MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Hải An (HAH) Vũ Ngọc Sơn: Giá cước vận tải vẫn ở mức cao đến cuối năm 2022, doanh nghiệp cảng biển có đủ cơ sở tiếp tục duy trì mức lợi nhuận tốt

02-08-2021 - 11:30 AM | Doanh nghiệp

Chủ tịch Hải An (HAH) Vũ Ngọc Sơn: Giá cước vận tải vẫn ở mức cao đến cuối năm 2022, doanh nghiệp cảng biển có đủ cơ sở tiếp tục duy trì mức lợi nhuận tốt

Theo dự đoán, Việt Nam sẽ cơ bản khống chế được dịch trong tháng 8, vì vậy kinh tế sẽ hồi phục và phát triển mạnh từ tháng 9 trở đi, tất cả các doanh nghiệp cảng biển sẽ tập trung hoàn tất Hợp đồng của năm 2021 và tiến hành ký, thực hiện Hợp đồng cho năm 2022. Do vậy lượng hàng thông qua các cảng biển sẽ liên tục tăng, các cảng có cơ sở để duy trì và đạt lợi nhuận cao trong năm 2021 và các tháng đầu năm 2022.

Giá cước tàu biển từ Việt Nam liên tục tăng cao từ đầu năm 2021. Đơn cử, giá cước đi Mỹ cuối tháng 7 vừa qua lại phá kỷ lục với gần 20.000 USD/container, trong khi thời điểm cuối năm 2020 chỉ ở mức 8.000-9.000 USD/container.

Chia sẻ với chúng tôi về tình hình giá cước cũng như hoạt động tại các cảng hiện nay, ông Vũ Ngọc Sơn – Chủ tịch CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) – cho biết: "Trong 3 tuần vừa qua, vì hạn chế lưu thông bằng đường bộ nên các cảng tại khu vực Tp.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu đã bắt đầu bị ùn tắc do không giải phóng được hàng khỏi cảng. Riêng về hàng container thì cảng Cát lái cũng bị ùn tắc, một số chuyến tàu phải chờ cầu. Tại khu vực Cái Mép – Thị Vải tình hình cũng xảy ra tương tự, các cảng phải ưu tiên cầu bến cho tàu Mẹ nên nhiều tàu container loại nhỏ và tàu Feeder phải chờ cầu từ 1 đến 2 ngày".

Về giá cước vận chuyển container, vị này nhấn mạnh giá trên các tuyến liên lục địa đã, đang và sẽ tiếp tục tăng do các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết các khu vực, các nền kinh tế lớn đều bị ảnh hưởng và phải thực hiện phong tỏa, dãn cách xã hội. Vì vậy tình trạng container bị tồn đọng, kéo dài thời gian luân chuyển đã xảy ra từ giữa năm 2020 đến nay, người ta ước tính thời gian luân chuyển bình quân một chu kỳ hay một chuyến của container đã tăng thêm từ 20% đến 30%, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trang thiếu hụt vỏ container và tàu chở container trên toàn thế giới. Mà vỏ container và tàu container thì không thể sản xuất trong một thời gian ngắn để bù đắp ngay được.

Thứ hai, sau khi tạm khống chế được dịch từ cuối năm 2020, kinh tế Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu bùng nổ, nhập khẩu vào Mỹ, châu Âu tăng vọt gây tình trạng ùn tắc ở hầu hết các cảng bờ Tây nước Mỹ và Bắc Âu trong suốt quí 2/2021.

Thứ ba, thực tế đến cuối quý 1/2021 tình trạng ùn tắc vừa được cải thiện thì ngày 23/3/2021 xảy ra vụ tàu của hãng Evergreen mắc cạn gây tắc luồng qua kênh đào Suez. Tai nạn này làm đứt gãy chuỗi cung ứng trên tuyến Á – Âu, ảnh hưởng đến gần 20% lượng hàng lưu thông của thương mại toàn cầu.

Sau vụ tắc kênh đào được giải quyết lại xảy ra vụ các cảng Nam Trung Quốc (Yantian, Seikou, Hongkong…) phải hạn chế năng suất (đóng một phần cầu cảng) do dịch Covid-19, gây nên tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại khu vực này trong tháng 5 và 6. Nhiều tàu container phải chờ hoặc hủy chuyến. Đến nay tàu của HAH vẫn còn phải chờ cầu 3 – 5 ngày tại Hongkong.

Cuối cùng, mới đây nhất là tình trạng lũ lụt xảy ra tại Trung Quốc và các nước Bắc Âu cũng lại gây nên đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu…

"Bên cạnh tác động của dịch bệnh, việc liên tục xảy ra các hiểm họa khó lường của thiên nhiên sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động vận tải container toàn cầu, gây nên mất cân bằng giữa Cung – Cầu và dự đoán sẽ còn kéo dài cho đến khi thế giới khống chế được dịch (giữa 2022). Do vậy dự đoán giá cước vận tải vẫn sẽ ở mức cao đến cuối năm 2022", ông Sơn nói thêm.

