Chủ tài khoản mạng xã hội sẽ phải thực hiện định danh
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, quy định sửa đổi sắp tới sẽ yêu cầu các chủ tài khoản mạng xã hội thực hiện định danh, dù sử dụng nền tảng của nước ngoài hay trong nước.
- 04-05-2023Mã định danh cá nhân sẽ được dùng làm mã số thuế
- 23-04-2023Các bước kích hoạt tài khoản định danh điện tử không cần điện thoại thông minh
- 10-04-2023Định danh điện tử thúc đẩy hoàn thiện xã hội số
Đấu tranh hoạt động phạm tội trên không gian mạng
Các ý kiến phát biểu tại phiên giải trình “Việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người” do Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức sáng 8/5 đều đồng tình với nhận định tình hình tội phạm mua bán người đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú – Uỷ viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị cơ quan chức năng nêu các giải pháp đấu tranh, nhất là khi đối tượng lợi dụng sự phát triển của công nghệ, của mạng xã hội để thực hiện hoạt động phạm tội.
Làm rõ thêm giải pháp quản lý không gian mạng, trong đó có mạng xã hội, Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh cơ chế phối hợp với các cơ quan của Bộ Công an để xác thực chủ tài khoản.
Khi cơ quan điều tra ở địa phương làm văn bản gửi bộ đề nghị xác thực các tài khoản trên mạng có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ có cơ chế phối hợp với Cục An toàn thông tin, Trung tâm Internet Việt Nam, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử xác thực xem chủ tài khoản đó là ai. Trong đó có trường hợp xác định được, có trường hợp còn gặp khó khăn do một số đối tượng phạm tội sử dụng tin nhắn bằng ứng dụng OTT xuyên biên giới.
Vấn đề trên tới đây sẽ được giải quyết bằng khuôn khổ pháp lý cụ thể, nhất là khi Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Viễn thông sửa đổi, trong đó quy định sẽ quản lý các ứng dụng OTT nước ngoài như là các nền tảng trong nước. Nếu như không đáp ứng yêu cầu quản lý sẽ ngăn chặn.
Nghị định của Chính phủ thay thế các nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng cũng sẽ được ban hành trong năm nay, yêu cầu các chủ tài khoản mạng xã hội thực hiện định danh, dù sử dụng nền tảng của nước ngoài như facebook, Tiktok, Youtube hay trong nước. Tài khoản không định danh sẽ bị đấu tranh, ngăn chặn, xử lý ở các mức độ khác nhau.
Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông đề xuất tới đây công tác truyền thông cần tinh tế, hiệu quả hơn, trọng tâm, trọng điểm. Hơn nữa cần cơ quan làm “nhạc trưởng”, đưa ra tiêu chí để rà quét, ngăn chặn hiệu quả hơn trên mạng xã hội.
Xác thực tài khoản, định danh điện tử
Phát biểu tại phiên giải trình, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc – Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, qua 12 năm thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người thì tình hình thế giới và trong nước đã có nhiều biến động. Tội phạm hiện đang lợi dụng sự phát triển công nghệ để thực hiện hành vi phạm pháp.
Một trong những vấn đề quan trọng, theo ông Nguyễn Duy Ngọc là chính sách hỗ trợ về kinh tế với người yếu thế cần được làm rõ, làm sao đảm bảo đời sống để người dân không bị lợi dụng dòng di cư việc làm rồi rơi vào bẫy lừa đảo mua bán; tránh việc dù biết nhưng vẫn bán bộ phận cơ thể của chính mình.
Nhấn mạnh trách nhiệm của các ngành, cơ quan được giao nhiệm vụ phòng, chống buôn bán người đã rất rõ, ông Nguyễn Duy Ngọc cho biết, riêng lực lượng công an, dù Quốc hội không giao chỉ tiêu giảm tỉ lệ đấu tranh phòng, chống tội phạm nhưng bộ vẫn đăng ký nhiều năm nay giảm 5% tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người. Tình hình chung chuyển biến tích cực, thể hiện qua các báo cáo trước Quốc hội.
Bộ Công an không tăng quân số nhưng công an được triển khai chính quy tới tận cấp xã, qua đó nắm được tình hình, tiếp nhận giải quyết vụ việc ngay từ khi có dư luận chứ không chỉ đến khi trình báo, từ đó cũng mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm.
Trước thực trạng hoạt động phạm tội trên không gian mạng và mạng viễn thông, Thứ trưởng Bộ Công an nói rằng, qua Đề án 06 xác thực dữ liệu dân cư sẽ góp phần làm chuyển biến tình hình. Bộ Thông tin – Truyền thông thực hiện mạnh mẽ và vừa qua cắt 2 chiều với 1,2 triệu sim điện thoại không xác thực chính chủ, không ít trong số đó tiềm ẩn việc sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Sắp tới, Bộ Công an cùng Ngân hàng Nhà nước tiến hành xác thực tài khoản thanh toán.
“Như vậy, chúng ta sẽ tiếp cận và hạn chế được vấn đề tội phạm lừa đảo, phạm tội trên không gian mạng, lợi dụng công nghệ cao dưới hình thức sim điện thoại hay thanh toán tài khoản, tiền", ông Ngọc nói.
Nói về quản lý dân cư để đảm bảo phòng ngừa, nhận diện tội phạm, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cũng nhấn mạnh, thực hiện Luật Cư trú (sửa đổi), việc cấp căn cước gắn chíp điện tử, bỏ sổ hộ khẩu giấy, cấp định danh điện tử, khẩn trương kết nối dữ liệu trên môi trường điện tử đang được thực hiện sẽ góp phần quản lý khai báo cư trú chặt chẽ và hiệu quả hơn trước đây.
Ngoài ra, hợp tác quốc tế cũng được tăng cường để phối hợp giải quyết vụ việc, truy xét và xử lý tội phạm, nhất là với các quốc gia có chung đường biên giới./.
VOV