Chủ tịch Đà Nẵng “quan ngại” với nhà máy thép ở Quảng Nam
Trước sự bức xúc, lo lắng của người dân, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi tỉnh Quảng Nam bày tỏ quan ngại và đề nghị chia sẻ thông tin về nhà máy thép sắp xây dựng ở thượng nguồn.
- 05-10-2016Quảng Nam bị nhà máy thép đòi hỗ trợ 123,8 tỉ để di dời
- 01-10-2016Nhà máy thép ở thượng nguồn sông Vu Gia: Coi chừng sai lầm tiếp nối sai lầm!
- 08-09-2016Có thể đóng cửa nhà máy thép gây ô nhiễm
UBND TP Đà Nẵng chiều 8-10 cho biết ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP này đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam liên quan đến việc tỉnh Quảng Nam có chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy luyện cán thép ở huyện Nam Giang.
Văn bản được ký vào ngày 6-10. Nội dung văn bản nêu rõ qua phản ảnh của các cơ quan thông tấn báo chí, được biết UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý chủ trương cho phép đầu tư Dự án nhà máy luyện cán thép Việt Pháp quy mô 180.000 tấn/năm tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, thuộc lưu vực sông Vu Gia đang cung cấp khoảng 250.000 m3/ngày cho Nhà máy nước Cầu Đỏ TP Đà Nẵng, chiếm 99% nhu cầu nước sạch tại Đà Nẵng.
“Chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng hết sức quan ngại việc UBND tỉnh Quảng Nam cho phép đầu tư dự án nói trên tại vị trí nhạy cảm đầu nguồn nước của lưu vực sông Vu Gia sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nước cấp sinh hoạt cho vùng hạ du của thành phố Đà Nẵng” – văn bản nêu rõ.
Trước đó, như Báo Người Lao Động nhiều lần thông tin, người dân phía hạ du sông Vu Gia – Thu Bồn đang hết sức lo lắng trước thông tin tỉnh Quảng Nam có chủ trương di dời nhà máy thép Việt Pháp ở thị xã Điện Bàn lên huyện Nam Giang. Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cũng đã có văn bản nêu quan điểm không thống nhất với việc đầu tư nhà máy thép ở khu vực thượng nguồn với các quan ngại như ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, hiệu quả kinh tế thấp…
Được biết, nhà máy thép Việt Pháp ở phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn đi vào hoạt động năm 2012, công suất 48.000 tấn/năm. Do quá trình hoạt động bị người dân phản ứng vì cho rằng ô nhiễm nên chính quyền tỉnh Quảng Nam buộc phải di dời. Trước đó, nhà máy này từng đòi tỉnh Quảng Nam phải "hỗ trợ" hơn 123,8 tỉ đồng để dời đi nhưng sau đó 2 bên thống nhất "đền bù, hỗ trợ" theo quy định. Tuy "đòi" hỗ trợ số tiền cao như vậy nhưng quá trình hoạt động công ty này đóng thuế khá thấp với 3 triệu đồng năm 2014 và 12,6 triệu đồng năm 2015.
Người lao động