Chủ đầu tư 'dọa' tăng giá bán nhà, nhà thầu kêu cứu vì vật liệu tăng vọt
Giá thép, xi măng tăng vọt 30-40% khiến giới nhà thầu xây dựng phát hoảng, kêu cứu; còn những chủ đầu tư tính chuyện tăng giá bán nhà.
- 28-04-2021Chủ đầu tư 'dọa' tăng giá bán nhà, nhà thầu kêu cứu vì vật liệu tăng vọt
- 27-04-2021Giá nhà đất Tp.HCM xung quanh các tuyến metro đã tăng giá như thế nào?
- 26-04-2021Cơn sốt đất điên cuồng bất ngờ hạ nhiệt, giá nhà đất nhiều nơi "sốt ảo" có thể quay đầu giảm
Giá thép, xi măng đua tăng giá
Theo Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến trong quý 1, đặc biệt ở tháng 4.
Giá thép tăng đến 40% khiến nhà thầu kêu ‘cứu’...
Cụ thể, giá thép phi 6 Việt Mỹ trong quý 4/2020 là 13.145 đồng/kg thì hiện nay, giá thép này ở Đà Nẵng được bán ở mức 18.370 đồng/kg, tăng 40%. Trong khi đó, giá thép do Sở Xây dựng Đà Nẵng công bố với nhà thầu áp dụng thanh quyết toán cũng chỉ là 13.805 đồng/kg.
Hiệp hội khẳng định không riêng thép Việt Mỹ mà tất cả các thương hiệu thép đều đồng loạt tăng giá từ 30% đến 40% so với quý cuối năm trước.
Theo khảo sát, tại một số đại lý sắt thép ở miền Bắc, giá thép tăng liên tục nên các đại lý sắt thép chỉ báo giá với khách hàng 2 ngày/lần.
Đơn cử, sắt cuộn có giá 11.500 đồng/kg vào thời điểm trước tháng 7/2020, nhưng đến nay giá đã lên trên dưới 16.000/kg, tăng 4.500/kg.
Một số đơn vị chuyên bán thép cũng báo giá theo tuần. Đơn cử, thép Hòa Phát được xuất tại kho ở Hải Dương được báo giá 16.800 đồng/kg đối với thép cuộn D6, D8 và đối với thép cây thanh vằn D14, D32 – L11,7m; thép cây thanh vằn D10 – L11,7 có giá 17.100 đồng/kg.
Hay giá thép Hoà Phát loại phi 22 được báo 280.000 đồng/cây, hiện nay lên 463.000 đồng/cây, tăng 65% so với tháng 6/2020. Còn Thép Việt Nhật phi 22 giá 489.000 đồng/cây, cao hơn 96.000 đồng, tăng khoảng 24% so với tháng 6/2020, hiện có giá 393.000 đồng/cây.
Không chỉ có thép, xi măng cũng tăng giá theo. Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, trong quý 1/2021, khu vực Đông Nam bộ tiêu thụ xi măng lớn nhất cả nước. Tháng 2 là thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng sang tháng 3, sản lượng tiêu thụ mặt hàng này tăng vọt gấp 2,3 lần. Cùng thời điểm tháng 3, tại miền Bắc tiêu thụ xi măng tăng gần 40% so với tháng 2.
Từ trung tuần tháng 4, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng đã điều chỉnh mức giá sản phẩm bán ra, với mức tăng từ 30.000 đồng - 40.000 đồng/tấn trở lên.
Nhà thầu lo lắng, kêu ‘cứu’
Chia sẻ với PV Infonet, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết: Giá thép chiếm tỷ lệ rất lớn trong giá thành xây dựng nên khi giá thép tăng đến 40% thì nhà thầu không có cách gì chống đỡ cả.
Khi giá thép, xi măng tăng giá, các chủ đầu tư xây nhà cũng tính chuyện tăng giá bán. |
Ông cho rằng, các nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn, không có cách tháo gỡ do các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng). Vì vậy, các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt này còn các dự án đầu tư vốn ngân sách thì lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các Sở Xây dựng mà các thông báo này lại không cập nhật biến động giá kịp thời.
“Các nhà thầu gay go sẽ khiến cả công trình xây dựng tê liệt, như thế tổng sản phẩm GDP của cả nước sẽ không đạt được mục tiêu Chính phủ đặt ra, bởi lẽ xây dựng chiếm đến gần 10% GDP của cả nước. Giá vật liệu xây dựng tăng sẽ đẩy giá tất cả các thứ lên, dẫn đến giá thành bất động sản cũng tăng lên.
Hiệp hội Nhà thầu kiến nghị vì quyền lợi của nhà thầu nhưng cũng đề nghị Chính phủ kiểm tra, xem xét nguyên nhân nào dẫn đến việc giá thép tăng giá như vậy, từ đó cần có biện pháp tháo gỡ cho từng loại dự án”, ông Hiệp kiến nghị.
Ở góc độ chủ đầu tư dự án, cũng chia sẻ với PV Infonet, ông Vũ Kim Giang – Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Hải Phát cho biết, trước tình hình giá vật liệu xây dựng đầu vào tăng cũng có 1-2 nhà thầu có ý kiến, nhưng cơ bản các nhà thầu là các đơn vị đã gắn bó với chủ đầu tư nhiều năm nên hai bên cũng đều tìm cách để hỗ trợ nhau.
Ông Giang cho rằng: “Giá vật liệu xây dựng tăng hiển nhiên giá xây dựng sẽ cao hơn, điều này cũng khiến chúng tôi xem xét việc điều chỉnh giá nhà và sẽ phải giải trình cho khách hàng hiểu. Tùy từng kết cấu công trình, giá nhà có thể tăng quanh mức 20%”.
Anh Nguyễn Tuấn – người chuyên mua đất xây nhà để bán lại cho biết, cả tháng nay, tuần nào anh cũng nhận được thông báo tăng giá của các nhà thầu xây dựng.
“Trước Tết nguyên đán, giá xây thô khoảng 3 triệu đồng/m2 nhưng nay phải 3,3 triệu đồng/m2 mới có đơn vị nhận, đã thế lại kèm điều kiện sẽ điều chỉnh giá khi giá thép và vật liệu xây dựng tiếp tục tăng cao. Với tình hình này buộc tôi sẽ phải tăng giá bán nhà mới có thể bù vào chi phí vật liệu”, anh Tuấn cho hay.
Infonet