MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ homestay vượt bão mùa dịch: Từ mua nồi lẩu để phục vụ khách, founder chuyển hướng chơi coin, đầu tư chứng khoán

25-07-2021 - 18:09 PM | Doanh nghiệp

Chủ homestay vượt bão mùa dịch: Từ mua nồi lẩu để phục vụ khách, founder chuyển hướng chơi coin, đầu tư chứng khoán

Cách để các doanh nghiệp siêu nhỏ có thể "vượt bão" là nhờ tư duy để phát triển. Họ có 2 lựa chọn: hoặc là đầu hàng, đóng cửa hoặc tạm nghỉ đến khi hết dịch quay lại, nhưng có một nhóm khác coi đó là thời cơ.

Chia sẻ tại hội thảo trực tuyến "Kết nối và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ cho khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Việt Nam" do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Đề án 844, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức, ông Phạm Kim Cương, founder kiêm CEO Cohost AI đã có bài chia sẻ về cách các doanh nghiệp siêu nhỏ chống chọi với Covid-19.

Cohost Vietnam là công ty tiên phong trong việc áp dụng công nghệ vào vận hành nhà cho thuê (home-sharing), kinh doanh lưu trú đa nền tảng. Thuộc sở hữu của công ty Cohost AI Inc, có trụ sở chính tại thung lũng Silicon. Sau khi được rót vốn đầu tư bởi 2 quỹ đầu tư thiên thần Hàn Quốc và VIC Partners, CEO Kim Phạm đã đưa Cohost Vietnam vào hoạt động, chính thức phủ sóng trên 9 tỉnh thành cả nước.

Kim Phạm là một kỹ sư máy tính ở Sillicon Valley, từng có thời gian làm việc cho Google, anh đã giành huy chương bạc Olympic và nhận học bổng du học của chính phủ theo chương trình AusAid, sau khi rời Google anh có 3 năm làm việc ở Airbnb, sau đó quyết định về Việt Nam và mang mô hình kinh tế chia sẻ về Việt Nam.

Chủ homestay vượt bão mùa dịch: Từ mua nồi lẩu để phục vụ khách, founder chuyển hướng chơi coin, đầu tư chứng khoán - Ảnh 1.

Cohost Vietnam cung cấp giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản lý căn hộ, giúp một nhân sự (host/ co-host) có thể vận hành chuỗi dịch vụ lên đến hàng trăm căn chỉ trên một nền tảng. AI giúp hỗ trợ quản lý nhà cho thuê đa nền tảng với các tính năng như: trả lời tin nhắn, dịch đa ngôn ngữ, đặt phòng, báo cáo doanh thu - chi phí, lịch dọn dẹp, check-list của toàn bộ OTAs (Airbnb, Booking, Agoda,...), Facebook, Zalo, Website,.. trong 1 app duy nhất. Phiên bản Cohost AI version 3 còn tích hợp khả năng kết nối với các nhân viên dọn dẹp (maid), giao dịch dọn phòng, giám sát chất lượng buồng phòng và thanh toán trực tuyến.

Mở đầu bài phát biểu, CEO Kim Phạm chia sẻ: "Năm vừa qua là một năm tàn phá. Lĩnh vực kinh tế chia sẻ và du lịch là ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid -19. "Tôi đã từng nghĩ rằng, mọi người sẽ "giải tán" nhưng bất ngờ là có nhiều doanh nghiệp sống sót sau đại dịch, quay lại kinh doanh và có kế hoạch khá vững vàng".

Dịch Covid-19 đã khiến những ông lớn trong ngành kinh tế chia sẻ lao đao. Airbnb, nền tảng kết nối người cần thuê nhà với các chủ homestay, đã có một năm 2020 lao đao khi dịch bùng phát khiến 90% phòng bị huỷ, doanh thu công ty giảm 75%, công ty buộc phải sa thải 25% nhân viên trên toàn cầu để duy trì hoạt động, và vay 2 tỷ USD từ các chủ nợ. Airbnb lên kế hoạch IPO từ năm 2019 và tưởng chừng sẽ phải hoãn kế hoạch này lại vì Covid-19, tuy nhiên Airbnb đã IPO thành công vào cuối năm 2020, giá cổ phiếu ngày đầu chào sàn chạm mốc 146 USD so với giá IPO 68 USD, nâng vốn hoá thị trường của Airbnb lên tới 86,5 tỷ USD.

Ở Việt Nam, theo chia sẻ của anh Kim Phạm, sau đợt bùng phát dịch đầu tiên vào tháng 4/2020, các homestay hồi phục rất nhanh, mức 50% trước dịch. Lý do ở tính linh hoạt, các homestay nhỏ phục vụ khách du lịch trong nước, các nhóm nhỏ, người đi công tác trong khi các khách sạn phụ thuộc nhiều vào các hội thảo lớn. Nhiều chủ nhà, DN siêu nhỏ đã tồn tại được trong năm Covid vừa qua.

Cách để các doanh nghiệp siêu nhỏ có thể "vượt bão" là nhờ tư duy để phát triển. Họ có 2 lựa chọn: hoặc là đầu hàng, đóng cửa hoặc tạm nghỉ đến khi hết dịch quay lại, nhưng có một nhóm khác coi đó là thời cơ.

Dayladau xuất phát điểm là một chuỗi Homestay điển hình ở Hà Nội được thành lập bởi 2 bạn trẻ ở Hà Nội. Trước dịch doanh số tăng trưởng tốt, tỉ suất lợi nhuận lên đến 40%. Khi dịch bùng phát, đặc biệt thời điểm đầu tiên Nhà nước ra chỉ thị Giãn cách xã hội, doanh số về 0 nhưng các bạn không đầu hàng. Họ ngồi lại với nhau để tìm giải pháp vượt qua dịch, chuyển đổi mô hình kinh doanh, thu bù chi từ tháng 5/2020. Theo chia sẻ từ anh Kim Phạm, nhờ chiến lược cắt giảm tối ưu chi phí hợp lý kết hợp vẫn mở rộng đầu tư mạnh vào marketing và truyền thông, kết quả năm 2021 tỉ lệ kín phòng liên tục đạt 80-90%. Anh Kim Phạm cho biết tháng 5/2021 Cohost AI công bố đầu tư vào mô hình homestay này và đổi tên là Dayladau, phát triển mô hình Airbnb ở Việt Nam.

Chủ homestay vượt bão mùa dịch: Từ mua nồi lẩu để phục vụ khách, founder chuyển hướng chơi coin, đầu tư chứng khoán - Ảnh 2.

Veque Homestay vẫn duy trì dịch vụ cho thuê trong mùa dịch

Dhouse Đà Lạt cũng gặp tình trạng tương tự, Dhouse Đà Lạt đã thuê lại một biệt thự gần Dinh Bảo Đại (Đà Lạt), biệt thự có 7 tầng ở trên đồi, có 10 phòng để kinh doanh homestay. Dịch bùng phát tại TP.HCM khiến một founder từ bỏ và để lại gánh nặng khá lớn lên team còn lại. Các bạn đã tung ra khuyến mại và đưa ra ý tưởng du lịch an toàn cho các khách trong nội tỉnh. Khi TP.HCM đóng cửa thì các tỉnh khác vẫn hoạt động, họ lắng nghe thông báo của Chính phủ rất chặt chẽ, chỗ nào mở chỗ nào đóng làm rất linh hoạt để có thể vẫn duy trì kinh doanh được.

Chủ homestay vượt bão mùa dịch: Từ mua nồi lẩu để phục vụ khách, founder chuyển hướng chơi coin, đầu tư chứng khoán - Ảnh 3.

DHouse Đà Lạt tung khuyến mãi giảm 50% mua trước dùng sau

Giải pháp để doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú vượt qua Covid là gì?

