MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ mưu 'cầu cứu' Phó chủ tịch Hà Giang khi bị lộ

16-10-2019 - 15:36 PM | Xã hội

Sau khi chấm thi trắc nghiệm, Sở GD&ÐT Hà Giang có nhiều cuộc họp về việc Vũ Trọng Lương và Nguyễn Thanh Hoài vi phạm quy chế. Bị cáo Hoài sau đó đã nhắn tin “cầu cứu” ông Trần Ðức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang và được đồng ý.

“Có gì anh xem giúp em”

Sáng 15/10, ngày thứ hai xét xử sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi xảy ra tại Hội đồng thi THPT quốc gia 2018 Hà Giang , Hội đồng xét xử (HĐXX) tiếp tục xét hỏi các bị cáo. Đứng trước bục, Nguyễn Thanh Hoài tiếp tục khai quá trình can thiệp, sửa chữa, nâng điểm cho các thí sinh. Theo đó, chiều 7/7/2018 sau khi chấm thi môn trắc nghiệm và có kết quả, theo quy định Ban thư ký sẽ niêm phong, bảo quản bài thi trắc nghiệm tại trụ sở Sở GD&ĐT Hà Giang. Do đó, bị cáo đưa chìa khóa cho Lương chuyển tài liệu, bài thi từ trường THPT chuyên Hà Giang về Phòng Khảo thí  (Sở GD&ĐT Hà Giang).

“Sau khi chuyển tài liệu, bài thi về sở, bị cáo Chính (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang), thầy Sử (Giám đốc sở này) và thầy Bình (Trưởng ban Thanh tra) cho rằng, bị cáo đã vi phạm quy chế thi nên gây khó khăn cho bị cáo. Ngay sau đó, tại sở có nhiều cuộc họp liên tiếp các ngày từ mồng 7 đến 10/7/2018 về việc này”, Hoài nói.

Chủ mưu cầu cứu Phó chủ tịch Hà Giang khi bị lộ - Ảnh 1.
Hội đồng xét xử tại TAND tỉnh Hà Giang ngày 15/10.  Ảnh: Nguyễn Hoàn

Bị cáo Hoài cho biết, sau nhiều buổi họp bị tố vi phạm quy chế thi, đã nhắn tin cho ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thi để “cầu cứu”. Nội dung tin nhắn được công khai trước tòa: “Em báo cáo anh ạ. Một, em vừa đổi danh sách dữ liệu thi xong. Kết quả dữ liệu trên phần mềm thi của Bộ GD&ĐT trùng với dữ liệu trong đĩa CD em gửi. Hai, việc Lương chuyển bài thi trắc nghiệm và thiết bị xử lý bài thi về sở là theo quy chế thi và được đồng ý của em với nhiệm vụ của Phó chủ tịch Hội đồng thi và Trưởng ban Thư ký. Song, thầy Bình, thầy Sử, cô Chính đang nâng cao quan điểm và làm khó, có gì anh xem giúp em”. Sau khi gửi tin nhắn, bị cáo Hoài nhận được câu trả lời “Ok”.

Cũng trong buổi xét xử ngày thứ hai, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài tiếp tục nói về danh sách 13 thí sinh do bị cáo Triệu Thị Chính nhờ nâng điểm. Trong đó, có 3 thí sinh trùng với thông tin người khác đã nhờ trước đó. Cụ thể, thí sinh Triệu Mai (con gái ông Triệu Tài Vinh) được bà Triệu Thị Giang (em gái ông Vinh) nhờ nâng điểm môn Văn, một thí sinh là con trai bị cáo Phạm Văn Khuông và một thí sinh do một giám đốc trung tâm hướng nghiệp nhờ.

"Nhờ quan tâm cho con là bình thường"

Tới lượt xét hỏi, bị cáo Phạm Văn Khuông, cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang khai, ngày 12/6/2018 có trao đổi công việc với bị cáo Hoài về các thủ tục hành chính. Sau đó, Hoài có hỏi số báo danh của con ông Khuông, nhưng ông Khuông chỉ nhớ 3 số cuối là 284. Bị cáo Hoài rút điện thoại gọi cho ai đó, rồi có người mang tập hồ sơ lên hỏi có phải ảnh con anh không. Bị cáo trả lời đúng, rồi nói “nhờ các chú quan tâm đến cháu”. Đến ngày 27/6, ông Khuông gọi điện nói “anh sợ con anh trượt tốt nghiệp”, bị cáo Hoài gật đầu trả lời “em hiểu, em hiểu”.

