Chủ quán ăn ở Hà Nội trước giờ đóng cửa: “20 năm chưa từng gặp khó khăn như dịch bệnh lần này, càng bán càng lỗ”
Theo ghi nhận, hàng loạt cửa hàng kinh doanh ăn uống trên địa bàn Hà Nội đã đóng cửa. Một số quán còn mở cũng cho hay, họ đang tính đóng vì cũng không có khách nên càng bán càng lỗ.
- 23-07-2021Giữa tình cảnh dịch bệnh, một gia đình gốc Việt ở Mỹ khiến mọi người xúc động vì hành động ấm lòng
- 22-07-2021Xót xa: Nữ sinh ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương không thể về chịu tang cha khi đang chống dịch tại TP.HCM
- 21-07-2021Xót xa hình ảnh lực lượng chức năng dầm mưa, gồng mình giữ chốt kiểm dịch trong cơn giông lớn
Sau khi Hà Nội chính thức áp dụng chỉ thị 16 từ 6h ngày 24/7, ghi nhận của PV trên một số quận như: Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Đông hầu hết các cửa hàng kinh doanh ăn uống đều đã "cửa đóng then cài".
Một số ít cửa hàng còn mở bán cho khách mang về nhưng cũng rất ít người đến mua. Những chủ quán thì ngao ngán cho hay: "Chúng tôi đang tính đóng cửa đây vì mở cũng không có khách. Khách ít nên càng bán càng lỗ".
Trên tay đang tẩm ướp gia vị cho con vịt cuối cùng, chị Bùi Thanh Hoa (chủ quán vịt trên phố Khương Trung, Thanh Xuân) nói: "Trước khi có dịch quán tôi bán trung bình 50 con vịt và 4 nồi cháo lớn/ngày. Hiện chỉ bán được khoảng 10 con và chưa đến nửa nồi. Tôi chỉ còn bán nốt hôm nay (24/7) rồi nghỉ về quê".
"Vì lỡ nhập hàng từ chiều qua (23/7), nếu không chúng tôi cũng đóng cửa quán rồi" - chị Hoa nói
Chị Hoa tâm sự, vợ chồng chị vốn ở quê đất Vân Đình (huyện Ứng Hoà) nổi tiếng với các món vịt. Cửa hàng chị thuê hiện tại đã gần 20 năm. Chừng ấy năm kinh doanh từ khi giá vịt chỉ 13 nghìn/con đến giờ là 170 nghìn/con, chưa lần nào vợ chồng gặp cảnh khó khăn như dịch bệnh lần này.
"Tiền thuê mặt bằng hết 20 triệu/tháng, dịch bệnh nên dù chủ nhà bớt được vài triệu cũng không thấm gì vì lượng khách giảm mạnh. Thời gian qua gia đình luôn chủ động chống dịch, kết hợp với xe ôm công nghệ giao hàng cho khách, nhưng hôm nay xe ôm cũng nghỉ nên cửa hàng không trụ nổi nữa", chị Hoa cho hay.
Chị bộc bạch: "Cửa hàng vốn có 5 nhân viên, thời gian gần đây vắng khách các cháu cũng buồn. Không bán được hàng nhưng tôi cũng không dám bảo các cháu nghỉ vì thương các cháu mất việc. Hơn nữa, sau hết dịch sẽ không tìm được người làm. Do đó khi có chỉ thị 16, chúng tôi mới dám bảo các cháu tạm nghỉ".
Tuy khó khăn là vậy nhưng chị Hoa cho hay, mọi người trong quán luôn đồng lòng, thực hiện theo các quy định của nhà nước để chung tay chống dịch.
"Lực lượng công an phường thường xuyên kiểm tra nhưng chưa bao giờ các anh phải nhắc nhở quán nhà tôi. Chúng tôi luôn sẵn sàng và chủ động tuân thủ để bảo vệ sức khoẻ của chính mình và cộng đồng", chị Hoa nói.
Nhiều quán ăn đã đóng cửa trong ngày 24/7
Cũng chuẩn bị tâm thế đóng cửa, nhưng anh Nguyễn Văn Hiền (chủ quán ăn quận Thanh Xuân) lại tỏ ra lạc quan hơn.
Anh bày tỏ: "Khó khăn nói mãi rồi, giờ mỗi người cần tuân thủ và có trách nhiệm trong việc góp phần đẩy lùi dịch. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc giãn cách xã hội là cần thiết".
"Cá nhân tôi hiểu trong lúc khó khăn này ai cũng có những thiệt hại khác nhau. Nhưng làm ăn không phải ngày một ngày hai, dịch qua thì lại làm tiếp chứ không phải nơm nớp lo sợ như bây giờ. Còn người là còn tất cả", anh Hiền nói thêm.
Một số hình ảnh ghi nhận của phóng viên trong ngày 24/7, sau khi Hà Nội áp dụng chỉ thị 16:
Chủ quán ăn trên phố Khâm Thiên (Đống Đa) đã đóng cửa
Quán phở trên phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân) thường ngày khá đông khách, tuy nhiên cũng đã đóng cửa ngay trong sáng nay
Cảnh vắng vẻ trên khu phố cổ Hà Nội, theo ghi nhận hầu hết các quán ăn tại đây cũng đều đã đóng cửa
Đường phố vắng lặng, nhiều khu vực hầu như chỉ có lác đác vài người qua lại
Quán xá rơi vào cảnh "ngủ đông" giữa hè
Hình ảnh tại phố Nguyễn Lương Bằng
Chỉ thị 16 áp dụng theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; Thành phố cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định
Theo đó yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động
Đây là lần thứ 2 Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16 nhằm tăng cường các biện pháp phòng dịch sau đợt áp dụng hồi 4/2020
Theo ghi nhận, cơ bản người dân đều có ý thức chấp hành theo quy định về phòng chống dịch
Doanh nghiệp & Tiếp thị