Theo Founder của Cohost AI, tổng hợp qua các startups đang kinh doanh trên thị trường thì có 4 giải pháp để các doanh nghiệp siêu nhỏ bám trụ qua mùa dịch.

Thứ nhất là chuyển đổi nguồn khách. Khi khách du lịch quốc tế không có thì các nhà cho thuê homestay chuyển sang khách nội địa. Tuy nhiên việc chuyển đổi này không đơn giản. "Thói quen của người Việt và khách Tây khác nhau, trước đây không có homestay nào có nồi lẩu trong phòng nhưng hiện nay khách đến thuê đều hỏi có nồi lẩu không, giờ check in cũng linh hoạt hơn", anh Kim Phạm chia sẻ.

Thứ hai là chuyển đổi mô hình hợp tác. Trước đây người kinh doanh homestay hoặc là sử dụng bất động sản tự có hoặc đi thuê để cho thuê lại. Họ sẽ phải trả giá thuê cố định cho chủ nhà. Khi không có dịch, người kinh doanh homestay có lãi nhưng khi dịch bùng phát thì họ không có nguồn thu để duy trì tiềnm thuê và buộc phải trả nhà. Lúc này, họ chuyển sang mô hình chia sẻ doanh thu win-win giữa hai bên. Nếu lợi cao thì họ sẽ chia cho chủ nhà 70% doanh thu và giữ lại 30%. Nếu lỗ thì chia sẻ và không ai bị phá sản. "Điều này cho phép chuyên môn hoá cao vì người có nhà thường họ không có kinh nghiệm chăm sóc khách hàng hoặc làm homestay, trong khi các bạn trẻ thì lại rất linh hoạt", anh Kim Phạm nhận định.

Thứ 3 là chuyển đổi mô hình tài chính, trước đây các bạn trẻ chủ yếu gây vốn từ gia đình, vay ngân hàng…trong thời điểm khó khăn họ phải gánh trên lưng khoản tiền lãi cố định. Lúc này họ có thể chuyển sang gọi vốn từ các nhà đầu tư, đối tác chiến lược, những người đi cùng và chấp nhận lãi cùng hưởng lỗ cùng chịu. Những người đang muốn nhảy vào thị trường này nhưng chưa biết làm thế nào và họ chọn thời điểm này để đầu tư.

Thứ 4, chuyển hướng kinh doanh. Một số founder chuyển hướng đầu tư bất động sản. Có một founder kinh doanh mô hình farmstay, cho khách du lịch đi cắm trại trên mảnh đất mình mua ở Khánh Hoà, vừa kiếm tiền từ cho thuê farmstay, từ tăng giá trị bất động sản. Một founder khác thì mở nhà hàng, trước dịch bạn có 20 căn hộ homestay ở phố cổ và một tour du lịch Hạ Long, khi dịch bùng phát thì người này mở nhà hàng bún cá ở trong ngõ và bán hàng online. Có founder chuyển sang kinh doanh tiền kỹ thuật số, đầu tư chứng khoán…

Theo CEO Cohost AI Kim Phạm, tương lai sẽ là nền kinh tế chia sẻ ít tương tác hơn, khách hàng sẽ ưu tiên check in tự động và doanh nghiệp sẽ phụ thuộc hơn vào công nghệ. Tuy nhiên những doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn có thể tồn tại được bởi tính linh hoạt, họ sẽ quay lại thị trường rất nhanh trong khi các khách sạn lớn không làm được điều đó.

Anh Kim Phạm chia sẻ, "Câu khẩu hiệu của Cohost Vietnam là "Smarter sharing, better caring", thể hiện tầm nhìn về tương lai mới của ngành kinh doanh lưu trú: áp dụng công nghệ để tăng hiệu suất và quy mô hoạt động cho các chủ nhà, kiến tạo giá trị cốt lõi cho khách hàng là người book phòng, book căn hộ đi nghỉ: họ sẽ nhận được trải nghiệm tích cực hơn và sự chăm sóc tận tâm hơn từ host và co-host".

Châu Cao

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên