MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ động nhận việc nơi công sở như “con dao hai lưỡi”: Không biết làm điều này đúng lúc thì cuộc sống bế tắc, sự nghiệp bị đe dọa

16-06-2019 - 21:39 PM | Sống

Luôn chủ động nhận các dự án hay nhiệm vụ là cách tuyệt vời để bạn ghi điểm với sếp. Thế nhưng, nếu muốn con đường sự nghiệp phát triển dài lâu thì bạn nhất định phải học cách từ chối khi cần. Có như vậy, bạn mới đảm bảo được hiệu suất công việc cũng như sự cân bằng cuộc sống.

Là một thành viên trong nhóm, việc luôn chủ động nhân và hoàn thành ngoài mong đợi một dự án mới có thể giúp bạn trở thành một nhân viên sáng giá tại công ty, nhưng bạn cũng cần phải học cách nói "không" đúng lúc. 

Bởi lẽ, theo Lindsey Pollak, tác giả cuốn sách "The Remix: How to Lead and Succeed in the Multigenerational Workforce", có những tình huống mà việc trì hoãn và đặt ra những giới hạn là việc làm hợp lý và cũng là một bước đi tốt cho sự nghiệp của bạn.

Nói "không" hay từ chối đồng nghĩa với việc tạo nên các giới hạn nhằm giúp bạn tăng năng suất và xây dựng một sự cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống.

Liz Nolley Tillman, tác giả của "Great Work, Great Rewards" cũng cho hay: "Các lãnh đạo cấp cao không bao giờ muốn thấy xung quanh họ toàn là những người biết chỉ nói câu 'đồng ý', trái lại, họ muốn đối mặt với những thách thức trong những suy nghĩ và thoát ra khỏi sự ảo tưởng của chính mình".

Ai cũng vậy, một khi đã đi làm thì sẽ khó tránh khỏi việc nhận được yêu cầu hoàn thành một nhiệm vụ nào đó không thuộc vai trò của mình tại công ty. Việc nhận nhiệm vụ đó cho thấy bạn là một nhân viên tuyệt vời luôn muốn giúp công ty thành công và phát triển. Thế nhưng, khi việc đó đã trở thành một khuôn mẫu thì nó lại có khả năng mang tới những rắc rối lớn cho bạn.

Chủ động nhận việc nơi công sở như “con dao hai lưỡi”: Không biết làm điều này đúng lúc thì cuộc sống bế tắc, sự nghiệp bị đe dọa - Ảnh 1.

Nhận quá nhiều công việc khiến bạn phải chịu áp lực nặng nề hơn, không chỉ năng suất giảm sút mà chất lượng công việc cũng khó đảm bảo.

Ví dụ, bạn là nhân viên nữ duy nhất trong cuộc họp và thường xuyên được yêu cầu ghi chép, lấy cà phê, đặt phòng hay photo tài liệu. Có thể bạn cho rằng đây là chuyện bình thường nhưng trên thực tế, về lâu dài nó sẽ có những tác động không tốt đối với con đường phát triển sự nghiệp của bạn.

Dana Brownlee, chủ tịch của Professionalism Matters kiêm tác giả cuốn sách "The Unwritten Rules of Managing Up: Project Management Techniques from the Trenches" cũng đồng ý với điều này khi nói "việc đó có thể sẽ ảnh hưởng tới thương hiệu cũng như uy tín của bạn".

Đồng thời, cô cũng gợi ý rằng bạn có thể đồng ý nhận việc nhưng cũng nên đề nghị một lịch trình luân phiên để các đồng nghiệp khác cũng sẽ phải có trách nhiệm với nhiệm vụ hay dự án. Nhờ đó, bạn sẽ tránh được những sự bất hợp tác cũng như không bị công việc dồn ép và đè nặng mọi lúc, mọi nơi.

Tác động xấu tới hiệu suất

Sếp thường sẽ giao cho bạn nhiều dự án hơn khi thấy bạn là một người năng nổ và luôn hoàn thành tốt công việc. Tuy nhiên, khi bạn phải gồng gánh quá nhiều dự án khác nhau đi kèm những deadline và nhiều việc khác, không chỉ hiệu suất làm việc của bạn giảm đi mà chất lượng công việc cũng bị ảnh hưởng.

