Ông Hồ Hùng Anh nói gì về việc Techcombank không chia cổ tức, không đua tăng vốn điều lệ?
"Việc tăng vốn điều lệ phụ thuộc vào lộ trình kinh doanh dài hạn. Giá cổ phiếu sau khi chia xong thì tăng nhanh hơn? Tôi không nghĩ vậy".
Sáng nay (23/4), Ngân hàng Techcombank (TCB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.
Bên cạnh câu chuyện cho vay bất động sản, đầu tư trái phiếu, nhiều cổ đông cũng đã đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo ngân hàng về việc Techcombank tiếp tục không chia cổ tức cho cổ đông.
Một cổ đông thắc mắc, lần tăng vốn gần nhất của Techcombank là 2018 và từ đó đến nay không tăng nữa, vậy kế hoạch tăng vốn trong các năm tới như thế nào?
Trong khi đó, một cổ đông khác cho biết, xu hướng 2020-2021 là chia cổ tức bằng cổ phiếu, như VPBank chia luôn 80% năm 2021 và năm nay chia tiếp 50%, thậm chí còn phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, họ sẽ tăng vốn điều lệ lên lớn nhất ngân hàng, thậm chí vượt các ngân hàng quốc doanh. "Nếu chúng ta chia cổ tức bằng cổ phiếu thì chúng ta vẫn giữ lại lợi nhuận, tại sao chúng ta không làm? Vốn điều lệ càng lớn thì uy tín càng lớn. Nếu chia thì vốn điều lệ của chúng ta cũng sẽ không thua VPBank. Thương hiệu của chúng ta cũng nổi bật hơn", vị cổ đông này đặt câu hỏi.
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết, có nhiều luồng ý kiến về việc chia cổ tức, một bên muốn chia cổ tức bằng tiền mặt, một bên muốn chia để tăng vốn.
"Lộ trình chia cổ tức còn phụ thuộc vào lộ trình phát triển của ngân hàng hàng, mang lại lợi ích cho khách hàng và cổ đông dài hạn. Hiện chỉ số ROE (tỉ suất lợi tức trên vốn chủ sở hữu) của TCB ở mức 20%, đó là lợi nhuận rất tốt", ông nói.
Về việc tăng vốn điều lệ, Chủ tịch Techcombank lý giải, hiện nay Ngân hàng Nhà nước hay các tổ chức quốc tế đều đánh giá dựa trên vốn chủ sở hữu của ngân hàng chứ không phải vốn điều lệ, chỉ ngoại trừ một số chỉ số cần theo dõi về vốn điều lệ như mạng lưới, số chi nhánh.
Techcombank sẽ điều chỉnh vốn điều lệ đảm bảo nhu cầu phát triển kinh doanh của ngân hàng. Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu thời điểm này là không cần thiết. Trước đó, năm 2018 Techcombank cũng đã chia tới 200%.
"Giá trị doanh nghiệp vẫn vậy, chia cổ tức bằng cổ phiếu thì sẽ bị pha loãng, thị giá điều chỉnh. Nhiều người nghĩ chia xong thì giá cổ phiếu tăng, nhưng không phải vậy. Tại sao không nghĩ giá cổ phiếu có thể tiếp tục tăng lên 100.000-200.000 đồng/cp. Thậm chí, cổ đông còn phải trả 5% thu nhập cá nhân khi nhận được cổ tức bằng cổ phiếu. Tôi cho rằng như vậy không có lợi cho ngân hàng và cổ đông lúc này", ông Hùng Anh nói tại đại hội.
Chủ tịch Techcombank cũng cho rằng, điều mà ngân hàng cần quan tâm, suy nghĩ là làm gì để thị trường định giá đúng về ngân hàng.
"Cách đây 5 năm, tôi đã nói không chia cổ tức trong 10 năm, nhưng 2017-2019 thì giá trị đã tăng gấp nhiều lần, là chiến lược phù hợp". Còn về việc điều chỉnh vốn điều lệ, tăng vốn từ phát hành cho NĐTNN, ngân hàng sẽ xem xét sao cho hợp lý.
Nhịp sống kinh tế