Chủ thương hiệu Thái Dương Năng: Năm nay dự kiến cho ra mắt 5 mẫu xe máy điện, chưa đặt vấn đề lợi nhuận
Năm ngoái, Năng lượng Sơn Hà đã khánh thành dây chuyền sản xuất xe máy điện EVgo công suất 20.000 - 30.000 chiếc mỗi năm.
Sáng 15/6, CTCP Phát triển Năng lượng Sơn Hà (SHE) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2021.
Năm nay, SHE đặt mục tiêu doanh thu 300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng. Kế hoạch cổ tức dự kiến 20%.
Năm 2020, SHE ghi nhận doanh thu 246 tỷ đồng, lợi nhuận ròng gần 23 tỷ đồng, đều tăng trưởng so với kế hoạch. Cổ tức chi trả tỷ lệ 30% gồm 10% tiền mặt, 20% cổ phiếu.
Đại hội đồng cổ đông SHE năm nay tiến hành bầu cử HĐQT, BKS nhiệm kỳ mới 2021 – 2016. Ông Lê Vĩnh Sơn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT. Công ty cũng sẽ tăng vốn lên gần 80 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2020 tỷ lệ 20% và phát hành cổ phiếu ESOP.
"Mảng xe điện chưa đặt vấn đề lợi nhuận"
Một trong những kế hoạch đáng chú ý của Năng lượng Sơn Hà là cho mắt 5 mẫu xe điện EVgo. Tháng 10 năm ngoái, SHE đã khánh thành dây chuyền sản xuất xe máy điện, giai đoạn 1 có công suất từ 20.000 – 30.000 chiếc mỗi năm.
Từ năm 2019, HĐQT SHE đã có ý tưởng phát triển thêm một sản phẩm đúng xu hướng thị trường, đồng thời phải đảm bảo tiêu chí "xanh".
Nhận thấy thị trường xe hai bánh giàu tiềm năng, bên cạnh đó xu hướng chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe chạy điện được dự báo diễn ra mạnh mẽ trong tương lai do những vấn đề về môi trường, ban lãnh đạo công ty đã đặt cược vào thị trường xe điện.
"Trong giai đoạn này, chúng tôi tập trung gây lòng tin của khách hàng và truyền thông sản phẩm có chất lượng. Đây là thị trường cạnh tranh, các nhà sản xuất xe máy chạy xăng đang cố giữ thị phần. Nhưng tôi tin khách hàng sẽ thay đổi nhận thức, Chính phủ sẽ có những chính sách và doanh nghiệp có nhiều sản phẩm tốt.
Chúng tôi biết là khó khăn, nhưng khó khăn chỉ là thách thức. Sơn Hà đã có lịch sử sản xuất và phân phối các sản phẩm ban đầu chưa phổ biến, như Thái Dương Năng ban đầu cũng rất mới lạ. Chúng tôi bước đầu đã ổn định sản xuất, hệ thống kinh doanh là do tập đoàn đứng ra xây dựng (Quốc tế Sơn Hà). Từ logistics đến hàng tồn kho chúng tôi đều đi theo tập đoàn để tiết kiệm chi phí, triển khai nhanh nhất và giảm chi phí đầu tư xuống mức tối thiểu", ông Hoàng Mạnh Tân, Tổng giám đốc SHE nói.
Ông Tân nói rằng Việt Nam trải qua hai "cuộc cách mạng xe hai bánh". Lần đầu tiên là chuyển từ xe đạp sang xe máy, khi đó các doanh nghiệp Nhật Bản rất thành công do tận dụng tốt lợi thế. Lần thứ hai là chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện. Bối cảnh Việt Nam hiện tại rất khác, đây là xu hướng và nền tảng công nghiệp sẵn có.
"Nhà cung cấp phụ trợ của Việt Nam đã đa dạng, họ sẵn sàng chuyển đổi để từ cung cấp cho xe xăng sang xe điện. Chúng ta có VinFast là doanh nghiệp đi đầu trong làn sóng chuyển đổi này", Tổng giám đốc SHE nói.
Ông Tân bổ sung thêm rằng việc thị trường xe đạp điện đã bão hoà, có nhiều sản phẩm Trung Quốc và sân chơi thiếu minh bạch, đã đến lúc phải kiểm soát lại. Đó cũng là cơ hội để SHE đưa vào các sản phẩm chất lượng hơn.
"Mảng kinh doanh xe điện chưa đặt vấn đề lợi nhuận. Đó là lý do vì sao doanh số mục tiêu 300 tỷ trong năm nay nhưng lợi nhuận lại giảm".
Xe máy điện của SHE
"VinFast đang đi theo hướng chuyển đổi xe máy xăng cho người đi làm, chúng tôi thấy họ cũng đang gặp khó khăn nhưng họ vẫn dang kiên trì đi. Nhưng điều đó tạo ra một hướng mới. Điểm mấu chốt vẫn là thay đổi quan điểm của người tiêu dùng và chính sách của Chính phủ. Nếu chúng ta không có chính sách kịp thời sẽ chậm chân. Trong Asean, nếu chúng ta chậm chân, sẽ đánh mất thị trường trong nước vì thuế suất với xe điện đã bằng 0. Chúng ta hoàn toàn có thể tự tin sản xuất sản phẩm Việt Nam cho người Việt mà không phải mua từ nước ngoài. Bối cảnh hiện nay dù có khó khăn nhưng chúng tôi tin rằng sẽ thành công".
Xe điện EVgo của SHE hiện sử dụng động cơ và bộ điều khiển của Bosch, đơn vị của Đức hợp tác với nhiều nhà sản xuất trên thế giới, trong đó có cả VinFast.
SHE sẽ làm điện mặt trời gác mái như cái cách đã làm với Thái Dương Năng
Trong lĩnh vực điện mặt trời áp mái, ông Tân nói rằng đây là xu hướng của Việt Nam và trên thế giới. Tuy nhiên, Tổng giám đốc SHE cũng nhấn mạnh việc kinh doanh làm sao cho khéo để không rơi vào khủng hoảng. Trong năm vừa qua, Việt Nam lắp đặt hơn 10 GW điện mặt trời trong đó có 2 GW chỉ được hoàn thành trong 2 tuần cuối cùng của năm. Tuy nhiên, một số đơn vị đã không được mua điện do những vấn đề phát sinh kéo theo.
Tổng giám đốc SHE tiết lộ rằng công ty sẽ có những bước đi khôn ngoan trong lĩnh vực năng lượng. Ý tưởng được ông đưa ra là phát triển điện mặt trời gác mái giống như phát triển Thái Dương Năng, đi vào hướng tiết kiệm điện trong bối cảnh giá điện ngày càng tăng cao.
"Giá điện tăng cao là điểm thuận lợi để phát triển định hướng kinh doanh này. Bên cạnh đó, kết cấu sản phẩm cũng phải khác đi. Chúng tôi đang nghiên cứu để mỗi tấm pin đều có invertor chuyển đổi điện sang 220 V. Ban đầu các hộ gia đình có thể chỉ lắp một vài tấm năng lượng mặt trời, sau đó thấy hiệu quả họ có thể lắp thêm. Thêm nữa, chúng tôi mới ra mắt bình nước nóng năng lượng mặt trời tấm phẳng. Các sản phẩm trước kia chỉ có chức năng đun nước nóng, nhưng sản phẩm này vừa đun nước nóng vừa có thể phát điện".
Ông Tân cho biết SHE không phát triển hệ thống bán cho EVN mà bán cho người dân, để họ có thể tiết kiệm điện cho ngôi nhà của mình.
Nhịp sống kinh tế