MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ dự án điện áp mái 840 tỷ ở Quảng Trị là ai?

26-02-2021 - 12:29 PM | Thị trường

Lắp đặt điện mặt trời áp mái (ảnh minh hoạ)

Lắp đặt điện mặt trời áp mái (ảnh minh hoạ)

Với tuổi đời gần 3 tháng tuổi, chắc hẳn rằng đằng sau dự án Trang trại chăn nuôi công nghệ cao kết hợp điện mặt trời áp mái với số vốn lên tới 840 tỷ đồng vừa được chấp thuận ở Quảng Trị là những nhà đầu tư có tiềm lực.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng vừa ký quyết định số 559/UBND-CN ngày 9/2/2021 về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Trang trại chăn nuôi công nghệ cao kết hợp điện mặt trời áp mái.

Theo đó, chủ đầu tư là Công ty TNHH Phát triển Năng lượng và Nông nghiệp công nghệ cao Quảng Trị, tổng mức đầu tư trước thuế 842,9 tỷ đồng.

Dự án sẽ thực hiện tại thôn Xa Bai, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị với diện tích đất, mặt nước, mặt bằng dự kiến sử dụng 136,007 ha đất dự án và 1,5846 ha cho hành lang lưới điện phục vụ dự án.

Về công suất thiết kế, Dự án bao gồm các hợp phần sau: Hợp phần 1 bao gồm trang trại lợn quy mô 7.500 con lợn nái và 72.000 con lợn thịt chia làm 3 modul tiêu chuẩn. Mỗi modul 2.500 con lợn nái giống và 24.000 con lợn thịt được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn công nghệ mới, đáp ứng được những yêu cầu chung thiết kế và phối hợp các bộ phận thành một hệ thống hoàn chỉnh.

Hợp phần 2 bao gồm hệ thống điện mặt trời áp mái trên các mái chuồng của dự án quy mô khoảng 10MWp; Hợp phần 3 gồm trang trại nuôi bò quy mô 1.000 con bò thịt giống và vỗ béo. Khu vực chăn nuôi bò cách xa khu vực chăn nuôi lợn đảm bảo theo quy chuẩn và tiêu chuẩn chăn nuôi về an toàn dịch bệnh.

Về quy mô kiến trúc xây dựng: Giai đoạn 1 (từ tháng 3/2021 đến tháng 9/2021), thi công xây dựng 1 trang trại lợn, xây lắp hệ thống điện áp mái và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án như điện, nước, giao thông… Tổng diện tích xây dựng các hạng mục giai đoạn 1 là 17,5 ha; diện tích lắp đặt điện mặt trời (đảm bảo 10 hệ thống, mỗi hệ thống không quá 1MWp) là 3,8 ha.

Giai đoạn 2 (từ tháng 10/2021 đến tháng 12/2022), thi công xây dựng 2 trang trại lợn, 1 trang trại bò và xây lắp hệ thống hạ tầng kỹ thuật từng trang trại… Tổng diện tích xây dựng các hạng mục giai đoạn 2 là 18,3 ha.

Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm.

Chủ đầu tư là ai?

Công ty TNHH Phát triển Năng lượng và Nông nghiệp công nghệ cao Quảng Trị có địa chỉ đăng ký tại Số 3 Đội Cấn, phường Đông Lương, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Công ty được thành lập vào ngày 21/12/2020, do ông Nguyễn Đức Thành (SN 1993) làm Người đại diện theo pháp luật, kiêm Tổng giám đốc.

Với tuổi đời gần 3 tháng tuổi, chắc hẳn rằng đằng sau dự án Trang trại chăn nuôi công nghệ cao kết hợp điện mặt trời áp mái với số vốn lên tới 840 tỷ đồng vừa được chấp thuận ở Quảng Trị là những nhà đầu tư có tiềm lực.

Dữ liệu Nhadautu.vn cho thấy, vốn điều lệ Công ty TNHH Phát triển Năng lượng và Nông nghiệp công nghệ cao Quảng Trị vào thời điểm mới thành lập là 30 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: CTCP Xây dựng và xây lắp công nghiệp (40%) và CTCP Lũng Lô 51 (60%).

CTCP Xây dựng và xây lắp công nghiệp thành lập vào ngày 22/1/2013, hoạt động chính trong lĩnh vực lắp đặt hệ thống điện, người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc là ông Trần Phong Nam (SN 1973). Trước khi thực hiện tăng vốn lên 33 tỷ đồng tháng 8/2020, vốn điều lệ của Xây lắp Công nghiệp chỉ là 3 tỷ đồng. Các chỉ tiêu kinh doanh cũng khá khiêm tốn, với doanh thu thuần trên dưới chục tỷ đồng mỗi năm giai đoạn 2016-2019, trong đó năm 2019 đạt 9,8 tỷ đồng, lỗ thuần 353 triệu đồng.

So với đối tác còn lại trong dự án, quy mô tài sản và nguồn lực của Lũng Lô 51 lớn hơn đáng kể. Tháng 3/2019, doanh nghiệp này tăng vốn từ 30 tỷ đồng lên 95,55 tỷ đồng. Doanh thu thuần năm 2019 (công ty mẹ) đạt 30,4 tỷ đồng, lãi sau thuế 125 triệu đồng. Tổng tài sản tới cuối năm là 308 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 251,7 tỷ đồng.

Lũng Lô 51 hiện còn đang đề xuất dự án nhà máy điện mặt trời Hải Quy, diện tích 46 ha (xã Hải Quy, Hải Lăng, Quảng Trị). Tháng 11/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị đã đề xuất đưa dự án vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035. Dù vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Sở Công thương làm rõ về sự phù hợp với kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất do diện tích đất dự kiến sử dụng cho dự án (46 ha) là khá lớn.

Ngoài ra, Lũng Lô 51 từng nghiên cứu thực hiện dự án dự án điện gió tại xã Chư H’Drông, TP. Pleiku và các xã Đăk Yă, Lơ Pang, huyện Mang Yang (Gia Lai).

Theo Văn Tuân - Hóa Khoa

Nhà đầu tư

Trở lên trên