2 khu đô thị đắc địa nhất Hồ Tây Starlake và Ciputra đều đặn thu lãi vài nghìn tỷ đồng mỗi năm
Được phát triển bởi các doanh nghiệp bất động sản ngoại, khu vực Tây Hồ Tây đang cho thấy hiệu quả sinh lời ấn tượng, đồng thời cũng hứa hẹn trở thành trung tâm mới của nội đô Hà Nội trong tương lai.
Bất động sản khu vực phía Tây Hồ Tây đang ngày càng trở nên sôi động trong vòng 5 năm trở lại đây. Với vị trí đắc địa, mật độ dân cư thấp và gần các trục giao thông huyết mạch nối với sân bay Nội Bài, đây được kỳ vọng là khu trung tâm mới trong địa bàn nội đô, tầm nhìn đến 2030.
Hai cấu phần chính của Tây Hồ Tây, khu đô thị Starlake và khu đô thị Ciputra đều đang dưới bàn tay phát triển của các doanh nghiệp ngoại, những công ty hàng đầu của Hàn Quốc và Indonesia.
Starlake
Dự án của chủ đầu tư Daewoo E&C (Hàn Quốc) được xây dựng trên diện tích 186 ha, trong đó 84% diện tích dành cho không gian xanh. Theo quy hoạch, đây sẽ là địa điểm dịch chuyển tới của các cơ quan thuộc Chính phủ, đại sứ quán, công trình văn hóa…
Phối ảnh khu đô thị Tây Hồ Tây. Nguồn: Starlake
Tại Việt Nam, Daewoo E&C giao cho Công ty TNHH Phát triển THT (sở hữu 100%) làm đơn vị chịu trách nhiệm phát triển dự án.
Thực tế, Starlake được cấp phép đầu tư từ năm 2006, nhưng đến năm 2014 mới bắt đầu khởi công xây dựng hạ tầng giai đoạn 1 sau khi hoàn thành thủ tục pháp lý và giải phóng mặt bằng. Hai năm sau đó, THT bắt đầu mở bán những sản phẩm đầu tiên, khu biệt thự đợt 1, 2 (giai đoạn 1) tổng số gần 250 căn. Năm 2017, công ty bán tiếp biệt thự đợt 3 gần 50 căn và bàn giao các đợt trước đó. Năm 2018, Starlake mở bán dự án chung cư đầu tiên ( tổng số 603 căn), và bán biệt thự đợt 4 (66 căn).
Quá trình xây dựng hạ tầng Starlake giai đoạn 2 bắt đầu được thực hiện từ năm 2019. Trong năm nay THT đã mở bán biệt thự đợt 1, và đến tháng 10 dự kiến bàn giao chung cư giai đoạn 1 cho khách hàng.
Sự phát triển của dự án Starlake được phản ánh vào kết quả kinh doanh của công ty THT theo từng năm. Theo dữ liệu của chúng tôi, THT bắt đầu ghi nhận nguồn thu từ năm 2017, nhưng đến năm ngoái đã đem về tới 6.830 tỷ đồng doanh thu và 2.876 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Kết quả này vượt trội so với hai năm trước đó.
Hiệu quả của Starlake là khá ấn tượng và đang tăng lên theo thời gian với biên lãi gộp năm ngoái đạt 54%, gần gấp đôi so với 2018.
Mới chỉ đi những bước đầu tiên, tuy nhiên Starlake đã cho thấy tiềm năng lợi nhuận là hết sức rõ ràng. Bên cạnh việc tự phát triển những dự án của riêng mình, công ty tạo dựng hạ tầng thu hút đầu tư các dự án lớn khác.
Tháng 3 năm nay, Samsung Việt Nam đã bắt đầu xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (R&D) tại Starlake. Dự án có quy mô đầu tư khoảng 220 triệu USD dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Cũng trong giai đoạn này, Tập đoàn Edufit cũng khởi công dự án xây dựng Trường mầm non Sakura Montessori - Trường PTLC Gateway Tây Hồ Tây trên diện tích 2 ha. Dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2020, sẽ đón học sinh đến trường vào học kỳ 2 năm học 2020 – 2021.
