Chủ tịch Cienco 5 Bạch Ngọc Du ký quyết định bất chấp điều lệ công ty
Thông báo triệu tập họp đại hội đồng cổ đông bất thường của Cienco 5 được ký bởi chủ tịch HĐQT Bạch Ngọc Du được gửi cho cổ đông chưa đầy 10 ngày trước khi đại hội diễn ra vào ngày mai (28/04).
Triệu tập cuộc họp bất thường gấp rút
Ngày mai (28/04), Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2016 để phê chuẩn đơn từ nhiệm của 1 thành viên HĐQT, bên cạnh đó Đại hội cũng sẽ tiến hành bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT để đủ số lượng thành viên theo Điều lệ của Tổng công ty (5 thành viên).
Theo điều lệ tổ chức và hoạt động của Cienco 5 được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông lần đầu được tổ chức sau khi tiến hành cổ phần hóa, Chủ tịch Hội đồng quản trị là đại diện theo pháp luật của Tổng công ty – hiện nay là ông Bạch Ngọc Du.
Ngoài ra, sau khi đại hội đồng cổ đông lần này tiến hành xong, người đại diện theo Pháp luật của Tổng công ty sẽ thay đổi nếu được sự chấp thuận của đại hội cổ đông. Như vậy, nhiều khả năng thành viên HĐQT được nhắc đến trong thông báo họp ĐHĐCĐ bất thường ngày 28/04 là vị chủ tịch HĐQT Bạch Ngọc Du.
Cũng theo khoản 3 điều 17 điều lệ của Cienco quy định: “Thông báo họp Đại hội đồng cổ đông phải được gửi ít nhất mười lăm (15) ngày trước ngày họp Đại hội đồng cổ đông, (tính từ ngày mà thông báo được gửi hoặc chuyển đi một cách hợp lệ, được trả cước phí hoặc được bỏ vào hòm thư)”.
Trên thực tế, thông báo triệu tập họp bất thường được chính chủ tịch Bạch Ngọc Du ký ngày 19/04 và gửi đến các cổ đông của công ty – chỉ 10 ngày trước khi cuộc họp được diễn ra.
Thông báo triệu tập họp ĐHCĐ bất thường vào 28/04 được Chủ tịch Bạch Ngọc Du ký vào ngày 19/04/2016
Thông tin kiểu “mập mờ” như trên không phải lần đầu được Cienco 5 áp dụng, kể cả trong tài liệu công khai trong đợt bán đấu giá cổ phần theo lô để thoái vốn nhà nước tại Cienco 5 đợt tháng 12/2015 vừa qua, các tài liệu do chủ tịch Bạch Ngọc Du - người đại diện phần vốn chung của nhà nước thay mặt Bộ GTVT ký đều kèm theo dòng lưu ý: “Cienco 5 lưu ý rằng, các thông tin nêu trên tại Bản công bố thông tin bán đấu giá cổ phẩn theo lô phần vốn nhà nước do Bộ Giao thông vận tải đại diện sở hữu tại Cienco 5 chỉ là những thông tin tóm tắt phù hợp với các quy định có liên quan chứ không đảm bảo đầy đủ thể hiện thực chất tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Cienco 5”.
Chủ tịch đến và đi – những chuyện chưa từng có tiền lệ
Ông Bạch Ngọc Du được bổ nhiệm làm chủ tịch HĐQT Cienco 5 từ ngày 28/06/2015 thay vị trí của ông Thân Đức Nam khi ông Nam được điều động, bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Chủ tịch Bạch Ngọc Du sinh năm 1973 từng là chủ tịch HĐQT của công ty CP Xây dựng 573 (Hà Đông, Hà Nội ) khi đó được coi là trường hợp hiếm trong ngành giao thông được bổ nhiệm vượt cấp.
Chủ tịch Cienco 5 Bạch Ngọc Du (bên trái) được bổ nhiệm vượt cấp vào tháng 6/2015
Hiện tại, sau đợt bán cổ phần theo lô hồi cuối tháng 12/2015 của Bộ giao thông vận tải cho Công ty CP Đầu tư Hải Phát (chiếm 23,18% vốn điều lệ Cienco 5), vốn nhà nước còn lại tại đây là 40% vốn điều lệ do các ông: chủ tịch HĐQT Bạch Ngọc Du; Tổng giám đốc Hà Hùng và Phó TGĐ Trương Văn Mạnh làm đại diện phần vốn.
Mới đây, CTCP Đầu tư Hải Phát vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải "dừng việc điều động cán bộ là những người đại diện phần vốn Nhà nước tại Cienco 5".
Đây cũng được coi là một hành động chưa có tiền lệ trong lịch sử bán cổ phần các doanh nghiệp nhà nước, nhất là doanh nghiệp ngành giao thông.
Bởi theo lẽ thường thì sau khi thương vụ chuyển nhượng vốn hoàn tất, cơ quan quản lý nhà nước có quyền điều động hoặc giữ lại người đại diện phần vốn cho mình (nếu còn vốn nhà nước). Mặt khác, các nhà đầu tư chiến lược sau khi nắm giữ vốn cũng nhanh chóng muốn đưa người của mình vào làm đại diện vốn nhà nước, chứ chưa có tiền lệ gửi văn bản đề nghị giữ lại những người đại diện vốn để giải quyết những vấn đề tại doanh nghiệp.
Lý do được Hải Phát đưa ra là trong quá trình rà soát và sắp xếp lại tổ chức cũng như soát xét lại công tác điều hành, nhà đầu tư này nhận thấy xuất hiện một số vấn đề nổi cộm cần làm rõ trách nhiệm của những cá nhân lãnh đạo tiền nhiệm có liên quan.
“Chúng tôi đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải tạm dừng việc điều động cán bộ là những người đại diện phần vốn nhà nước tại Cienco 5 nhằm phục vụ công tác quyết toán bàn giao hoạt động điều hành tại đơn vị”, lãnh đạo Công ty CP đầu tư Hải Phát kiến nghị.
Theo Báo VOV, từ giữa năm 2015, nhiều nhà đầu tư tố cáo Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng 573 (gọi tắt là Công ty 573, một công ty con của Cienco 5) về việc “lừa tiền” góp vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng tại dự án xây dựng tổ hợp khách sạn, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp HH1 (gọi tắt dự án HH1) tại khu đô thị Mễ Trì Hạ (xã Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) thời kỳ ông Bạch Ngọc Du còn đảm nhiệm chức chủ tịch HĐQT của Cienco 573.
Sau khi ký các Hợp đồng góp vốn và nhận tiền của khách hàng, Công ty 573 đã ôm nhiều tỷ đồng tiền vốn đó với cam kết thời gian thi công và bàn giao công trình trong thời hạn 25 tháng kể từ ngày khởi công. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại công trình vẫn là một mảnh đất cỏ mọc.
Trong khi đó, các khách hàng góp vốn này đã giục Công ty 573 về tiến độ và giải trình rõ ràng việc sử dụng nguồn vốn thì nhận được câu trả lời sẽ bàn giao đúng kế hoạch. Khi thấy Công ty 573 liên tục bội tín, vi phạm cam kết. Nhà đầu tư đã yêu cầu chấm dứt hợp đồng góp vốn, yêu cầu Công ty 573 trả lại tiền và đã được đồng ý nhưng cũng không thực hiện đầy đủ như cam kết.
An ninh tiền tệ