảo dưỡng xe cộ, sửa sang nhà cửa. Ai cũng phải làm thường xuyên để bảo vệ cơ thể của chính mình.

Chuyện đi kiểm tra sức khỏe định kỳ rất nhiều người biết, nhưng không phải ai cũng hiểu đúng, hiểu đầy đủ. Nhiều người quên, ngại đi khám sức khỏe định kỳ, nên đến khi phát hiện ra bất thường về sức khỏe thì bệnh tật đã phát triển ở giai đoạn muộn, việc điều trị không còn đạt hiệu quả cao.

Trên kênh Youtube cá nhân, bác sĩ Trần Quốc Khánh - Bệnh viện Việt Đức đã có video chia sẻ chi tiết về vấn đề kiểm tra sức khỏe định kỳ, rất cần thiết đối với mọi gia đình.

Trong video, bác sĩ Khánh kể lại câu chuyện đáng tiếc về một người bạn là doanh nhân, chủ của một loạt các phòng khám lớn. Hàng năm, người này vẫn kiểm tra sức khỏe định kỳ ở chính tại phòng khám do mình điều hành nhưng không phát hiện vấn đề gì.

Đến khi cảm thấy mệt mỏi, ăn không ngon miệng, người bạn này tìm đến bác sĩ Khánh nhờ tư vấn. Qua lời kể, bác sĩ Khánh được biết, vì không cảm thấy các dấu hiệu bất thường trong người nên doanh nhân này chưa bao giờ thực hiện nội soi dạ dày, đại tràng dù kiểm tra sức khỏe thường xuyên.

Sau khi được tư vấn, người bạn của bác sĩ Khánh đã đi kiểm tra sức khỏe tổng quát và tiến hành nội soi dạ dày, đại tràng. Không may, kết quả nội soi cho thấy những khối u trong dạ dày đã phát triển vô cùng lớn, ở giai đoạn muộn. Dù đã được các bác sĩ đã tận tâm phẫu thuật, điều trị nhưng người bạn doanh nhân của bác sĩ Khánh cũng chỉ kéo dài cuộc sống thêm được 6 tháng.

Vậy chúng ta nên kiểm tra sức khỏe định kỳ như thế nào cho đúng cách và đạt hiệu quả nhất? Dưới đây là chia sẻ của bác sĩ Khánh:

1. Vì sao chúng ta phải đi kiểm tra sức khỏe định kỳ

Thứ nhất là không phải trẻ là không bị bệnh. Mỗi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc những nhóm bệnh riêng. Trẻ em thiếu niên thì hay mắc các bệnh lý u bẩm sinh như u hệ thống thần kinh, thận, xương, dị tật bẩm sinh, dị dạng hệ tiết niệu, bệnh lý về máu... Thanh niên thì dễ bị dạ dày, ung thư tinh hoàn, ung thư vú, ung thư tuyến giáp... Trung niên và người già hay bị bệnh cao huyết áp, tiểu đường, các bệnh ung thư... Vì thế dù ở lứa tuổi nào, chúng ta cũng phải đi kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Thứ 2: Khi mắc bệnh, cơ thể chúng ta chưa chắc đã có những triệu chứng, biểu hiện ra ngày mà nhiều khi âm thầm ủ bệnh, đến khi bệnh phát triển ở giai đoạn muộn mới phát hiện.

Do vậy, chúng ta phải chủ động kiểm tra sức khỏe để phát hiện bệnh sớm. Đối với chữa bệnh thì giai đoạn là yếu tố quan trọng nhất. Nghĩa là chúng ta phát hiện càng sớm thì tiên lượng càng tốt, các bác sĩ chữa trị càng dễ.

2. Những nội dung chính trong việc kiểm tra sức khỏe định kỳ

- Siêu âm, bao gồm: Siêu âm tuyến giáp, siêu âm tuyến vú/tinh hoang, siêu âm ổ bụng, ngoài ra có thể siêu âm hạch nách, hạch cổ, hạch bẹn... Nghi ngờ cơ thể tổn thương ở đâu thì siêu âm ở đó.

- Chụp X-quang phổi thẳng và nghiêng để đánh giá các bệnh lý về phổi, tim, hệ thống xương sườn/xương ức/xương đòn...

- Điện tim để kiểm tra nhịp tim có bất thường, loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim không.

- Xét nghiệm máu để xác định chức năng gạn thận, các rối loạn về máu.

- Nội soi dạ dày, đại tràng... Dù nhiều người có ý thức về việc kiểm tra sức khỏe định kỳ nhưng lại rất hay quên nội soi dạ dày, đại tràng... Với các bệnh lý dạ dày, đại tràng thì nội soi là tiêu chuẩn vàng để phát hiện bệnh sớm.

- Ngoài ra, còn có thể làm thêm các xét nghiệm khác, khám các chuyên khoa lẻ nếu có nghi ngờ tổn thương như kiểm tra sản phụ khoa, tai mũi hòng, mắt, răng, da liễu...

3. Những lưu ý chính khi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ

Chủ chuỗi phòng khám thường kiểm tra sức khỏe định kỳ nhưng quên 1 điều này, khi phát hiện khối u đã quá lớn - Ảnh 1.

- Trước khi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, điều quan trọng nhất là cần gặp riêng 1 bác sĩ có chuyên môn khám tư vấn từ đầu để sau đó đưa ra các lời khuyên, định hướng kiểm tra sức khỏe, đọc kết quả sau khi khám và tư vấn cụ thể xem điều cần làm tiếp theo là gì.

- Mọi người thường ngại nội soi dạ dày, đại tràng, đó là sai lầm. Bởi người châu Á có tỷ lệ mắc bệnh lý về dạ dày, đại tràng, trực tràng, thực quản rất cao. Bác sĩ Khánh khuyên những người trưởng thành nên thực hiện nội soi dạ dày, đại tràng khoảng 1 lần mỗi năm. Những người từng mắc các bệnh lý liên quan nghiêm trọng thì nên kiểm tra 6 tháng/lần hoặc tùy theo bác sĩ chuyên khoa chỉ định.

- Nam giới không được quên siêu âm tinh hoàn. Phụ nữ không được bỏ qua siêu ấp tuyến giáp, tuyến vú.

- Xét nghiệm nhóm máu chỉ cần thực hiện 1 lần và nên biết nhóm máu của toàn bộ các thành viên trong gia đình. Bởi nhóm máu của mỗi người không thay đổi. Trong trường hợp khẩn cấp, các thành viên trong gia đình có thể truyền máu cho nhau kịp thời.

- Tạo thói quen xét nghiệm phân và tẩy giun định kỳ 6 tháng/1 lần. Người Việt Nam có tỉ lệ nhiễm giun sán tương đối nhiều cho nên cần tạo thói quen tẩy giun cho cả gia đình để bảo vệ sức khỏe.

Bác sĩ Khánh cũng khuyên mọi người hãy dành một quỹ tài chính, vừa phải thôi cũng được để kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm: "Thay vì bảo dưỡng xe cộ, sửa sang nhà cửa, mọi người đừng quên bảo dưỡng cơ thể của chính mình. Bởi chỉ khi có sức khỏe chúng ta mới có tất cả những điều khác".

Thiên An

Tổ Quốc

Trở lên trên