Chủ tịch Hà Nội thông tin mới về việc 256 giáo viên hợp đồng nguy cơ mất việc
Bên lề kỳ họp bất thường HĐND TP Hà Nội sáng 9-4, chủ tịch UBND TP Hà Nội đã trao đổi những vấn đề liên quan đến hơn 250 giáo viên hợp đồng nguy cơ mất việc nếu trượt trong kỳ thi tuyển dụng viên chức sắp tới.
- 01-04-2019Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung lên tiếng về vụ 256 giáo viên Sóc Sơn nguy cơ mất việc
- 18-03-2019Không chỉ học sinh, đã phát hiện giáo viên dương tính với sán lợn
- 22-02-2019Ông Đỗ Bá Tỵ: Tuyển dụng giáo viên như quân đội là tốt nhất
Ngày 9-4, bên hành lang kỳ họp bất thường HĐND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết về kế hoạch tuyển dụng giáo viên của TP sẽ thực hiện nghiêm túc Nghị định 161 của Chính phủ và theo sự chỉ đạo của Chính phủ, trong đó các tiêu chuẩn tuyển dụng giáo viên đợt này có yêu cầu về ngoại ngữ, tin học.
Ông Chung cho hay ngoài việc thực hiện Nghị định 161, TP Hà Nội đã chỉ đạo tất cả các quận, huyện rà soát lại toàn bộ thực trạng số giáo viên, đang nằm trong hợp đồng mà sẽ phải thi tuyển trong đợt này. Theo báo cáo của các quận, huyện và Sở Nội vụ Hà Nội thì hiện trên địa bàn TP có một số giáo viên thực hiện hợp đồng từ 15 đến hơn 20 năm. Những giáo viên này có trình độ, kinh nghiệm giảng dạy tốt.
"Từ đánh giá thực tiễn, TP sẽ họp và đưa ra phương án tối ưu nhất. Theo đó những giáo viên đã có kinh nghiệm, đã giảng dạy tốt, chúng tôi có thể đề ra phương án vừa xét tuyển vừa thi tuyển để họ có cuộc sống ổn định" - ông Chung khẳng định.
Người đứng đầu UBND TP Hà Nội cũng cho hay trong đợt thi tuyển lần này, TP sẽ đảm bảo mục tiêu giải quyết được những tồn đọng về vấn đề giáo viên hợp đồng quá dài đã tồn tại hơn 20 năm qua. TP cũng muốn đảm bảo thi tuyển đủ số giáo viên này nhằm phục vụ dạy học trong các trường công lập. Thông qua đợt thi tuyển lần này chúng tôi đặt mục tiêu tạo được sự ổn định cho giáo viên toàn TP để họ yên tâm dạy học.
Ngoài ra, ông Chung cũng thông tin đợt này TP sẽ rà soát để giải quyết một lần tất cả những tồn đọng trong những năm qua. Trên cơ sở thống kê ở các quận, huyện và cụ thể là từng trường, ban chỉ đạo, TP sẽ có đánh giá cụ thể và thông tin minh bạch những chính sách liên quan đến giáo viên.
Một giáo viên THCS ở huyện Sóc Sơn buồn bã trước cảnh hàng trăm đồng nghiệp như cô nguy cơ mất việc
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, 256 giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn đã có đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng trước việc họ bắt buộc phải tham gia thi tuyển viên chức tới đây theo quy định của Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Với quy định tại Nghị định 161 nêu trên, không có nội dung hướng dẫn áp dụng đối tượng được ưu tiên xét đặc cách tuyển dụng là giáo viên hợp đồng, dù họ đã công tác, đã cống hiến bao nhiêu năm đi chăng nữa. Do đó, 256 giáo viên hợp đồng không đăng ký thi, hoặc thi trượt, sẽ buộc phải chấm dứt hợp đồng.
Các giáo viên cho rằng việc bắt họ phải thi tuyển viên chức, trong khi họ đã cống hiến ít nhất là 5 năm, nhiều nhất là 27 năm là bất công và bất nhẫn.
256 giáo viên khẳng định trong quá trình giảng dạy, có nhiều người là giáo viên giỏi cấp huyện, cấp thành phố, chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liền; nhiều giáo viên đã đào tạo được rất nhiều học sinh giỏi cấp huyện, cấp thành phố... Và họ cho rằng khoảng thời gian dài phấn đấu với những thành tích đã đạt được chính là những điểm số, là minh chứng khách quan nhất, chân thực nhất, rõ ràng nhất chứng minh năng lực, đạo đức nghề nghiệp trước học sinh, đồng nghiệp cũng như trước ban giáo khảo của cuộc thi.
"Vậy, chúng tôi có cần phải trải qua cuộc thi sát hạch vài giờ đồng hồ hay không? Chúng tôi khẩn thiết đề nghị các cơ quan, các cấp có thẩm quyền, tạo cho chúng tôi một cơ chế nhân văn, đó là xét đặc cách cho chúng tôi vào viên chức giáo dục thay vì thi tuyển như thí sinh tự do"- các giáo viên kiến nghị.
Người lao động