MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Hà Nội: Tham nhũng trong chống COVID-19 là có tội, mang tiếng với thế giới

15-04-2020 - 20:28 PM | Xã hội

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị được phân bổ kinh phí phòng chống COVID-19 phải đảm bảo đúng quy trình, đúng giá, không được xảy ra tiêu cực. “Nếu xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực này thì có tội, mang tiếng với nhân dân, với cả thế giới”, ông Chung nói.

Chiều 15/4, phát biểu kết luận phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, chiều 15/4, Thủ tướng đã quyết định Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến 22/4, vì thế, các quận, huyện, phường, xã cần tiếp tục tuyên truyền, thực hiện tốt việc này. 

Ông Chung cũng đánh giá, trong 40 ngày qua, Hà Nội đã kiểm soát được tình hình, nỗ lực 'làm phẳng đường cong" lây lan dịch COVID-19 trên địa bàn. Có được kết quả này là sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là toàn bộ người dân Thủ đô. Thành phố cũng phản ứng tốt, nhanh với tình hình dịch bệnh, trên tinh thần phát hiện nhanh, khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch.

Chủ tịch Hà Nội cũng đánh giá, trên địa bàn có những ổ dịch lớn như Bệnh viện Bạch Mai, thôn Hạ Lôi, diễn biến phức tạp. Ngay ca mắc mới nhất vẫn là liên quan đến yếu tố Bệnh viện Bạch Mai. 

Ông Chung yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai minh bạch tình hình dịch bệnh trên thế giới, ở Việt Nam, trên địa bàn thành phố, quận, huyện, phường, xã để người dân nắm rõ, hiểu rõ thành phố đang làm chủ, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Người dân cũng cần nhận thức được nguy cơ lây lan trên địa bàn để tự giác chấp hành Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

"Chỉ khi nào người dân đồng thuận, chấp hành Chỉ thị của T.Ư và thành phố Hà Nội thì khả năng dập dịch mới thành công", ông Chung nói.

Ông Chung cũng yêu cầu tuyên truyền để người dân nhận thức được khi có dấu hiệu ho, đau họng, sốt thì phải khẩn trương thông báo cho các cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm. Người dân cũng phải hình thành thói quen đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên...

Chủ tịch Hà Nội cho rằng, hiên nay, khâu rà soát phát hiện là quan trọng số 1. Các trường hợp có yếu tố liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, thôn Hạ Lôi, tiếp xúc với các ca bệnh, có biểu hiện đau họng, ho, đến các cửa hàng mua thuốc sốt... phải được phát hiện nhanh, cách ly kịp thời và lấy mẫu xét nghiệm.

"Công tác xét nghiệm là tối quan trọng, kể cả xét nghiệm nhanh và PCR. Bởi vì 13 trường hợp ở thôn Hạ Lội cũng từ công tác xét nghiệm mới phát hiện ra. Chỗ Thường Tín cũng qua xét nghiệm mới phát hiện chứ không có biểu hiện gì. Tất cả các trường hợp nghi ngờ phải được lấy mẫu xét nghiệm, có kết quả nhanh để có phương án", ông Chung nói. 

Ông Chung yêu cầu Sở Y tế và lực lượng quản ly thị trường, công an thành phố kiểm tra các đơn vị, cá nhân, cửa hàng bán các trang thiết bị y tế, khẩu trang, nước khử khuẩn, kể cả máy thở… để rà soát không để các đơn vị này tăng giá.

Đặc biệt, Sở Y tế và các đơn vị quận huyện đã được phân bổ kinh phí giai đoạn 1, giai đoạn 2 chống COVID-19 phải chủ động rà soát kết quả mua sắm, đảm bảo đúng quy trình, đúng giá, không để thất thoát tiêu cực xảy ra.

"Tất cả sự nỗ lực của chúng ta, đang làm tốt công tác phòng chống dịch nhưng nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực này thì rất mang tiếng, không chỉ mang tiếng với người dân mà còn có tội. Bây giờ người dân, doanh nghiệp, ngay bản thân công chức, viên chức còn đang  góp một ngày lương để ủng hộ cho mặt trận này. Chúng ta được giao mặt trận này mà có biểu hiện, việc làm, móc ngoặc, nâng giá lên, tham ô tham nhũng, thì không những mang tiếng ở địa bàn thành phố, mang tiếng với cả nước mà mang tiếng với cộng đồng quốc tế", ông Chung nói. 

Vì thế, ông Chung yêu cầu phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ, mời các ban Kinh tế Ngân sách, Văn hóa xã hội của HĐND thành phố, MTTQ thành phố vào giám sát để công khai, minh bạch.

Ông Chung yêu cầu tiếp tục tập huấn công tác lấy mẫu xét nghiệm cho các bác sĩ, y tá, các phòng y tế, trung tâm y tế, các bệnh viện, các khoa phòng... để đưa năng lực lấy mẫu lên 5 - 6 nghìn mẫu/ngày. "Khâu xét nghiệm là một việc tối quan trọng, để biết âm tính hay dương tính để có các biện pháp", ông Chung nói. 

Ông Chung cũng lưu ý các quận, huyện, phường, xã phải thống kê chặt chẽ các trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm. Đảm bảo tài chính chi đúng, chi đủ, chính xác.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu hai Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, Ngô Văn Quý cùng Sở Y tế phải lập kế hoạch, quản lý tài chính mua sắm vật tư y tế theo phương châm của Thành ủy, không mua sắm riêng mà phải mua sắm chung, trước mắt là các đồ cần thiết như quần áo bảo hộ, chất khử khuẩn.

"Mua đúng, mua đủ, chính xác theo đúng tinh thần hướng dẫn của Bộ Y tế. Không để lãng phí. Phải chắt chiu. Nếu để lãng phí thì rất phản cảm, bởi vì các trường hợp công nhân, người nghèo, thất nghiệp... bị ảnh hưởng bởi COVID-19, trong khi đó lãng phí là không thể chấp nhận được", ông Chung yêu cầu.

Ông Chung cũng yêu cầu tăng cường giám sát việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, tiếp tục thực hiện việc kiểm soát tại 30 chốt ở cửa ngõ ra vào thành phố, tiến hành phun khử khuẩn các phương tiện, kiểm tra thân nhiệt...

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu tăng cường xử phạt tất cả các trường hợp không đeo khẩu trang.

"Đây là tuần quyết định. Các đơn vị phải trực 24/24/7 để tiếp nhận các thông tin để xử lý", ông Chung yêu cầu.

Theo Trường Phong

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên