MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch ANV: Bài học đầu tư trái ngành làm tôi canh cánh suốt sự nghiệp

14-02-2019 - 15:33 PM | Doanh nghiệp

Những bài học trong quá khứ giúp Chủ tịch Navico - Doãn Tới có những nhìn nhận thấu đáo để xây dựng định hướng kinh doanh bền vững, giúp công ty vượt qua khó khăn và đạt kết quả như ngày nay.

Năm 2018, Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico – HoSE: ANV) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục từ khi thành lập. Công ty cũng vừa khởi công siêu dự án Khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao Bình Phú, là vùng nuôi cá tra lớn nhất Việt Nam với kỳ vọng thay đổi hình ảnh cá tra nước nhà từ sản xuất manh mún sang quy mô tập trung cao, vươn tầm quốc tế.

Nhân dịp đầu xuân Kỷ Hợi, NDH có cuộc trao đổi với ông Doãn Tới – Chủ tịch HĐQT Navico về định hướng hoạt động của doanh nghiệp cũng như chặng đường lập nghiệp của vị doanh nhân này.

Định hướng kinh doanh bền vững

- Thị trường mở rộng trong năm 2018 đã giúp Nam Việt đạt những kết quả rất khả quan. Lãnh đạo công ty nhìn nhận đâu là những thị trường trọng điểm và định hướng thời gian tới ra sao?

- Ông Doãn Tới: Hiện tại, Nam Việt xác định thị trường hiện hữu và tương lai gồm khu vực Trung Đông, EU, khối Nam Mỹ (Mexico, Colombia, Brazil), khối châu Á, đặc biệt là các nước ASEAN và thị trường Trung Quốc - nơi chúng tôi chính thức tham gia năm 2018.

Riêng thị trường Mỹ, sau nhiều lần thâm nhập chưa có kết quả, chúng tôi có kế hoạch quay lại vào năm 2020. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là thuế chống bán phá giá, nhưng chúng tôi đã có kế hoạch kỹ lưỡng để hoàn thành mục tiêu của mình.

Chủ tịch ANV: Bài học đầu tư trái ngành làm tôi canh cánh suốt sự nghiệp - Ảnh 1.

Kim ngạch xuất khẩu kỷ lục và các thị trường của Nam Việt năm 2018.

- Năm vừa qua, thị trường chứng khoán (TTCK) không thực sự khả quan, song cổ phiếu thủy sản trong đó có ANV đều bứt phá mạnh. Với năm 2019, ông kỳ vọng ra sao?

- Năm ngoái, đúng là thị trường chung đang giảm. So với kết quả kinh doanh của công ty tại thời điểm đó, giá cổ phiếu ANV chưa thể hiện đúng bản chất sự phát triển của công ty. Là một nhà đầu tư và nhà quản lý ANV, hơn ai hết, tôi hiểu rõ và tin tưởng vào “đứa con” của mình sẽ thể hiện tốt hơn trong cả hoạt động kinh doanh lẫn trên thị trường chứng khoán. Việc mua lại 5 triệu cổ phiếu hồi tháng 8 năm ngoái cũng thể hiện quan điểm của tôi với toàn bộ cổ đông. Ở góc độ đầu tư, tôi cũng tin tưởng đó là quyết định đầu tư đúng đắn. Tôi tin tưởng cổ phiếu ANV sẽ đạt đến giá trị xứng đáng trong thời gian sớm nhất.

Thị trường chung năm qua có giảm nhưng ngành thủy sản vẫn đang hoạt động rất bền vững. CPTPP có hiệu lực tạo điều kiện cho ngành xuất khẩu Việt Nam có cơ hội tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng hơn. Tuy nhiên với ngành cá tra, tôi không nhìn nhận nó sẽ mang lại nhiều lợi thế.

Chủ tịch ANV: Bài học đầu tư trái ngành làm tôi canh cánh suốt sự nghiệp - Ảnh 2.

