Chủ tịch BRG, Thaco, HOREA... chỉ ra điều doanh nghiệp cần để có thể sống chung với Covid-19
Tại Hội nghị giữa Thủ tướng và Doanh nghiệp vào hôm qua, những người đứng đầu của các tập đoàn lớn như BRG, Thaco,... đã kiến nghị với Chính phủ rất nhiều giải pháp cho doanh nghiệp hoạt động trong giai đoạn "bình thường mới".
- 27-09-2021Founder hãng luật Baker McKenzie Vietnam: Đằng sau câu chuyện Trung Quốc xin gia nhập CPTPP và thách thức của Việt Nam trước ‘gorilla nặng nghìn pound’
- 27-09-2021Cập nhật mức đóng BHXH bắt buộc, BHTN, BHYT từ tháng 10/2021
- 26-09-2021Doanh nghiệp Mỹ gửi thư lần 2, giục Tổng thống Biden hỗ trợ thêm vaccine cho Việt Nam
Chủ tịch Thaco: Nên cho phép doanh nghiệp tự chủ trong chống dịch
Tại hội nghị, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐTQ CTCP ô tô Trường Hải (Thaco) chia sẻ, việc chống dịch và duy trì sản xuất hiện đang là hai vấn đề cực kỳ quan trọng với không chỉ Thaco nói riêng mà toàn bộ các doanh nghiệp nói chung.
Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh, mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng sẽ được coi là "pháo đài" chống dịch cho các doanh nghiệp. Do đó, để có thể cùng Chính phủ đi đến mục tiêu thích ứng, kiểm soát dịch Covid-19 an toàn và hiệu quả, người đứng đầu Thaco kiến nghị Chính phủ nên cho phép để doanh nghiệp tự chủ trong phòng chống dịch.
Cụ thể, doanh nghiệp đăng ký mục tiêu đảm bảo sản xuất kinh doanh, cùng chống dịch sẽ sẵn sàng nhận trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Chủ tịch Thaco cho biết, thực tế, trong một số doanh nghiệp đã có các phương pháp phân loại lao động và đảm bảo sức khỏe cho lực lượng tuyến đầu sản xuất.
"Tiêu biểu tại tỉnh An Giang, tỉnh hiện đã có sự linh hoạt cho doanh nghiệp tự chủ test nhanh kháng nguyên Covid-19, được phép nhập khẩu dụng cụ test nhanh", ông Dương lấy ví dụ.
Bên cạnh đó, ông Trần Bá Dương cũng đề xuất với Chính phủ xem xét hồi tố về thời gian chống dịch để miễn hoặc giảm thuế cho các doanh nghiệp.
Lý giải cho đề xuất này, ông Dương cho biết, dịch bệnh đã tác động đáng kể lên sức mua của thị trường. Theo đó, sức mua của thị trường giảm dẫn đến thiếu lực cầu. Kết quả, doanh thu của doanh nghiệp bị hạn chế trong khi các chi phí cố định vẫn phải chi trả, khiến doanh nghiệp bị thâm hụt dòng tiền.
Chủ tịch Tập đoàn BRG: Cần quan tâm đặc biệt tới doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ
Là doanh nghiệp với đặc thù hoạt động đa ngành, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến một số lĩnh vực kinh doanh của công ty. Đặc biệt, một số lĩnh vực kinh doanh trọng yếu của tập đoàn như du lịch, khách sạn, sân golf, dịch vụ, xuất nhập khẩu...đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề.
Bà Nga khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp đều mong mỏi có thể nhanh chóng trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong một điều kiện "bình thường mới".
Theo đó, đề xuất tại hội nghị, bà Nga mong muốn bên cạnh các biện pháp hỗ trợ về thuế, Chính phủ có thể tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, để tạo hành lang pháp lý tốt hơn, đồng bộ hơn, thông thoáng hơn. Đặc biệt là mảng bất động sản vì đây là ngành cần một lượng vốn lớn, thời gian triển khai lâu.
Bên cạnh đó, các điều kiện "bình thường mới" trong bối cảnh sống chung với Covid-19 cần được triển khai nhanh chóng và nhất quán, tránh tình trạng hiểu chưa đúng, chưa đủ. Đồng thời, bà Nga cho rằng cần gắn trách nhiệm của chủ đầu tư hay người đứng đầu các đơn vị thi công các công trình tuân thủ theo nguyên tắc 5K để tiếp tục triển khai thi công.
Đặc biệt, đối với các doanh nhân nữ lãnh đạo và sử dụng nhiều lao động nữ, Chủ tịch BRG nhấn mạnh, cần quan tâm đặc biệt với nhóm đối tượng này nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nữ trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Ngoài ra, Chủ tịch BRG đề nghị cần có gói hỗ trợ đặc thù riêng cho lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch, đặc biệt là về tài chính vì đây hiện đang là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
"Các khách sạn hiện tại của chúng tôi đang phải đóng cửa kéo dài trong khi vẫn phải duy trì chi phí cho điều kiện tối thiểu của hệ thống", bà Nga cho hay.
Chủ tịch HOREA: Chính phủ chỉ cần tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách
Cũng chia sẻ về những khó khăn của ngành bất động sản trong 2 năm qua, Chủ tịch HOREA, ông Lê Hoàng Châu cho biết, doanh nghiệp bất động sản cũng gặp rất nhiều khó khăn tương tự như các lĩnh sản xuất kinh doanh khác. Do đó, ông Châu mong mỏi Chính phủ có thể tháo gỡ được một số vấn đề về chính sách mà các doanh nghiệp đang gặp phải.
"Bất động sản không xin Chính phủ hỗ trợ tiền mà chỉ xin Nhà nước tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật", Chủ tịch HOREA nhấn mạnh.
Cụ thể, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị Chính phủ có thể một số điểm ở Luật Nhà ở để tháo gỡ ách tắc các dự án nhà ở có đất nông nghiệp, hoặc có đất phi nông nghiệp không phải là đất ở. Đây đều là những dự án quy mô lớn, nhưng 5 năm qua chưa được công nhận chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất Chính phủ thí điểm ban hành chính sách phát triển nhà ở theo đề xuất của Bộ Xây dựng. Mục đích để đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đa số người dân là người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình.
"Vì lĩnh vực bất động sản có liên quan đến hơn 35 ngành nghề khác, điều này sẽ góp phần phục hồi nền kinh tế đất nước trong điều kiện bình thường mới, sống chung an toàn với virus Covid-19", ông Châu cho hay.