MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Hà Nội nói về việc tiếp nhận đường sắt Cát Linh - Hà Đông

19-06-2020 - 17:50 PM | Xã hội

"Hà Nội chỉ tiếp nhận sau khi công trình đã được nghiệm thu và bàn giao an toàn", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói về đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Sáng 19/6, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố. Cử tri Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền) thắc mắc về tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã kéo dài hơn 10 năm, theo Bộ GTVT báo cáo chỉ còn 1% nhưng bao năm nay 1% không đưa vào khai thác được làm người dân mất lòng tin.

Chủ tịch Hà Nội cho biết, vừa qua Thủ tướng giao cho Bộ GTVT xong trong năm 2020. Dự án này đã nhiều lần lỡ hẹn, Hà Nội đã thành lập ra một công ty đường sắt để tiếp nhận. "Tuy nhiên Hà Nội chỉ tiếp nhận sau khi công trình đã được nghiệm thu và bàn giao an toàn", ông Chung cho biết.

Chủ tịch Hà Nội nói về việc tiếp nhận đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Về việc cử tri thắc mắc nhà thầu đòi 50 triệu USD, Chủ tịch Hà Nội cho biết, đây là số kinh phí nằm trong dự toán của gói thầu, nhưng trong qua trình thi công, Kiếm toán Nhà nước vào kiểm toán và xuất toán, do vậy Bộ GTVT không thanh toán cho nhà thầu, do vậy nhà thầu yêu cầu, muốn nghiệm thu, hoàn thành họ cần lượng tiền để trả công cho chuyên gia, đơn vị tư vấn.

“Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ rất quan tâm đến việc này, Bí thư đã họp với Bộ GTVT và Hà Nội thành lập một tổ công tác cử Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng, còn Bộ GTVT cử một Thứ trưởng phối hợp với nhà thầu Trung Quốc, Kiểm toán khắc phục những tồn tại, đẩy nhanh tiến độ dự án.“, ông Chung nói. 

Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố, hiện dự án còn 3 nhiệm vụ trọng tâm, thứ nhất là Hội đồng nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu liên quan toàn bộ công trình này về độ an toàn chạy thầu, chất lượng vận hành của cả hệ thống; thứ hai sau khi nghiệm thu sẽ chạy thử nghiệm và sau đó an toàn mới bàn giao cho Hà Nội chạy thương mại.

Khuyến khích dùng nhà mặt phố để trông giữ xe

Liên quan đến vấn đề vỉa hè cho người đi bộ, ông Nguyễn Đức Chung cho biết phải sắp xếp lại các bãi trông đỗ xe, ứng dụng công nghệ iparking để trông giữ xe ô tô; thứ hai Chủ tịch Hà Nội nêu vấn đề, sau dịch COVID -19 nhiều cửa hàng bỏ nhưng nếu đưa dịch vụ trông giữ xe vào những nhà mặt phố, một số nhà mặt phố có thể ứng dụng công nghệ vào để trông giữ xe thu nhập còn cao hơn cho thuê nhà.

"Vấn đề có thu phí hay không thì chờ Nghị quyết cho Hà Nội một cơ chế đặc thù, chúng tôi khuyến khích người dân mở hoạt động kinh doanh này, nhưng có thể năm đầu không thu phí để khuyến khích hoạt động này, giảm lượng xe trên vỉa hè, giúp thông thoáng".

Cũng theo Chủ tịch thành phố Hà Nôi, cần xử nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự lòng đường, vỉa hè kinh doanh. Vấn đề này chủ yếu là ý thức của các hộ kinh doanh.

Về công tác cắt tỉa cây xanh, tránh trường hợp tai nạn do cây gãy đổ, ông Chung cho hay, việc trồng mới, cắt tỉa cây xanh là việc làm thường xuyên, bằng trang thiết bị hiện đại. Việc cắt tỉa cây xanh vừa nhằm mục tiêu tạo cảnh quan, kiến trúc đẹp, đồng thời sẽ hạ dần độ cao của cây xanh để đảm bảo an toàn.

Từ khi áp dụng máy móc hiện đại vào cắt tỉa, đã giảm triệt để tai nạn lao động cho công nhân cây xanh. Thế giới đã ứng dụng máy siêu âm, phát hiện cây mục, sâu bệnh, thành phố Hà Nội sẽ phấn đấu trang bị máy móc hiện đại bậc nhất vào công tác này.

Cán bộ không xuống thực địa

Trả lời câu hỏi của cử tri về xử lý vi phạm đất đai tại xã Yên Bài, Ba Vì, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, về mặt Đảng, đã xử lý 19 cán bộ thuộc Huyện ủy Ba Vì và Đảng ủy các xã, trong đó cao nhất là kỷ luật Bí thư Huyện ủy Ba Vì, Chủ tịch UBND huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện và lãnh đạo các xã. 

Còn về mặt chính quyền, cũng đã xử lý 14 trường hợp, trong đó có trường hợp bị cách hết chức vụ. Đến nay, Hà Nội và Bộ NN&PTNT đang phối hợp xử lý các công trình trên đất, vì có một phần đất thuộc Bộ NN&PTNT quản lý.

Tại xã Minh Trí, Sóc Sơn cũng đã xử lý 39 cán bộ các cấp, từ cấp huyện đến cấp xã, rồi trách nhiệm của Sở NN&PTNT, Ban Quản lý rừng đặc dụng.

“Tuy nhiên, ở đây cũng phải nói rõ, có một việc liên quan đến nhóm cán bộ của Viện Quy hoạch Xây dựng khi làm Quy hoạch chung Hà Nội giai đoạn 2009- 2011, theo quy trình xuống hiện trường khảo sát thực địa nhưng nhóm này lại không về tận nơi để kiểm tra nên đã xảy ra chồng lấn. Thành phố đang cập nhật lại, đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng cho phép Hà Nội khảo sát, kiểm tra và điều chỉnh lại quy hoạch này”- ông Nguyễn Đức Chung cho biết.


Theo Trường Phong

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên