Chủ mặt bằng, nhà trọ cho thuê “nơm nớp” nỗi lo mất khách mỗi ngày
“Khách cũ rời đi sau 3 tháng thuê mặt bằng, sau đó hơn 2 tháng tôi mới tìm được khách mới vào thuê. Vì thế, tôi đã giảm giá 2 triệu đồng/tháng cho khách mới…”
Đó là chia sẻ của chị S, chủ một mặt bằng kinh doanh tại quận Phú Nhuận, Tp.HCM. Theo chị S, khách thuê dù muốn thuê dài hạn để làm ăn nhưng do kinh doanh khó khăn nên trả mặt bằng trước thời hạn. Điều này không nên nào mong muốn. Với chủ nhà thời gian tìm khách trong bối cảnh kinh tế khó khăn cũng không dễ dàng. “Nếu trước đây, tôi còn kén chọn khách, mặt hàng kinh doanh thì giờ chỉ mong có khách đến hỏi thuê”, chị S chia sẻ.
Nỗi lo mất khách cũng thường trực trong lòng các chủ nhà trọ cho thuê. Tình trạng công nhân mất việc khiến nhiều nhà trọ vắng khách, trống phòng. Việc rao thuê kéo dài khiến chủ nhà sốt ruột và lo lắng. Không ít người “nơm nớp” lo sợ những khách thuê còn ở lại cũng sẽ rời đi trong thời gian ngắn. Vì thế, họ đã tìm cách hỗ trợ về thời gian đóng tiền nhà, không tăng giá phòng như kế hoạch trước đó…
Anh Thắng, ngụ quận 7, Tp.HCM hiện đang quản lý hai dãy nhà trọ tại P.Tân Kiểng, quận 7 cho biết, so với thời điểm cuối năm 2022, hiện tỉ lệ trống phòng tăng khoảng 20%. Nhiều khách thuê đã trả phòng vào đầu năm 2023, hiện anh đang tìm khách mới để lấp đầy. Tuy nhiên, không giống trước đây, thời gian tìm khách thuê kéo dài, thậm chí mãi không cho thuê được. Trước đến nay, cứ 1 năm anh tăng giá thuê phòng một lần, từ 5-10% vào giai đoạn giữa năm, thế nhưng hiện anh không dám tăng giá thuê phòng mà tìm cách lấp đầy số phòng trước.
Theo anh Thắng, hiện nguồn cung cho thuê nhiều, người thuê ít khiến những phòng trọ giá trên dưới 3 triệu đồng/tháng (tại khu vực quận 7) vốn “ăn khách” trở nên ảm đạm, khó tìm khách thuê. Điều này cho thấy, khó khăn kinh tế đã ảnh hưởng rõ nét đến thị trường nhà cho thuê.
Thậm chí, nhiều chủ nhà trọ tại Tp.HCM và khu lân cận còn ví những khó khăn của thời điểm hiện tại “ngang ngửa” với dịch Covid-19. Với những dãy nhà trọ gần các khu công nghiệp, nhà máy hiện đang lâm vào cảnh ế khách, trống phòng. Nếu đợt dịch Covid-19 khách thuê vẫn ở lại thành phố thì hiện nay bị mất việc đa phần công nhân về quê, chưa rõ thời điểm quay lại. Khác là nếu đợt dịch các chủ nhà trọ đồng loạt giảm giá thuê thì hiện tại tình trạng này không diễn ra.
Thực tế, việc vắng khách, trống phòng cho thuê khiến nhiều chủ cho thê trọ “méo mặt”. Hiện nay, rất ít chủ nhà trọ "sở hữu đất - không vay tiền ngân hàng xây nhà” để có thể giảm giá nhà cho người thuê. Phần lớn chủ nhà đều phải lấy tiền cho thuê trả tiền vay ngân hàng mua đất, xây nhà, cùng với đó, các đơn vị kinh doanh, "thuê sỉ nguyên căn - cho thuê lẻ" vẫn phải trả tiền thuê nguyên căn cho chủ nhà.
Một số chủ nhà hiện đang bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ trống tăng cao hơn bình thường rất nhiều.
Từng chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Quốc Kiên, một nhà đầu tư bất động sản kì cựu tại Tp.HCM cho rằng, trong bất cứ ngành nghề kinh doanh nào, khách hàng luôn là huyết mạch. Ngành cho thuê phòng trọ cũng vậy, nhu cầu đi thuê của người thuê phòng sẽ quyết định gần như toàn bộ thị trường. Vì thế, trong lúc khó khăn sự hỗ trợ giữa các bên là cần thiết.
Hiện thị trường cho thuê khá đa dạng phân khúc. Khách hàng của phòng cho thuê dài ngày (hợp đồng thuê tối thiểu 6 tháng) đa số là người nhập cư ở tỉnh, chia làm 3 nhóm chính: Phòng từ 1 - 2,5 triệu là công nhân và lao động tự do thu nhập dưới 10 triệu/tháng. Phòng 2,5 – 4 triệu là nhân viên văn phòng, công nhân lao động có tay nghề khá (trưởng/ phó chuyền, nhân viên kỹ thuật) thu nhập 10 - 20 triệu/tháng, và sinh viên. Phân khúc phòng 5 triệu đến 7 triệu là nhân viên văn phòng thu nhập cao và sinh viên nhà khá giả.
Nhóm công nhân và lao động tự do thu nhập dưới 10 triệu hiện mất việc khá nhiều đã ảnh hưởng lớn đến thị trường cho thuê thuộc phâm khúc giá trên dưới 2 triệu đồng/tháng. Trong khi, nhóm khách thuê là nhân viên văn phòng, công nhân lao động có tay nghề ít bị ảnh hưởng hơn.
Nhịp sống thị trường