MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Như So: Dabaco đã “chấm” đối tác chiến lược cùng ngành nhằm phát huy thế mạnh sẵn có, bổ sung khiếm khuyết của tập đoàn

Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Dabaco

Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Dabaco

Chủ tịch Dabaco cho biết, về cơ bản đã chọn được nhà đầu tư chiến lược. ĐHĐCĐ thường niên tới đây dự kiến sẽ hé lộ danh tính và năng lực của đối tác với kỳ vọng sẽ được cổ đông thông qua.

Ngày 27/4 tới đây, CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã DBC) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 với nhiều nội dung quan trọng dự kiến được thảo luận. Trong đó, đáng chú ý nhất là kế hoạch chào bán riêng lẻ 48,4 triệu cổ phiếu (tương đương 20% vốn) cho cổ đông chiến lược. Giá chào bán dự kiến không thấp hơn 28.000 đồng/cp, tương ứng số tiền huy động tối thiểu 1.355 tỷ đồng.

Nguồn vốn huy động sẽ được Dabaco dùng để đầu tư vào khu trang trại sản xuất, kinh doanh giống lợn và chăn nuôi lợn thương phẩm chất lượng cao tại xã Đồng Thịnh, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá (hơn 930 tỷ đồng), trả nợ vay ngân hàng cho Dự án Khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao Dabaco Thanh Hoá tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá (gần 425 tỷ đồng).

Chọn xong đối tác chiến lược, sẽ tiết lộ tại ĐHĐCĐ

Như vậy, sau 28 năm hình thành và phát triển bằng nội lực, Dabaco đã quyết định hợp tác với nhà đầu tư chiến lược để tăng tốc hướng đến mục tiêu doanh thu tỷ USD. Chủ tịch Dabaco Nguyễn Như So cho biết, từng có nhiều nhà đầu tư tìm đến Dabaco từ những năm trước, bao gồm cả trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, thời điểm đó tập đoàn không đặt mục tiêu phát hành cho cổ đông chiến lược. Với năng lực sản suất, kinh nghiệm, khoa học công nghệ và đội ngũ nhân viên, Dabaco nhận thấy khi đó chưa cần đối tác chiến lược mà kết quả vẫn tốt.

5 năm trở lại đây, do quy luật phát triển và cơ cấu xã hội thay đổi, Dabaco bắt đầu có ý tưởng muốn tăng thêm nguồn lực từ bên ngoài, cùng tập đoàn tạo ra sự tăng trưởng mạnh hơn. "Dabaco không thiếu vốn, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược với mong muốn gia tăng thêm hàm lượng trí tuệ, công nghệ", ông So khẳng định.

Theo chia sẻ của ông So, rất nhiều nhà đầu tư từ Nhật, Hàn, Mỹ, Châu Âu và cả trong nước quan tâm đến Dabaco. Tuy nhiên, nhà đầu tư trong nước đòi hỏi nhiều tiêu chí cao như yêu cầu mua 60-70% cổ phần. Điều này không phù hợp với định hướng của Dabaco. Nếu chấp nhận yêu cầu này, Dabaco đã sớm có nhà đầu tư chiến lược từ lâu. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài lại chỉ đầu tư tài chính nhưng Dabaco muốn tìm nhà đầu tư chiến lược cùng ngành, am hiểu về nông nghiệp và chăn nuôi.

"Ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng hiện đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ rất cao chứ không chỉ đơn thuần là câu chuyện nuôi con gà, con lợn như nhiều người lầm tưởng. Các công tác phòng, chống dịch bệnh, nâng cao nâng suất, chất lượng sản phẩm thịt,… đều đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng. Tất cả đều là khoa học và không hề đơn giản", Chủ tịch Dabaco nhấn mạnh.

Ông So cũng cho hay, Dabaco đã chọn được đối tác cùng ngành phù hợp, có thể phát huy những thế mạnh sẵn có của tập đoàn đồng thời bổ sung những khiếm khuyết trong hoạt động, qua đó đẩy năng suất lên mức kỳ vọng. Điều này mới thực sự là mục đích quan trọng nhất của việc phát hành chứ không phải do thiếu vốn. "Về cơ bản, đàm phán giữa 2 bên đã xong. ĐHĐCĐ thường niên tới đây dự kiến sẽ hé lộ danh tính và năng lực của đối tác chiến lược với kỳ vọng sẽ được cổ đông thông qua", Chủ tịch Dabaco chia sẻ.

