Chủ đầu tư 'siêu máy bơm' lên tiếng về hợp đồng chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh
Chủ đầu tư "siêu máy bơm" chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh cho rằng hiện nay trên địa bàn TPHCM còn rất nhiều điểm ngập, thành phố xem xét di chuyển "siêu máy bơm" sang một điểm ngập khác thay vì kết thúc hợp đồng giữa chừng.
Ngày 10/5, nguồn tin của Tiền Phong cho biết, ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng giám đốc Công ty CP tập đoàn công nghiệp Quang Trung - Chủ đầu tư "siêu máy bơm" chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TPHCM đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND TPHCM với nội dung "xin ý kiến chỉ đạo giải quyết vướng mắc trạm bơm chống ngập cho 75Ha khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh".
Trong văn bản ông Cường nêu, vào năm 2013, trong một lần bị kẹt xe ở quận 5, TPHCM do đường ngập, ông đã tự bỏ công sức và tiền của ra để nghiên cứu giải pháp công nghệ chống ngập cho thành phố. Đến ngày 4/8/2016, Công ty có văn bản số báo cáo và đề xuất xin được thực hiện cho một điểm bị ngập nặng nhất tại TPHCM với tiêu chí "không hết ngập sẽ không thanh toán tiền" và được Thành ủy, UBND TPHCM chấp thuận thực hiện thí điểm tại điểm ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh.
Sau khi đi vào vận hành, hệ thống bơm đã được UBND và các đơn vị liên quan đánh giá, nhận xét đã phát huy tác dụng chống ngập tốt. Khu vực này đã được cải thiện không bị ngập, giao thông đi lại thuận tiện, người dân tại khu vực này rất phấn khởi vì không ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh như trước.
Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật TPHCM kết hợp với Trung tâm Chống ngập thành phố cũng đã xây dựng phương pháp so sánh kinh tế, kỹ thuật giữa công nghệ sử dụng hệ thống bơm thông minh với phương pháp truyền thống. Các bên khẳng định sử dụng công nghệ bơm thông minh kiểu mới đã đảm bảo về kỹ thuật chống ngập và tiết kiệm trên 68.4% kinh phí cho thành phố. "Vì thế, tại văn bản số 800/TB-VPTU ngày 17/9/2018, Bí thư Thành Ủy đã chỉ đạo “sẽ tiếp tục thuê dịch vụ này để giải quyết chống ngập trên địa bàn thành phố sau năm 2019. Đồng thời, UBND TPHCM cũng đã có văn bản số 66/BC-UBND ngày 18/4/2018 nêu rõ: “TPHCM sẽ chỉ đạo nghiên cứu mô hình công nghệ này để triển khai nhân rộng trên địa bàn thành phố”, ông Cường nêu.
"Siêu máy bơm" được đánh giá chống ngập hiệu quả cho khu vực 75Ha. |
Ngày 19/4/2018, UBND TPHCM ủy quyền cho Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước ký Hợp đồng chính thức với thời gian thuê dịch vụ chống ngập là 7 năm, bắt đầu từ năm 2017 đến 31/12/2023. Theo ông Cường, giá thuê dịch vụ theo dự toán ban đầu do doanh nghiệp đề xuất được cơ quan thẩm định giá xác định là 24 tỷ/năm. Tuy nhiên, các ban ngành của thành phố đã yêu cầu trừ hết lãi vay ngân hàng trong quá trình đầu tư và xét tới yếu tố thành phố sẽ tiếp tục thuê dịch vụ này để áp dụng ở nhiều điểm khác nên hai bên đã thỏa thuận giảm giá xuống còn 14,2 tỷ/năm.
Theo cam kết trong Hợp đồng, nếu chất lượng dịch vụ chống ngập không đạt các tiêu chí được quy định thì sẽ không được thanh toán tiền. Cho tới nay, trạm bơm luôn hoàn thành xuất sắc dịch vụ chống ngập, chưa bị thành phố phạt không thanh toán tháng dịch vụ chống ngập nào.
Tuy nhiên, ngày 31/3/2022 Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TPHCM yêu cầu tạm ngưng thực hiện dịch vụ chống ngập từ ngày 1/4/2022. Ông Cường cho rằng, đây là trường hợp không bao giờ doanh nghiệp mong muốn. Nếu trường hợp này xảy ra thì thiệt hại của doanh nghiệp sẽ là 87 tỷ đồng dựa trên các chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã và đang thực hiện. "Doanh nghiệp mong muốn được mang những kết quả khoa học đã thành công trong việc chống ngập và những tâm huyết trong hơn 10 năm qua để đóng góp một phần nhỏ bé của mình cùng với thành phố để giải quyết hết các điểm ngập của thành phố theo phương thức dịch vụ: “không hết ngập không thanh toán tiền”.
Do đó, chủ đầu tư "siêu máy bơm" đề nghị thành phố xem xét di chuyển hệ thống bơm này sang một điểm ngập khác sẽ hiệu quả hơn, vì chỉ phát sinh thêm phần di chuyển và lắp đặt. "Việc này cũng phù hợp với chỉ đạo của Thành ủy tại thông báo kết luận số 800/TB-VPTU ngày 17/9/2018 và văn bản số 66/BC-UBND ngày 18/4/2018 của UBND TPHCM…”, văn bản nêu.
"Siêu máy bơm" có công suất từ 27.000m3-96.000m3/h. |
Liên quan đến việc xác định hiệu quả chính xác việc so sánh hiệu quả chống ngập giữa nâng đường và chống ngập bằng hệ thống bơm, ông Cường đề nghị thành phố nên mời một số cơ quan chuyên môn độc lập để đánh giá cho 75Ha khu vực bị ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, trong đó có khu dân cư chứ không riêng đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh chỉ có diện tích 3Ha.
"Hiện tại mặt đường cao hơn khu dân cư hiện hữu có đoạn hơn 1m, nếu lượng mưa khoảng 70mm thì đoạn đường này sẽ cơ bản không bị ngập nhưng khu dân cư xung quanh với trên 70Ha có cốt nền tương đối thấp, nước từ chỗ cao chảy xuống chỗ thấp sẽ có nguy cơ ngập nặng. Bên cạnh đó, cần phải có trận mưa lớn khoảng 70mm trở lên, mưa liên tục khoảng 3 giờ thì sẽ đánh giá chính xác tình trạng ngập của khu vực này", ông Cường phân tích.
Trước đó, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TPHCM) đã có văn bản gửi Công ty cổ phần tập đoàn Quang Trung về việc tạm ngưng thực hiện đặt hàng cung cấp dịch vụ chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh áp dụng công nghệ chống ngập kiểu mới sau khi dự án Sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nguyên nhân là lượng nước thoát cho tuyến Nguyễn Hữu Cảnh được chảy về cửa xả và thoát ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, không truyền tải nước đến hầm trạm bơm do Công ty Quang Trung vận hành phục vụ công tác chống ngập.
Tiền phong