"Tôi tin tưởng đứa con của mình sẽ thể hiện tốt hơn trong cả hoạt động kinh doanh lẫn trên TTCK"

- Vậy ANV sẽ có chiến lược như thế nào với sản phẩm chủ lực cá tra của mình?

- Con giống cá tra hiện nay là một vấn đề mang tính chất thời sự trong ngành thủy sản. Trong suốt 20 năm qua, con giống cá tra bị đồng huyết, sức đề kháng kém, dị tật nhiều, ươm giống đạt kết quả rất thấp. Lý do của việc này là nông dân chạy theo lợi nhuận trước mắt, cho cá sinh sản không đúng khoa học, lấy cá thịt để sinh sản không đúng với chu trình sinh trưởng của chúng, dẫn đến sức đề kháng kém, cụt vây, cụt kỳ.

Dự án Bình Phú có diện tích 600ha, tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng và được chia làm 2 khu. Khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao có diện tích 150 ha, dự kiến mỗi năm sẽ sản xuất ra khoảng 360 triệu con giống cá tra giúp Navico tự chủ 100% con giống. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản, nuôi cá tra thương phẩm có diện tích 450ha, dự kiến mỗi năm sản xuất ra 200.000 tấn cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.

Hiện nay các công ty trong và ngoài nước vẫn đang ngày đêm nghiên cứu sản xuất giống này nhưng chưa có công ty nào thành công cả. Một công ty lớn trong ngành thủy sản Việt Nam từ 2014 cũng đã đầu tư ươm con giống này nhưng đến nay hoàn toàn thất bại, một số công ty khác cũng đang làm nhưng chưa có tín hiệu khả quan.

Với 600 ha dự án Bình Phú, Nam Việt đã có kế hoạch dài hạn để sản xuất ra con giống đạt chuẩn và nguồn cung dồi dào, góp phần phát triển ổn định con cá tra cho công ty Nam Việt nói riêng và ngành nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra nói chung. Đây là hướng đi ổn định, bền vững và phát triển.

Đầu tư trái ngành và nỗi canh cánh trong lòng suốt sự nghiệp

- Xuất thân của Nam Việt là xây dựng dân dụng. Cơ duyên nào khiến ông đưa công ty “bẻ lái” vào ngành thủy sản?

- Năm 2000, tình cờ tôi đi chơi ở làng bè thị xã Châu Đốc, thấy được người dân nuôi cá tra ở đó, tôi vô cùng ngưỡng mộ khi chỉ với diện tích dài 25m x rộng 10m x sâu 5.5m, họ có thể nuôi đến 225 tấn cá.

Đây là một năng suất khủng khiếp trong ngành thủy sản. Phát hiện này làm tôi hết sức tò mò và quyết tâm phải đi tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực này. Sau một tháng cất công tìm hiểu, tôi cũng hiểu ra quy luật, lúc này tôi bắt đầu đầu tư nuôi cá basa trên sông bằng lồng bè. Trong 2 năm, tôi cho đóng một lúc gần 50 cái bè lớn và chính thức bước vào ngành cá basa.

Việc đặt tên công ty là Nam Việt thứ nhất là vì đọc ngược lại là Việt Nam – tôi muốn mang tên Việt Nam vươn tầm quốc tế trong lĩnh vực thủy sản. Lý do thứ hai là cũng trùng hợp công ty chúng tôi nằm ở phía Nam của Việt Nam nên cái tên Nam Việt cũng rất phù hợp với hoàn cảnh.

- Từ khi bước chân vào thủy sản, Nam Việt tăng tốc mạnh mẽ lên vị thế đứng đầu ngành năm 2006 nhưng các quyết định đầu tư trái ngành khiến công ty khó khăn sau đó. Ông đã đối mặt và vượt qua thử thách này như thế nào?

