Chủ tịch BIDV: Năm 2018 lợi nhuận của ngân hàng tăng 13%, cũng giảm lãi suất cho vay từ 9/1
Theo tính toán của chúng tôi, BIDV đạt lợi nhuận trên 9.900 tỷ trong năm qua. Ông Phan Đức Tú có 4 đề xuất với Chính phủ và NHNN, trong đó có việc tháo gỡ ràng buộc về vốn với nhà đầu tư nước ngoài để ngân hàng đẩy nhanh hoàn tất thương vụ với KEB Hana.
- 09-01-2019Chủ tịch Vietcombank: Đã bán 3% vốn cho nước ngoài thu về 6.200 tỷ, từ hôm nay sẽ giảm 0,5% lãi suất cho vay
- 14-12-2018BIDV vay thêm 1.000 tỷ đồng từ kênh trái phiếu, 'rẻ' hơn lãi suất dân cư
- 12-12-2018BIDV nhận khoản vay 300 triệu USD từ ADB
Ngày 9/1, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019.
Tham gia phát biểu thảo luận tại Hội nghị, ông Phan Đức Tú, chủ tịch Ngân hàng BIDV (BID) đã làm rõ hơn một số thành tựu của ngành ngân hàng nói chung và kết quả của BIDV nói riêng.
Theo ông Tú, tín dụng năm 2018 tăng 14%, thấp hơn các năm trước nhưng lại đạt được các kết quả quan trọng, bao gồm tín dụng tăng từ đầu năm; tập trung các lĩnh vực ưu tiên; tăng tín dụng ngắn hạn, vòng quay tín dụng được gia tăng (ví dụ của BIDV là 3,9 vòng so với 3,1 vòng của năm 2017) điều này giúp hiệu quả tín dụng với nền kinh tế cao hơn.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng năm qua đã hội nhập mạnh mẽ, uy tín, hình ảnh ngân hàng Việt trên thị trường khu vực và quốc tế được khẳng định hơn.
Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện rất tốt chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, tham gia xúc tiến đầu tư, phục vụ phát triển cân đối các vùng miền…
Quan trọng nữa là NHNN đã tách bạch các hoạt động tín dụng chính sách với tín dụng thương mại giúp cho hoạt động của các ngân hàng được minh bạch và hiệu quả hơn.
Một kết quả nữa ghi nhận là NHNN đã kịp thời phê duyệt phương án tái cơ cấu của các ngân hàng thương mại giai đoạn 2 theo đề án 1058 của Chính phủ.
Về riêng BIDV, ông Tú cho biết năm 2018 ngân hàng đã nâng tổng tài sản lên 1,283 triệu tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2017. Dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,214 triệu tỷ trong đó dư nợ ngắn hạn chiếm 60,4% tổng dư nợ. Tổng huy động vốn đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiếm soát ở mức dưới 1,4% trên tổng dư nợ.
Ông Tú không đề cập con số lợi nhuận tuyệt đối của năm qua nhưng cho biết tăng trưởng 13% so với năm 2017. Và dựa trên số liệu này, tính toán của tác giả cho thấy BIDV đã đạt được hơn 9.900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế - con số cao nhất từ trước tới nay của nhà băng này.
Năm 2019, ông Tú cho biết ngân hàng sẽ tập trung triển khai quyết liệt, mạnh mẽ các giải pháp để gia tăng chất lượng hoạt động, hiệu quả kinh doanh, tạo điều kiện và phục vụ tốt mọi sản phẩm dịch vụ ngân hàng, sẽ phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản của phương án tái cơ cấu đến năm 2020 trước 1 năm, tức là hoàn thành luôn trong năm nay.
Đồng thời, ông Tú cũng công bố chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp của ngân hàng này khi quyết định cắt giảm 0,25% lãi suất cho vay với các doanh nghiệp ưu tiên kể từ ngày 9/1.
Về kiến nghị đề xuất với Chính phủ và NHNN, chủ tịch BIDV đưa ra 4 đề xuất, bao gồm:
Một là phát triển thị trường chứng khoán như một kênh vốn dài hạn chủ yếu của nền kinh tế để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chia sẻ về áp lực vốn dài hạn với hệ thống ngân hàng.
Hai là có các biện pháp tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng. Riêng với BIDV đề nghị trước mắt tháo gỡ các điều kiện ràng buộc nhà đầu tư nước ngoài để BIDV có thể hoàn tất giao dịch bán vốn trong thời gian sớm nhất (bán vốn cho ngân hàng KEB Hana của Hàn Quốc - PV).
Ba là chỉnh sửa Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực ngân hàng.
Bốn là cần chuẩn hoá và cấp chứng chỉ cho nhân sự hoạt động ngành ngân hàng, đặc biệt là các vị trí quản trị rủi ro, kiểm soát hoạt động, giao dịch viên.
Trí Thức Trẻ