MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ động săn nhà đầu tư

Theo các chuyên gia, tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam trong bối cảnh dịch COVID – 19 đã thay đổi rất nhiều, rất bất định. Dòng đầu tư đang dịch chuyển, do đó Việt Nam cần cải cách thể chế nhanh hơn, đồng thời thay đổi tư duy từ tháo gỡ khó khăn sang tạo điều kiện thuận lợi, chủ động săn nhà đầu tư “đại bàng”, nếu không chỉ đón được “chim sẻ”.

TS. Võ Trí Thành
TS. Võ Trí Thành
Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương
110 bài viết

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện CIEM cho rằng, trong bối cảnh thế giới bất định, không nên quá chăm chăm vào câu chuyện tăng trưởng bao nhiêu % mà cần quan tâm hơn đến vấn đề sức chống chịu của nền kinh tế và cân đối vĩ mô của Việt Nam sẽ thay đổi thế nào.

Theo ông Thành, các kịch bản tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào và sự nỗ lực chống dịch của các đối tác thương mại quan trọng và nỗ lực cải cách của Việt Nam. Chúng ta phải sống chung với dịch, chưa biết bao giờ dịch mới kết thúc. Sau năm 2020, nợ xấu ngân hàng có thể sẽ tăng, thâm hụt ngân sách sẽ lớn hơn nhiều.

"Các kịch bản tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào và sự nỗ lực chống dịch của các đối tác thương mại quan trọng và nỗ lực cải cách của Việt Nam. Chúng ta phải sống chung với dịch, chưa biết bao giờ dịch mới

kết thúc", ông Võ Trí Thành

Việt Nam cần quan tâm đến cải cách thể chế, với 2 vấn đề gồm tốc độ của chính sách và cơ chế đặc biệt. Không phải ngẫu nhiên Việt Nam lập tổ công tác về thu hút FDI. Chúng ta phải từ thế bị động, dọn ổ cho họ, giờ phải chủ động, tăng tốc cùng với cải thiện chính mình để mời gọi, ‘săn’ họ vào. Nếu chậm chân, không đón được “đại bàng” mà chắc chỉ vợt được chim sẻ”, ông Thành nói. Do đó, trong thời gian tới, ngoài việc thu hút FDI có chất lượng, Việt Nam cần đặt mục tiêu phát triển DN nội địa lên hàng đầu, ngăn nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm DN Việt...

Chủ động săn nhà đầu tư - Ảnh 2.

Ông Võ Trí Thành

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và tận dụng được các cơ hội, Việt Nam cần phải xây dựng một thể chế phản ứng nhanh với các biến đổi. Bên cạnh đó, tập trung cải cách môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn, khó hơn. Trong đó chuyển sang xu hướng tạo thuận lợi, chứ không phải tháo gỡ khó khăn. “Việt Nam cần chủ động tìm các nhà đầu tư chứ không phải ngồi chờ. Còn doanh nghiệp, cần tăng khả năng thích nghi, ứng biến, áp dụng kinh tế số thực chất và cải tiến nhiều hơn”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Tạo thuận lợi cho DN trong nước

TS Lê Xuân Bá cho rằng, Việt Nam vẫn đang bị phụ thuộc quá nhiều vào FDI. Các DN FDI chiếm giá trị xuất khẩu lớn, chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối trong tăng trưởng của nhiều địa phương, tuy nhiên không mang nhiều công nghệ vào Việt Nam.

Do đó, trong thời gian tới, ngoài thu hút những FDI chất lượng cao, Việt Nam cần xem xét đặc biệt đến cơ chế thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp dân tộc. Bởi hiện có nhiều câu hỏi nếu xu hướng bảo hộ gia tăng, doanh nghiệp có xuất khẩu được không, hay quay về khai thác thị trường nội địa, nơi bị bỏ ngỏ nhiều năm.

Ông Bá cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu đưa ra các dự báo sớm cho nền kinh tế trong trung và dài hạn về xu hướng toàn cầu hóa và những cuộc chơi lớn. Trong đó, điều quan trọng nhất là phải thay đổi thể chế kinh tế, với mấu chốt là cách quản trị nhà nước, cải cách môi trường đầu tư, xử lý nghiêm quan chức tham nhũng, không thực hiện đúng quy định pháp luật.

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cho rằng đại dịch COVID - 19 đặt ra cho mỗi nước yêu cầu cần phải có một cơ cấu kinh tế an toàn. Trong đó, việc chuyển đổi sang kinh tế số trong bối cảnh hiện nay nên là ưu tiên. Ngoài ra, tập trung chuyển nông nghiệp sang trình độ cao hơn, không dừng lại ở nông nghiệp thô mà phải chế biến sâu, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm để xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Đặc biệt, ông Doanh cho rằng, trong bối cảnh hậu COVID-19, Nhà nước cần thực hiện công khai minh bạch các thông tin, dữ liệu như đã làm trong dịch COVID - 19.

Ưu tiên xử lý những điểm yếu của nền kinh tế

 Trong báo cáo được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tuần trước về những giải pháp phục hồi kinh tế Việt Nam sau dịch COVID-19, tổ chức này khẳng định: Ưu tiên hàng đầu của Việt Nam hiện nay là đảm bảo người lao động sớm trở lại làm việc dù Chính phủ đã rất chủ động đưa ra giải pháp bảo vệ việc làm thông qua nhiều biện pháp có trọng điểm. Các số liệu được WB dẫn theo VCCI cho thấy, có khoảng 25% doanh nghiệp thành viên phải cắt giảm lực lượng lao động hoặc giảm lương, trong khi khoảng 60% doanh nghiệp áp dụng chế độ giờ làm linh hoạt hoặc giảm giờ làm hoặc đào tạo cho người lao động của mình.

Các chuyên gia WB cho rằng, tăng chi ngân sách là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, Việt Nam cần tránh vay nợ quá mức dẫn đến làm tăng gánh nặng cho thế hệ tương lai. Trong bối cảnh hiện tại, Chính phủ cần tập trung vào bốn lĩnh vực chính: Tối ưu hóa việc triển khai chương trình đầu tư công, coi đây chính là giải pháp kích thích tài khóa; khai thác tối đa chương trình chuyển đổi số nhằm giảm chi phí giao dịch cho cả Chính phủ và doanh nghiệp; bảo vệ, tạo việc làm cũng như tăng cường vốn nhân lực và hỗ trợ các hoạt động của khu vực tư nhân, tập trung vào các lĩnh vực bị tác động nhiều nhất bởi COVID-19.

Theo WB, ước tính tại Việt Nam, khi giải ngân đầu tư công tăng thêm 10% thì tăng trưởng GDP sẽ tăng thêm 0,6%. Hiệu quả của đầu tư công trình công cộng sẽ tăng lên nếu cơ quan quản lý thực hiện theo hướng đảm bảo bền vững tài khóa và cải thiện hiệu quả phân bổ và hiệu quả tài chính. Việc đưa luồng vốn thông qua đẩy mạnh đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn như xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam, phát triển hệ thống quốc lộ, mở rộng các sân bay, xây dựng đường sắt đô thị ở TPHCM, Hà Nội, cải thiện giao thông công cộng… có thể tạo ra tác động cấp số nhân, tạo việc làm trực tiếp, gián tiếp, kích cầu cho các nhà thầu địa phương và thúc đẩy hoạt động sản xuất trở lại của các nhà máy.



Theo Dương Hưng - Phạm Tuyên

Tiền phong

Trở lên trên