Kế hoạch 700 tỷ trong tầm tay, chưa cần tính đến vacxin

Ngoài chào bán riêng lẻ, Dabaco còn chào bán cho cổ đông hiện hữu huy động thêm 1.300 tỷ. Chủ tịch Dabaco cho biết, đây cũng là nguyện vọng của cổ đông bởi Dabaco từ khi niêm yết chưa từng chào bán cho cổ đông hiện hữu. Với mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu trước năm 2025, Dabaco muốn sớm tăng vốn để đỡ áp lực về vốn do còn phải đầu tư rất nhiều như Nhà máy dầu, Trại lợn ở Quảng Ninh, Thanh Hoá…

Dabaco có 2 mảng gồm contract farm (thuê người nông dân gia công) và trang trại tập trung. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh rất phức tạp, nếu kết hợp với nông dân sẽ dẫn đến việc phòng dịch khó khăn. Bên cạnh đó, Luật chăn nuôi tháng 1/2025 bắt đầu áp dụng, việc kết hợp với người nông dân ở một số nơi sẽ không còn đáp ứng được quy định trong Luật.

Vì thế, tập đoàn phải đẩy nhanh tiến độ xây các trang trại tập trung. Các dự án đòi hỏi vốn khoảng 800-1.000 tỷ, do đó Dabaco cần huy động một lượng vốn lớn. Các phương án dự trình tại ĐHĐCĐ có thể mang về cho tập đoàn khoảng 2.700 tỷ vốn mới, không quá lớn nếu so với nhu cầu thực. Đây đều là các phương án huy động vốn nhằm phục vụ cho kế hoạch sản suất kinh doanh.

Năm 2024, Dabaco lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu (bao gồm cả doanh thu nội bộ) đạt 25.380 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với thực hiện năm ngoái. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế dự kiến 729,8 tỷ đồng, gấp 29 lần kết quả đạt được năm 2023. Một số nhà đầu tư cho rằng kế hoạch quá tham vọng tuy nhiên ban lãnh đạo Dabaco rất tự tin với mục tiêu đề ra.

photo-1713178018425

"Kế hoạch kinh doanh đã được tính toán kỹ lưỡng và trên quan điểm thận trọng. Nếu tính toán sòng phẳng hơn, con số lợi nhuận thậm chí còn có thể tốt hơn", Chủ tịch Dabaco khẳng định. Tập đoàn xây dựng kế hoạch dựa trên giá lợn khoảng 52.000 đồng/kg tuy nhiên giá bán hiện nay lên đến 58.000-61.000 đồng/kg. Nếu theo giá thị trường, kết quả có thể vượt xa kế hoạch. Tuy nhiên, còn nhiều yếu tố tác động đến kết quả kinh doanh.

Quý 1/2024, tình hình kinh doanh của Dabaco vẫn chịu tác động tiêu cực từ năm ngoái, dịch bệnh dẫn đến không thay thế được đàn lợn nái. Một số đàn còn dây dớt dịch buộc phải thanh lý hết trong quý đầu năm để xử lý dứt điểm. "Lợi nhuận quý 1/2024 khoảng vài chục tỷ, Dabaco sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm. Quý 2 chắc chắn khởi sắc hơn. Nếu không bị dịch bệnh, mỗi tháng Dabaco có thể lãi trăm tỷ", ông So cho biết.

Kế hoạch kinh doanh 2024 của Dabaco chưa tính đến việc thương mại vacxin, dù tiến độ triển khai rất khả quan. Ông So cho biết, Việc bảo vệ ở phía Nhà nước đã xong. Tuy nhiên, còn phải chờ nhà máy đạt tiêu chuẩn đánh giá GMP. Chủ tịch Dabaco cho biết, muộn nhất là đầu quý 3 năm nay sẽ được công bố thương mại.

Thực tế, Vacxin không phải là mảng kỳ vọng mang lại lợi ích kinh tế lớn nhất cho Dabaco nhưng quan trọng hơn là việc đảm bảo sức khoẻ cho đàn lợn của Dabaco cũng như sự phát triển an toàn, bền vững cho ngành chăn nuôi Việt Nam. "Dù kế hoạch kinh doanh không tính đến việc thương mại vacxin nhưng chỉ riêng việc đảm bảo an toàn cho đàn lợn cũng đã giúp Dabaco tiết kiệm được hàng triệu USD", Chủ tịch Dabaco nhấn mạnh.

Hà Linh

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên