Chủ tịch Fed phát tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất, chứng khoán Mỹ và châu Á đồng loạt bị bán tháo, nhà đầu tư 'xả' cổ phiếu ngân hàng
Kết thúc phiên 9/3, chứng khoán Mỹ đồng loạt đi xuống khi cổ phiếu ngân hàng và các công ty tài chính bị bán tháo. Ngay sau đó, chứng khoán châu Á cũng tiếp nối đà lao dốc.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng đang chờ đợi số liệu việc làm vào tối ngày hôm nay, có thể sẽ ảnh hưởng đến quyết định tăng lãi suất.
S&P 500 giảm 1,85%, chốt phiên gới 3.918,32 điểm. Dow Jones mất 543,54 điểm, tương đương 1,66% xuống 32.254,86 điểm. Nasdaq Composite giảm 2,05% còn 11.338,35 điểm.
Diễn biến kém khả quan ở phiên ngày hôm qua khiến Dow Jones đóng cửa phiên ở dưới mức trung bình động 200 ngày lần đầu tiên kể từ 9/11. Trong tuần này và cả năm nay, chỉ số gồm 30 cổ phiếu lần lượt giảm 3,4% và 2,7%. Cả S&P 500 và Nasdaq đều mất 2,05% và 8,33% trong năm 2023 nhưng chuẩn bị ghi nhận mức giảm theo tuần là 3% trở lên.
Cổ phiếu SVB Financial mất 60% sau khi thông báo về thương vụ bán 1,75 tỷ USD cổ phiếu, khiến vốn hoá của của công ty chỉ cao hơn 60 tỷ USD một chút. Ngoài ra, cổ phiếu của các công ty cùng ngành cũng đi xuống, Silvergate giảm mạnh ở mức hơn 42% khi có tin hãng sẽ ngừng hoạt động.
Cổ phiếu ngành tài chính lao dốc khiến lĩnh vực này trong S&P 500 giảm 4,1% và ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2020. Các ngân hàng hàng đầu là Bank of America và Wells Fargo cũng bị ảnh hưởng, giảm 6%.
Trong khi đó, trong phiên ngày 10/3, chứng khoán châu Á cũng "nối gót" đà sụt giảm. Heng Seng Index của Hong Kong mất 2,5%, là chỉ số giảm mạnh nhất trong khu vực. Tại Trung Quốc đại lục, Shenzhen Component giảm 1% và Shanghai Composite mất 0,7% khi kỳ họp Quốc hội đang diễn ra.
Tại Úc, S&P/ASX 200 giảm 1,8%. Kospi của Hàn Quốc mất 1,12% và Kosdaq sụt 2%. Trong khi đó, Nikkei225 của Nhật Bản giảm 1,2% và Topix mất 1,3% trong bối cảnh NHTW Nhật Bản tiếp tục duy trì lãi suất ở mức -0,1% đúng với dự đoán của các chuyên gia trong cuộc thăm dò của Reuters.
Adam Sarhan, CEO của 50 Park Investment, cho biết diễn biến này xảy ra khi Fed đã thay đổi quan điểm. Thị trường đang tìm kiếm một động lực để tăng giá nhưng không thấy.
Một số nhà kinh tế, bao gồm cả chuyên gia của Citigroup, đang dự đoán về xu hướng đi lên của dữ liệu việc làm được công bố trong ngày hôm nay, sau mức tăng mạnh ghi nhận hồi tháng 1. Chiến lược gia nghiên cứu của Citi, Alex Saunders, viết trong một lưu ý hôm thứ Tư rằng tăng trưởng việc làm mạnh mẽ có thể sẽ mang tin xấu cho thị trường.
Đà sụt giảm ở phiên 9/3 diễn ra chỉ 1 ngày sau khi ông Powell nhắc lại về thông điệp cảnh báo của mình rằng, các nhà hoạch định chính sách của NHTW có thể tăng lãi suất cao hơn dự kiến. Trong khi Chủ tịch Fed nhấn mạnh rằng, hiện vẫn chưa có quyết định nào liên quan đến cuộc họp cuối tháng 3 được đưa ra, song giới đầu tư vẫn đang chuẩn bị tinh thần cho những đợt tăng lãi suất mạnh hơn sau một loạt số liệu kinh tế mạnh mẽ trong những tuần gần đây.
Tính đến chiều thứ Năm, các nhà giao dịch đã đặt cược khoảng 61% khả năng Fed 50 điểm cơ bản, theo công cụ FedWatch của CME Group.
Nhịp sống thị trường