Ngoài ra, tại Starlake chủ đầu tư Daewoo E&C còn kết hợp với nhiều doanh nghiệp trong, ngoài nước phát triển các dự án khách sạn 5 sao, văn phòng hạng A, trung tâm thương mại, giải trí, ẩm thực, thể thao quy tụ các thương hiệu nổi tiếng theo phong cách đô thị Hàn Quốc hiện đại.
Ciputra Hà Nội
Khu đô thị Nam Thăng Long, hay Ciputra Hà Nội quy mô 301 ha, được đầu tư bởi Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long. Đây là một liên doanh giữa Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Đô thị (UDIC) và Tập đoàn Ciputra (Indonesia).
Trong đó, phía công ty Việt Nam sở hữu 30% vốn cổ phần. Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2019, UDIC cho biết đã đầu tư giá gốc hơn 1.910 tỷ đồng vào dự án.
Tổ hợp 3 tòa TheLINK345. Nguồn: Ciputra Hà Nội
Ciputra Hà Nội phát triển theo mô hình khu đô thị sinh thái, 77 ha diện tích dành cho cây xanh và mặt nước. Dân cư ở Ciputra cũng đang dạng quốc gia, với gần 1/3 là người nước ngoài.
Trong những năm gần đây, Ciputra Hà Nội liên tục cho ra mắt, mở bán, bàn giao các dự án thấp và cao tầng. Có thể kể đến như khu biệt thự Grand Gardenville Tây Hồ, Central Park, chung cư cao cấp TheLINK, Parklane, Concord…
Nhìn vào kết quả kinh doanh, doanh thu của Ciputra Hà Nội tăng mạnh trong hai năm gần đây, vượt mức 3.000 tỷ đồng mỗi năm. Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế năm 2019 đạt 1.300 tỷ đồng, gấp hơn 2,4 lần năm trước đó. Biên lợi nhuận gộp cũng tăng từ 20% lên tới gần 48%, cho thấy dự án đang dần đi vào giai đoạn hiệu quả nhất.
Xin lưu ý rằng, biên lợi nhuận gộp ở mức quanh 50% là thuộc top đầu trong số các công ty bất động sản của Việt Nam. Lấy ví dụ như Vinhomes, Đất Xanh năm ngoái dẫn đầu đạt khoảng 53%. Các thương hiệu lớn khác như Novaland, Nam Long chỉ đạt từ 30% - 40%.
Phải dành đôi dòng nói về cổ đông lớn nhất tại Ciputra Hà Nội, Tập đoàn Ciputra là một trong những công ty gia đình hàng đầu Indonesia. Lĩnh vực sở trường của doanh nghiệp này là phát triển các dự án đồng bộ quy mô lớn, kết hợp nhà ở, giải trí, tổ hợp đa năng…
Ciputra cho biết đã phát triển hơn một trăm dự án quy mô từ hàng trăm đến hàng nghìn ha tại Indonesia và trên thế giới, bao gồm các khu đô thị ở Campuchia, Ấn Độ và Trung Quốc. Tại Việt Nam ngoài dự án KĐT Nam Thăng Long, Ciputra còn ghi dấu ấn với khách sạn 5 sao Pullman Hà Nội. Người sáng lập Tập đoàn Ciputra từ năm 1981, được mệnh danh là huyền thoại đầu tư bất động sản Indonesia, Dr. (HC) Ir. Ciputra đã qua đời vào tháng 11 năm ngoái, hưởng thọ 88 tuổi.
Bản thân cổ đông còn lại UDIC từ 2018 mỗi năm ghi nhận hàng trăm tỷ đồng cổ tức vào doanh thu tài chính. Hai năm gần nhất, UDIC lần lượt đem về 735 tỷ đồng và 324 tỷ đồng, nhiều khả năng phần lớn trong số này là tiền được chia từ liên doanh Ciputra Hà Nội.