Chủ tịch Hà Nội: Thủ trưởng các đơn vị cần tránh tiếp dân xong về… bỏ đấy
“Thủ trưởng các đơn vị đã có lịch tiếp dân hàng tuần, hàng tháng phải thực hiện nghiêm túc, trực tiếp tiếp dân, lắng nghe và đôn đốc giải quyết các phản ánh của dân một cách hiệu quả, tránh việc tiếp dân xong về lại bỏ đấy..."
- 17-05-2017Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất chuyển các doanh nghiệp công ích sang cơ chế tư nhân
- 22-03-2017Chủ tịch Hà Nội: Cán bộ trật tự đô thị có thể khởi tố theo quy định nếu vi phạm
- 11-03-2017Bí thư, Chủ tịch Hà Nội dự lễ khai mạc triển lãm Lễ hội hoa anh đào
- 10-03-2017Chủ tịch Hà Nội "điểm danh" 14 nhóm lấn chiếm vỉa hè
Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại Hội nghị lần thứ 9, BCH Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI diễn ra ngày 11/6.
Dư địa tăng trưởng công nghiệp - xây dựng TP còn rất lớn
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Tứ cho biết, với kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm là 7,37% thì trong 6 tháng cuối năm Thành phố phải nỗ lực, đạt tốc độ tăng trưởng trên 9,5% thì cả năm 2017 mới đạt chỉ tiêu tăng trưởng 8,5-9%. Đây là thách thức bởi trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước còn có nhiều rủi ro.
Trên cơ sở đó, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 6 giải pháp, trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo vào 3 trụ cột tăng trưởng, đó là kích cầu tiêu dùng nội địa, bởi hiện cơ cấu dịch vụ của chúng ta đã đạt 69,7%, trong khi 6 tháng đầu năm nay dịch vụ, mà bản chất là tiêu dùng tăng có 7,1%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm ngoái. Do đó phải bắt đầu từ tăng tiêu dùng nội địa, mà trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Thứ hai, theo ông Nguyễn Văn Tứ, điểm sáng đáng lưu ý là xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay tăng 12%, trong khi thông thường 6 tháng cuối năm xuất khẩu sẽ còn tăng hơn, do đó, các cấp, ngành phải đẩy mạnh các giải pháp để hỗ trợ xuất khẩu.
Thứ ba là kích cầu đầu tư, trước tiên là tập trung vào đầu tư công. Hiện nay, toàn TP mới giải ngân được 33,4% với con số tuyệt đối khoảng 11 nghìn tỷ, do đó, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm còn rất lớn, bởi đầu tư công có tác động lan tỏa, quyết định. Cùng với đó phải đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách để tất cả các dự án đủ điều kiện phải được triển khai, giải ngân nhanh, từ đó hỗ trợ tăng trưởng.
Ông Tứ cũng cho rằng, dư địa tăng trưởng công nghiệp - xây dựng TP còn rất lớn, đặc biệt là ngành xây dựng. Do đó cần tập trung đưa các dự án xây dựng đang triển khai để đi vào hoàn thiện và hoạt động, từ đó, sẽ kéo dịch vụ phát triển theo. Bên cạnh đó, các quận, huyện cũng phải tập trung cao độ cho công tác GPMB để các dự án đầu tư được triển khai đúng tiến độ, nhất là các dự án trọng điểm như KCN sạch Sóc Sơn, Tổ hợp sản xuất công nghệ cao và dự án Khu đô thị thông minh của tập đoàn Sumitomo…
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất, vừa qua, TP đã đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh song tới đây phải tiếp tục làm mạnh hơn, bởi yêu cầu của người dân, doanh nghiệp còn rất lớn. Chính vì thế, Thành ủy cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kế hoạch về phát triển doanh nghiệp, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ và Kế hoạch tăng cường cải thiện Chỉ số PCI.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng, lĩnh vực dịch vụ của TP còn nhiều tiềm năng để phát triển, song cần làm tốt các lĩnh vực về quản lý và phát triển thương hiệu, phát triển mạng lưới bán lẻ đến đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Giám đốc Sở Công thương thông tin, qua khảo sát trong dịp Tết Nguyên đán 2017, tỷ lệ hàng tiêu dùng do Việt Nam đã chiếm trên 90% mà trước đây hàng nhập khẩu từ các nước, chủ yếu là Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường. Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng cũng lưu ý các quận huyện tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển các chợ và cửa hàng kinh doanh xăng dầu theo quy hoạch.
Tránh việc tiếp dân xong về lại bỏ đấy
Sau khi nghe 12 ý kiến tham luận của lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, 1 trong 6 nhiệm vụ mà Thành phố cần tập trung trong 6 tháng cuối năm nay là tiếp tục chấn chỉnh công tác trật tự đô thị, nhất là ngăn chặn ngay tình trạng lấn chiếm vỉa hè lòng đường đang quay lại.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, tại cuộc họp giao ban Chính phủ tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ nhắc Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là bước đầu làm tốt nhưng vừa qua việc tái lấn chiếm lòng đường vỉa hè lại tiếp diễn. Tiếp tục có tình trạng người dân quay trở lại bán hàng, trông giữ xe trên lòng đường vỉa hè.
“Vì thế, tôi đề nghị các quận, huyện cần phải đôn đốc, đặc biệt là Chủ tịch UBND và Trưởng Công an các phường, xã cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp liên quan đến lòng đường vỉa hè. Nếu làm tốt cái này sẽ thúc đẩy việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố chúng ta tốt hơn”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đẩy nhanh việc thanh quyết toán với các công trình đã xong, kể cả các công trình BT. Bên cạnh đó, với 178 dự án, các công trình chuyển tiếp giai đoạn 2010 - 2015 và 102 dự án khởi công mới năm 2016, các đơn vị cần đôn đốc đẩy nhanh giải ngân các dự án này, bởi hiện nay, tỷ lệ giải ngân chung vẫn rất thấp, dù Thành phố đã bố trí đủ nguồn vốn cho các dự án nhưng năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 vẫn chưa giải ngân hết được, vẫn để kết dư và phải chuyển nguồn sang năm sau.
Từ đó, Chủ tịch UBND TP giao các quận, huyện, Kho bạc Nhà nước, Sở Tài chính, Phòng Tài chính các quận huyện cần đôn đốc tất cả các khoản kết dư thuộc năm trước hiện còn tồn đọng trong các dự án để chuyển sang Kho bạc Nhà nước. “Hiện có những Ban quản lý dự án sau khi sáp nhập, có đơn vị các công trình đã triển khai xong rồi, còn kết dư hàng trăm tỷ đồng nhưng vẫn giữ lại ở đơn vị, đề nghị tất cả các khoản kết dư này phải chuyển về kho bạc theo đúng quy định. Tới đây, thành phố cũng sẽ tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra đôn đốc việc này”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các dự án đã triển khai để giải ngân, đẩy nhanh tiến độ, góp phần đẩy nhanh tăng trưởng 6 tháng cuối năm. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ công chức, đổi mới thái độ và nâng cao chất lượng trong công tác tiếp dân.
“Trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị đã có lịch tiếp dân hàng tuần, hàng tháng phải thực hiện nghiêm túc, trực tiếp tiếp dân, lắng nghe và đôn đốc giải quyết các phản ánh của dân một cách hiệu quả, tránh việc tiếp dân xong về lại bỏ đấy khiến khiếu nại tố cáo của dân tiếp tục kéo dài”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội lưu ý.
Infonet