- Trong quá trình kinh doanh không phải việc gì cũng thành công cả mà nó có cả rủi ro, thất bại thường gặp. Kinh doanh cũng là một cái nghề, mà đã là nghề thì phải đam mê, tâm huyết, đây là cơ sở của sự thành công sau này.

Chính vì thế mà từ con số 0 năm 2000 Nam Việt vươn lên thành công ty có doanh số xuất khẩu thủy sản đứng đầu Việt Nam vào 2006, vượt qua những anh cả trong làng xuất khẩu thủy sản lúc bấy giờ.

Chủ tịch ANV: Bài học đầu tư trái ngành làm tôi canh cánh suốt sự nghiệp - Ảnh 4.

Top 10 công ty xuất khẩu thủy sản lớn nhất năm 2006 (đvt: triệu USD).

Năm 2007, Nam Việt lên sàn chứng khoán và huy động một lượng vốn lớn. Công ty bắt đầu đầu tư vào các lĩnh vực trái ngành như tại Cromit Cổ Định, Cromit Nam Việt, DAP số 2 – Vinachem, Quỹ Y tế Bản Việt, Bảo hiểm Hàng Không…

Về thất bại để đời, thứ tôi luôn canh cánh trong lòng trong suốt sự nghiệp của mình là quyết định đầu tư trái ngành vào Cromit và DAP số 2. Có những thời điểm công ty mất hơn ngàn tỷ vì sự đầu tư này. Có những đêm tôi mất ngủ, đắn đo suy nghĩ liệu mình nên từ bỏ hay tiếp tục, mình phải có hành động nào đó để không làm ảnh hưởng đến các cổ đông đang tin tưởng mình.

Vì vậy tôi đã quyết định mua lại DAP để bảo toàn quyền lợi cho cổ đông Nam Việt cũng như để bản thân tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn, tinh thần thoải mái hơn trong công việc. Từ đó, tôi đã cơ cấu lại DAP, hiện tại kết quả kinh doanh đang có dấu hiệu hồi phục tốt và đang mong đợi lãi trong thời gian tới.

Đi qua rất nhiều thời kì từ khó khăn đến huy hoàng rồi đạt được sự bền vững, tôi đã có rất nhiều người bên cạnh, có những người ở lại và cũng có những người ra đi. Cũng giống như sau cơn lũ, thứ để lại cho đất là lớp phù sa màu mỡ. Và sau khi mọi sóng gió qua đi, thứ để lại cho ANV là những con người nhiệt huyết, tận tâm và dày dặn kinh nghiệm làm việc.

Chủ tịch ANV: Bài học đầu tư trái ngành làm tôi canh cánh suốt sự nghiệp - Ảnh 5.

“Không có bí mật nào cho sự thành công. Tất cả là kết quả của sự chuẩn bị kỹ lưỡng, của sự cật lực làm việc và sự học hỏi từ chính những thất bại của mình”

- Triết lý kinh doanh tâm đắc nhất của ông là gì? Ông đã cân bằng giữa công việc và gia đình như thế nào?

- Như tôi luôn nói với các con mình mỗi ngày: “Không có bí mật nào cho sự thành công. Tất cả là kết quả của sự chuẩn bị kỹ lưỡng, của sự cật lực làm việc và sự học hỏi từ chính những thất bại của mình”.

Ngay từ lúc chúng ta còn trẻ, còn nhiều khát khao và kỳ vọng, hãy cố gắng tích lũy kinh nghiệm làm việc và rèn luyện bản thân tính kỷ luật, không dễ dãi với bản thân cũng như không ỷ lại vào người khác, đặt cho mình mục tiêu rõ ràng và dồn hết tâm trí để đạt được mục tiêu đó.

Cân bằng cuộc sống hình như là một điều nan giải với rất nhiều doanh nhân khác, nhưng tôi có thể được xem là một người đàn ông may mắn. Tôi may mắn khi có được người vợ rất yêu thương và thấu hiểu cho mình cũng như đồng hành từ lúc chỉ có hai bằng tay trắng đến công ty Nam Việt như ngày nay.

Ngay từ lúc chỉ có hai bằng tay trắng, bà ấy đã cùng tôi xây dựng lên nền móng Nam Việt. Khi công việc bắt đầu nặng dần và chúng tôi lại có thêm 2 cậu con trai, bà ấy quyết định từ bỏ công việc ở công ty để thay tôi gánh vác việc gia đình. Tất cả mọi thứ đều do một tay bà ấy lo liệu, và quý nhất là bà ấy chưa bao giờ than phiền với tôi điều gì, đã vậy khi tôi căng thẳng với những việc ở công ty, bà ấy đều sẻ chia giúp tôi vơi đi phần nào lo lắng. Mỗi ngày khi xong việc ở công ty, tôi được trở về một ngôi nhà tươm tất, đầy ấp tiếng cười, cả nhà quây quần bên nhau dùng cơm tối, điều đó thật sự là một hạnh phúc giản đơn mà tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả để có được.

Chủ tịch ANV: Bài học đầu tư trái ngành làm tôi canh cánh suốt sự nghiệp - Ảnh 6.

Hình ảnh chủ tịch Doãn Tới cùng vợ vào những ngày đầu thành lập CTCP Nam Việt

- Là người có nhiều đóng góp cho An Giang và ngành cá tra, cũng như tích cực hoạt động từ thiện và khuyến học, quan niệm của ông về doanh nhân đóng góp cho xã hội, đất nước và quan điểm uống nước nhớ nguồn như thế nào?

Bản thân tôi là một người luôn đề cao giá trị đạo đức trong kinh doanh. Tôi sẽ cảm thấy mọi thứ chưa hoàn thiện nếu chỉ tập trung kinh doanh mà không dành sự đóng góp của mình cho các hoạt động xã hội. Giá trị sống của mỗi doanh nhân mỗi khác, riêng với tôi, thành công không chỉ đến từ lợi nhuận của việc kinh doanh mà còn từ sự sẻ chia với xã hội và góp phần phát triển ươm mầm tài năng trẻ. Sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa nhưng lập nghiệp ở An Giang, tôi xem nơi đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Chính quyền địa phương An Giang cũng đã tạo điều kiện hết mình cho chúng tôi phát triển toàn diện, vì thế tôi đã lập quỹ khuyến học Doãn Tới ở cả Thanh Hóa và An Giang.

- Ngoài cá tra, ông có những niềm đam mê đặc biệt nào khác?

- Tôi rất thích đi câu cá và đánh tennis. Hàng ngày sau giờ làm tôi thường ra sân làm vài trận tennis với các con, vừa giúp tôi rèn luyện sức khỏe, vừa có những khoảnh khắc chất lượng mà cha con tôi dành cho nhau. Thỉnh thoảng cuối tuần tôi cũng thích đi câu cá ở chính những vùng nuôi của công ty để có dịp đi thăm các anh em công nhân làm việc tại vùng.

Đọc sách là một sở thích từ khi còn trẻ mà tôi kiên trì giữ đến hôm nay. Quyển sách tôi tâm đắc nhất là quyển “Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách” của tác giả Chung Ju Yung, cố Chủ tịch Tập đoàn Hyundai. Ông là người truyền cảm hứng cho tôi và chắc chắn cũng sẽ là động lực làm việc của các con tôi sau này.

Cố Chủ tịch Tập đoàn Hyundai từng nói: “Cuộc sống là chuỗi những sự kiện liên tiếp nhau. Hôm nay anh thành công không có nghĩa là anh sẽ tiếp tục thành công vào ngày hôm sau. Hôm sau có thể anh vẫn sẽ thất bại trong thảm hại. Nhưng nếu anh không ngừng cố gắng thì tất cả mọi thứ đều sẽ suôn sẻ, vượt qua thử thách rồi anh sẽ lại thành công”.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Huy Lê

NDH

Trở lên trên