Theo Brownlee, "Trách nhiệm của bạn là phải biết trì hoãn ở một mức độ nào đó để có thể mang lại lợi ích cho cả bạn và công ty". Nếu bạn không muốn thẳng thừng từ chối công việc sếp giao thì hãy học một cách cư xử lịch thiệp và khéo léo hơn.

Điều này có nghĩa, sếp đôi khi sẽ không nhận thấy được khối lượng công việc bạn đang phải giải quyết lớn tới mức nào. Vì thế, bạn hãy chủ động trình bày để sếp hiểu và hỏi xem liệu sếp muốn bạn dành sự ưu tiên đối với các việc đó ra sao.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên nói với sếp rằng nếu bạn nhận một nhiệm vụ mới thì một nhiệm vụ khác có khả năng sẽ bị trì hoãn. "Đôi lúc, chúng ta cần phải nhắc nhở mọi người về những hậu quả và lật lại nếu họ có chỉ trích sau này," cô nói.

Chủ động nhận việc nơi công sở như “con dao hai lưỡi”: Không biết làm điều này đúng lúc thì cuộc sống bế tắc, sự nghiệp bị đe dọa - Ảnh 2.

Những nhân viên xuất sắc hàng đầu có thể sẽ được thăng chức lên vị trí quản lý, nhưng không phải ai cũng hứng thú với công việc quản lý người khác hoặc có đủ khả năng để đảm nhiệm công việc đó. 

"Sự trung thực là chiến lược tốt nhất. Bạn hoàn toàn có thể nói rằng bạn không nghĩ đó là điều thích hợp ở hiện tại," Brownlee cho biết. Tuy nhiên, hãy luôn nhớ một điều rằng bạn phải thẳng thắn với sếp và đặt ra những kỳ vọng về những mục tiêu sự nghiệp của mình. 

Theo Pollak, "Bạn sẽ phải chủ động và chịu trách nhiệm về con đường sự nghiệp của chính bạn. Bạn cần đảm bảo rằng các mục tiêu và kỳ vọng của mình sẽ giống như điều mà sếp hy vọng ở bạn và đó chính là vấn đề về mặt giao tiếp".

Thử một lần nói câu "Không" có ích

Dù muốn từ chối một dự án hay nhiệm vụ thì bạn cũng đừng quên đưa ra thêm những đánh giá của mình về tình hình công việc. Pollak cho hay rằng, bạn có thể không nhận việc đó nhưng hãy là một phần của giải pháp bằng cách gợi ý một đồng nghiệp khác có nhiều kinh nghiệm hơn hoặc đang tìm kiếm một dự án mới.

"Làm như vậy có nghĩa bạn đang thể hiện rằng bạn hiểu người đó đang cần và bạn cũng muốn là một người đồng nghiệp biết giúp đỡ người khác," Pollak chia sẻ.

Nói "Có" nhưng chỉ khi nằm trong điều kiện cho phép của bạn

Bạn đừng cảm thấy xấu hổ khi đưa ra những điều kiện cụ thể hoặc đặt ra những sự kỳ vọng thực tế nếu bạn cảm thấy mọi việc đang vượt quá vai trò của mình, hoặc bản thân đang phải làm việc quá tải với cả "núi" công việc chồng chất.

Ví dụ, nếu bạn được yêu cầu làm việc cả cuối tuần thì hãy đề nghị được làm việc từ xa thay vì tới công ty, hoặc nếu đó là một dự án lớn thì hãy yêu cầu được thành lập một nhóm nhỏ để quản lý nhằm trau dồi và nâng cao kinh nghiệm lãnh đạo của bạn. "Bạn sẽ phải học cách nói ‘có’ hay nhận việc một cách có chiến lược. Đôi khi điều đó hoàn toàn có thể thương lượng được," Brownlee cho biết.

Nguyễn Phương

CNN

Trở lên trên