“Bị cáo nhờ quan tâm vì con bị cáo ôn thi có môn không tốt, trong khi dự tuyển 5 trường đại học nên sợ bị trượt tốt nghiệp. Do cùng công tác nhiều năm nên việc nhờ bị cáo Hoài quan tâm cho con là bình thường chứ không nhờ nâng điểm. Bị cáo cũng không hứa hẹn gì trong công tác, không đưa gì cho Hoài. Kết quả, con bị cáo được nâng 13,3 điểm. Khi nhắc tới chuyện này bị cáo rất buồn, bị cáo không nghĩ mọi chuyện lại nghiêm trọng như vậy”, ông Khuông nói.

Nhờ nâng điểm để... "tạo phúc"

Bị cáo Lê Thị Dung, cựu cán bộ công an tỉnh Hà Giang, là người nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm cho 20 thí sinh, số lượng nhiều nhất trong vụ án. Trong số đó, có cháu ruột bà Dung (con chị gái đang sinh sống tại Tuyên Quang) và rất nhiều con em những người thân quen, ân nhân của bị cáo trong quá trình công tác, điều trị bệnh. Ðáng chú ý, bị cáo Dung khai đã nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm cho 7 thí sinh là người thân của hai đồng nghiệp trong ngành công an. Ngoài ra, rất nhiều người quen, ân nhân ở Tuyên Quang, Thanh Hóa có con em là thí sinh tự do dự thi tại Hà Giang.

Trả lời trước HÐXX, bị cáo Dung khai từ nhiều năm trước đã từng tham gia giám sát, bảo vệ thi tại địa phương với tư cách đại diện cơ quan an ninh. Về dư luận nói chạy điểm cho 1 thí sinh đủ điểm vào trường công an, cảnh sát với số tiền lên tới 1-1,2 tỷ đồng, bị cáo cho rằng, việc nhờ bị cáo Hoài nâng điểm 20 thí sinh không phải vì tiền. Trong quá trình công tác, điều trị bệnh, bị cáo được nhiều người giúp đỡ nên muốn giúp những ân nhân đó và muốn tạo phúc cho bản thân nên bị cáo nhờ Hoài nâng điểm giúp các cháu.

Khi được luật sư tiếp tục hỏi, vì sao lại có rất nhiều thí sinh ở Thanh Hóa, Tuyên Quang lại lên tận Hà Giang để thi và nhờ nâng điểm, Lê Thị Dung chưa kịp trả lời thì đại diện HÐXX nói "bị cáo trả lời được thì trả lời, không trả lời được thì thôi".

Phó giám đốc sở kêu oan

Cũng trong buổi xét xử, bị cáo Triệu Thị Chính nói trước tòa không đồng tình với việc cáo trạng truy tố bị cáo về tội "Lợi dụng…" và cho rằng mình không phạm tội. Bị cáo Chính dẫn giải, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, bị cáo đã nhận tin nhắn của 6 người là cán bộ, lãnh đạo tại địa phương nhờ xem điểm thí sinh. Trong đó, có ông Vũ Văn Sử (nhờ xem điểm cho 3 thí sinh), nguyên Giám đốc Sở GD&ÐT; bà Chúng Thị Chiêng, Phó Chủ tịch HÐND tỉnh và nhiều cán bộ, đồng nghiệp khác.

Ngoài nhắn tin, ông Sử có gặp riêng và nói "năm nay con anh Triệu Tài Vinh, Bí thư tỉnh dự thi", "con anh Khuông cũng dự thi", bị cáo có nói "em biết rồi". Bị cáo cũng nói với thầy Sử rằng: "Một số đồng nghiệp, đồng chí nhờ xem điểm giúp, quan tâm. Em không biết quan tâm như thế nào, chỉ xem điểm được môn Ngữ văn và nếu nhờ chỉ Hoài mới có thể xem được". Thầy Sử nói, xem gì thì xem, tuyệt đối không được làm sai quy chế nên bị cáo mới lập danh sách 13 thí sinh nhờ Hoài xem điểm chứ không nhờ nâng điểm.

Bị cáo biết là vi phạm, khuyết điểm khi làm trưởng ban chấm thi đã nhờ Nguyễn Thanh Hoài xem điểm. Bị cáo đã không gương mẫu trong công việc, đã để tình cảm xen lẫn vào trong công việc nhưng bị cáo không phạm tội. Cuối phiên tòa, bị cáo Chính đề nghị HÐXX mở cuộc điều tra để làm rõ có hay không vụ lợi vật chất trong việc nâng điểm cho thí sinh, đồng thời triệu tập thầy Bình và cán bộ tên Sinh (Học viện Ngân hàng), người tham gia giám sát trong kỳ thi để làm rõ một số tình tiết.

Theo Nguyễn Hoàn

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên