Chủ đầu tư, người mua nhà, sàn giao dịch... đang hiểu sai về công trình Xanh
Sau 10 năm thâm nhập vào thị trường xây dựng Việt Nam, đến nay mới chỉ có 60 công trình được nhận chứng chỉ xanh bền vững. Đây là con số quá khiêm tốn so với tốc độ phát triển của các công trình xây dựng tại Việt Nam.
- 03-05-2017TPHCM phân công trách nhiệm quản lý công trình xây dựng
- 12-04-2016Thái Nguyên: Hàng loạt công trình xây dựng sai phép tại Hồ Núi Cốc
- 20-01-2016Hàng loạt công trình xây dựng trái phép ở phường Vạn Phúc?
Đây là thông tin đáng chú ý tại hội thảo Khởi động chương trình phát triển công trình xanh do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Hiểu sai lệch về công trình xanh
Theo thống kê của Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC), tính đến tháng 10/2016 tại Việt Nam có khoảng 61 công trình xanh ở các giai đoạn khác nhau (trong đó có 36 dự án theo chứng nhận LEED (Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ – USGBC), 13 dự án theo chứng nhận LOTUS (Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam – VGBC) và khoảng 12 dự án theo chứng nhận Green Mark (Bộ Xây dựng Singapore – BCA).
Trong khi ở Singapore con số này là hơn 2.100 dự án (theo chứng nhận Green Mark); ở Ôxtraylia là hơn 750 dự án (theo chứng nhận Green Star).
Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thừa nhận, phong trào phát triển công trình xanh ở Việt Nam mới đi những bước đầu tiên, chưa có nhiều hoạt động thực sự hiệu quả và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của xã hội.
Theo ông Nam, việc phát triển công trình xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn của đối với kinh tế, xã hội và môi trường. Với riêng thị trường bất động sản, thế giới cũng đã chứng minh, việc ứng dụng phát triển công trình xanh sẽ mang lại rất nhiều giá trị gia tăng và tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành xây dựng và thị trường bất động sản. Vì vậy, các chủ đầu tư và người mua nhà cần có nhận thức đúng để thúc đẩy phát triển công trình xanh.
Trong lĩnh vực bất động sản khái niệm về Công trình xanh hay Kiến trúc xanh cũng đang trở nên quen thuộc và được quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên khái niệm về công trình xanh vẫn tồn tại nhiều cách hiểu và quan điểm riêng khác nhau.
Ông Trịnh Tùng Bách - Quản lý phát triển Công Trình Xanh Tập đoàn Capital House cho biết, tại Việt Nam, đại đa số chủ đầu tư, người mua nhà, các sàn giao dịch bất động sản…cũng hiểu khá sai lệch khái niệm công trình Xanh.
Cách hiểu sai thứ nhất là hiểu Công trình Xanh chỉ đơn giản là nhiều cây xanh. "Nhiều cây xanh không phải sai, nhưng nó chỉ là một trong những yếu tố góp phần Xanh hoá công trình. Cây xanh đem lại bóng mát và bầu không khí trong lành, vô cùng có tác dụng trong việc điều hoà không khí trong không gian công trình. Tuy nhiên “Xanh” không chỉ đơn giản là như vậy" - ông Bách cho biết.
Cách hiểu sai thứ hai là Công trình Xanh vô cùng đắt đỏ và chỉ có những toà nhà hạng sang mới có khả năng đạt chuẩn Công trình Xanh. Rất nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng công trình Xanh sẽ có mức chi phí cao hơn 10-30% công trình thường. Điều này là một rào cản không nhỏ cho việc Xanh hoá các công trình tại Việt Nam.
Ông Bách dẫn chứng, chương trình Năng lượng sạch USAID Việt Nam đưa số liệu: Công trình xanh có thể tiết kiệm 50% tiêu thụ năng lượng so với thiết kế ban đầu mà không làm tăng chi phí. Lợi ích rõ ràng nhất của công trình xanh là giảm chi phí vận hành (thường chiếm hơn 80% chi phí đầu tư). Qua đó, làm tăng giá trị tài sản, mức hoàn vốn đầu tư nhanh, hấp dẫn khách hàng.
Còn nhiều rào cản
Hiện nay, Chính phủ, các nhà đầu tư, các cơ quan nghiên cứu khoa học đều đã quan tâm đến công trình xanh hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả, bảo vệ môi trường, góp phần chống biến đổi khí hậu.
Cụ thể, Chính phủ đã cho thành lập Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (ECC) để hỗ trợ, tư vấn về tiết kiệm năng lượng cho các công trình hiện hữu cũng như xây mới. Bộ Xây dựng đã ban hành các quy chuẩn xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm phát thải ra môi trường.
Bộ Tài nguyên Môi trường và các bộ ngành liên quan công bố tiêu chuẩn quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, tập trung vào các vấn đề hạn chế và đi đến chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo.
Việt Nam đang tận dụng sự phong phú của các nguồn năng lượng tái tạo bằng những cam kết phát triển công nghệ xanh. Năm 2011, Việt Nam đã hợp tác với Đan Mạch nhằm nâng cao kiến thức và phát triển công nghệ xanh để đối phó với biến đổi khí hậu.
“Tuy nhiên, cho đến thời điểm này vẫn chưa có chính sách khuyến khích đầu tư công trình xanh một cách cụ thể tại thị trường Việt Nam. Các ban ngành chức năng cũng chưa hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng tương xứng với tiêu chí xanh phù hợp với điều kiện phát triển thực tiễn tại nước ta hiện nay. Điều này không tạo nên một tiền đề cho các Sở, Ban ngành địa phương sử dụng để đưa vào những chính sách khuyến khích hợp lý.
Đây thực sự rào cản đề các cơ quan nhà nước có các ưu đãi phù hợp với các công trình được thiết kế và xây dựng Xanh. Mặc dù vậy đội ngũ chuyên gia trong ngoài nước vẫn đang có những nỗ lực to lớn cùng với Bộ Xây dựng kiện toàn việc này, sớm có nhữnng khuyến khích cho các chủ đầu tư về Công trình Xanh” – ông Bách cho biết.
Để thúc đẩy phát triển những công trình xanh trong phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình, ông Bách đề xuất Nhà nước cần kiến thiết những chương trình hỗ trợ ít nhất 20 năm, với các nội dung cụ thể từ tín dụng, từ quỹ đất, từ ưu đãi cho nhà phát triển… Về dài hạn, cần thành lập Ủy ban hoặc Hội đồng nhà ở, theo mô hình công ty, với sự tham gia của đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội, đại diện các bộ, ngành liên quan, doanh nghiệp và vận hành theo quy luật của thị trường.
Tại Hội thảo, các đại biểu là các chuyên gia, các nhà quản lý đều chung nhận định rằng, trong những năm qua, các hoạt động sản xuất phát triển kinh tế đã bộc lộ mặt trái làm cho môi trường ô nhiễm, thiên nhiên suy thoái, gây ra biến đổi khí hậu, đe dọa sự sinh tồn của nhân loại trên thế giới. Các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu đã tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trong quá trình sản xuất, xây dựng, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.
Đối với ngành xây dựng, phát triển Công trình Xanh được xem là 1 giải pháp công nghệ góp phần giải quyết bài toán năng lượng, môi trường, tăng tính thẩm mỹ cho công trình. Không ngoài xu hướng đó, ở Việt Nam, Công trình Xanh ngày càng phát triển mạnh mẽ, chủ đầu tư cũng nhận thấy lợi ích khi phát triển Công trình Xanh, mang lại những giá trị tốt đẹp cho cả chủ đầu tư và người sử dụng.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo khởi động, VNREA cũng đã ký với các chủ đầu tư đăng ký tham gia vào chương trình, cam kết về các công trình xanh của công ty trong 5 năm tới. Riêng Capital House đã cam kết tài trợ 1 triệu USD cho Chương trình trong vòng 5 năm và trở thành đơn vị tiên phong hỗ trợ thúc đẩy cho Chương trình./.
Diễn đàn doanh nghiệp