Giá cước thuê tàu container tuần 30/2021 – Alphaliner report 28/7/2021

Chủ tịch Hải An (HAH) Võ Ngọc Sơn: Giá cước vận tải vẫn ở mức cao đến cuối năm 2022, doanh nghiệp cảng biển có đủ cơ sở tiếp tục duy trì mức lợi nhuận tốt - Ảnh 1.

Theo dự đoán, Việt Nam sẽ cơ bản khống chế được dịch trong tháng 8, vì vậy kinh tế sẽ hồi phục và phát triển mạnh từ tháng 9 trở đi, tất cả các doanh nghiệp sẽ tập trung hoàn tất Hợp đồng của năm 2021 và tiến hành ký, thực hiện Hợp đồng cho năm 2022. Do vậy lượng hàng thông qua các cảng biển sẽ liên tục tăng, các cảng có cơ sở để duy trì và đạt lợi nhuận cao trong năm 2021 và các tháng đầu năm 2022.

Riêng HAH, Công ty có kế hoạch vẫn sẽ tiếp tục đầu tư để phát triển và trẻ hóa đội tàu khi có điều kiện. Dự kiến, nếu giá dầu được duy trì ở mức như hiện nay (USD 75 - 80/thùng – LSFO USD 550 – 560/MT), năm 2021 HAH sẽ lãi khoảng 300 tỷ.

Lợi nhuận các doanh nghiệp cảng tăng phi mã nửa đầu năm, thiết lập kỷ lục mới

Ghi nhận nửa đầu năm, sự tăng trưởng của nhu cầu và giá cước đã mang về mức lợi nhuận đột biến cho hầu hết các doanh nghiệp logistics.

Trong đó, HAH thu về hơn 82 tỷ đồng LNST trong quý 2/2021 - tăng 2,3 lần so với cùng kỳ. Nguyên nhân do trong tháng 4/2021 Công ty đầu tư thêm 2 tàu là Haina East và Haian West nhằm nâng cao năng lực vận tải của đội tàu Hải An. Sản lượng của đội tàu tăng, cùng với đó là giá cước vận tải biển tăng dẫn tới lợi nhuận từ đội tàu kỳ này tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế 6 tháng, HAH đạt 808 tỷ doanh thu, tăng 49% và LNST 183 tỷ đồng, tăng 161% so với nửa đầu năm ngoái.

Cũng tăng trưởng bằng lần, Tân Cảng Logistics (TCL) đạt lãi sau thuế 38,8 tỷ đồng, tăng 78% so với kết quả quý 2/2020: Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong lịch sử hoạt động của TCL.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, TCL đạt hơn 602 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17,6% so với cùng kỳ, LNST đạt 61,5 tỷ đồng, cao gấp rưỡi kết quả nửa đầu năm 2020. EPS 6 tháng đạt 1.706 đồng.

Hay "ông lớn" Gemadept (GMD), Công ty lãi sau thuế 178 tỷ đồng, tăng 39%. Lãi ròng tương ứng 141,5 tỷ. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Gemadetp đạt doanh thu 1.439 tỷ đồng, tăng 19% và LNST 350 tỷ đồng, tăng hơn 39% so với nửa đầu năm ngoái.

Theo GMD, trong kỳ sản lượng thông qua hệ thống cảng của Công ty từ Bắc vào Nam tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn hẳn mức tăng trưởng bình quân của cả nước (22%).

Trong đó, điểm sáng đáng chú ý, tại phía Nam, Cảng nước sâu Gemalink đã được cấp giấy phép khai thác chính thức với năng lực tiếp nhận đồng thời 2 tàu mẹ có tải trọng lên đến 200.000 DWT. Sau 6 tháng vận hành thử nghiệm, cảng đạt sản lượng hơn 300.000 Teu thông qua.

Theo kế hoạch, sản lượng của Gemalink sẽ tiếp tục tăng cao trong 6 tháng cuối năm cùng với nguồn hàng lớn của đối tác trong liên doanh là hãng tàu CMA-CGM, liên minh hàng hải và sự ủng hộ của các hãng tàu hàng đầu khác. Gemalink theo đó giải quyết kịp thời tình trạng tắc nghẽn cầu cảng nghiêm trọng của cụm cảng Cái Mép – Thị Vải.

Đặc biệt, từ mức lỗ hơn 8 tỷ đồng trong quý 2/2020, Kho vận Miền Nam (Sotrans, STG) trong kỳ này báo lãi sau thuế đến 74,5 tỷ đồng. LNST thuộc về công ty mẹ là 70 tỷ đồng, tương đương EPS đạt 716 đồng - Đây cũng là mức lãi ròng theo quý lớn nhất trong vòng 5 năm qua của STG.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, LNST công ty mẹ STG đạt 128,4 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm 2021 lỗ 11 tỷ đồng.

Chủ tịch Hải An (HAH) Võ Ngọc Sơn: Giá cước vận tải vẫn ở mức cao đến cuối năm 2022, doanh nghiệp cảng biển có đủ cơ sở tiếp tục duy trì mức lợi nhuận tốt - Ảnh 2.

Trên thị trường, nhóm cổ phiếu cảng biển HAH, GMD… cũng liên tục bứt phá, thậm chí lội ngược dòng trong khi toàn thị trường chịu áp lực giảm mạnh từ đầu tháng 7/2021 đến nay.

Tri Túc

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên