Chủ tịch Hà Nội: 20 - 25 năm nữa, Hà Nội sẽ có 12 tuyến đường sắt đô thị
Để giải quyết ùn tắc giao thông, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố sẽ có đề án tổng thể về 12 tuyến đường sắt đô thị.
- 08-12-2023Quy hoạch các ga đường sắt trong đô thị: Không di dời khỏi nội đô Hà Nội, TPHCM
- 05-12-2023Đề xuất mới về nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 350 km/h
- 05-12-2023Đề xuất cơ chế 'đặc thù đặc biệt cả gói' làm đường sắt tốc độ cao 350 km/h
Làm từng tuyến một thì 100 năm nữa mới xong 12 tuyến đường sắt
Chiều 7/12, tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã trả lời, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.
Về vấn đề nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông trong đó có đường sắt đô thị, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, TP nhận thức quan trọng về nội dung này nên đã đề xuất chính sách trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), theo đó có cơ chế đặc thù để có nguồn lực phát triển hạ tầng Thủ đô, hạ tầng giao thông đối ngoại liên vùng.
TP Hà Nội cũng sẽ có một đề án tổng thể về đường sắt đô thị.
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: TTXVN
"Đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội hay Cát Linh – Hà Đông đều phải 15, 20 năm mới xong. Chúng ta không thể làm từng cái một. Nếu làm từng cái, mỗi cái một nguồn vốn, một công nghệ thì chắc 100 năm nữa Hà Nội mới xong 12 tuyến đường sắt" - Chủ tịch UBND TP Hà Nội chia sẻ.
Theo đó, đề án tổng thể 12 tuyến đường sắt có cơ chế, nguồn lực làm riêng để thực hiện. Như vậy, các vấn đề trật tự, giao thông đô thị có cơ hội giải quyết trong 20 năm nữa.
Chủ tịch UBND Hà Nội lấy ví dụ về vấn đề giao thông hiện nay: "Mỗi buổi sáng có tới khoảng 2,3 triệu học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 cùng đồng loạt đến trường cùng với các phụ huynh đưa đón thì không tắc mới lạ. Chưa kể những bệnh nhân, sinh viên… Chỉ khi giải quyết về đồng bộ giao thông thì Hà Nội mới giải quyết đường vấn đề này".
Ông Thanh cho biết, thành phố sẽ nghiên cứu để báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến để triển khai đề án về đường sắt đô thị với hy vọng 20 – 25 năm nữa, Hà Nội sẽ có hệ thống 12 tuyến đường sắt đô thị.
Năm đầu tiên Hà Nội không bị nhắc nhở về giải ngân đầu tư công
Về việc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, đây là năm đầu tiên Hà Nội vượt mức bình quân chung của cả nước và cũng là năm đầu tiên Hà Nội không bị nhắc nhở về giải ngân đầu tư công trong các cuộc họp của Chính phủ.
Toàn cảnh phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội
"Có được kết quả này là nhờ rút kinh nghiệm trong năm 2023 với sự vào cuộc nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo thành phố. Khả năng đến cuối năm sẽ đạt khoảng 91,5% thành phố giao, đạt 100% kế hoạch Trung ương giao" – ông Thanh cho biết.
Về phê duyệt dự án đầu tư công, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, cuối năm nay sẽ kiểm điểm sâu về vấn đề này, phân định trách nhiệm vì sao, ở đâu, vì ai mà có danh mục mà chưa phê duyệt chủ trương, có chủ trương rồi mà chưa phê duyệt dự án, có dự án mà chưa khởi công được…
Liên quan 712 dự án chậm triển khai, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết cần rất thời gian, công sức để đọc hồ sơ cho thấu đáo, "mỗi một dự án là một số phận", phải xét duyệt từng dự án cụ thể.
"Tinh thần tháo gỡ là chính, không phải thu lại. Có chế tài để các nhà đầu tư thực hiện. Còn những dự án không thể triển khai được nữa do nhiều lý do thì dứt khoát phải thu hồi nhưng phải theo đúng quy định pháp luật" – ông Thanh nêu rõ.
VTV