Chủ tịch Hiệp hội DNNVV: Mong Chính phủ không ép buộc hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp!
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2019 ngày 23/12, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam đã có một số kiến nghị cho Chính phủ để DNNVV có thể đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế.
- 23-12-2019"Đóng góp của doanh nghiệp với phát triển đất nước chưa xứng với tiềm năng"
- 23-12-2019Doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải có vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng trở lên
- 23-12-2019Có nên thưởng Tết bằng hiện vật?
- 23-12-2019Thủ tướng chủ trì hội nghị với doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Văn Thân, sau hơn 30 năm đổi mới, diện mạo đất nước đã có nhiều thay đổi và tiến bộ. Việt Nam là một trong những quốc gia đã thực hiện khá thành công Chương trình phát triển thiên niên kỷ giai đoạn 2001 – 2015 và đang triển khai thực hiện Chương trình phát triển bền vững giai đoạn 2016 – 2030 – ông nói.
Bất chấp những rào cản của kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng liên tục đạt ở mức hơn 6,7%, (năm 2019 là 6,98%) một mức tăng trưởng cao ở toàn cầu và khu vực, tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Tuy nhiên, ông cũng nói thẳng rằng bên cạnh những kết quả tích cực, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức xuất phát chủ yếu từ những yếu kém nội tại: Năng suất, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam vẫn còn thấp. Trình độ quản trị, hiệu quả kinh doanh, năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ cũng như sự liên kết và tham gia chuỗi giá trị còn hạn chế.
Bên cạnh đó, quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh vẫn còn những bất cập; thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng… còn khó khăn; chi phí về vốn, logistics, thủ tục hành chính còn cao. Tỷ lệ doanh nghiệp so với dân số bình quân còn thấp…
Theo ông, để DNNVV phát huy được tốt nhất những đóng góp cho nền kinh tế, tham gia giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội, Nhà nước cần có sự can thiệp để hỗ trợ sự phát triển của khu vực doanh nghiệp quan trọng này.
Thứ nhất, ông cho rằng để có sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm cả hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh cá thể, trước hết, Nhà nước cần tìm ra các phương thức để thuyết phục người dân và cả những nhà đầu tư tiềm năng rằng thể chế mới là bền vững và mọi khoản đầu tư, mọi doanh nghiệp đều được bảo vệ quyền lợi trước pháp luật.
Nhà nước cần tiếp tục cải cách chính sách một cách quyết liệt hơn sao cho vừa cởi trói cho doanh nghiệp để cạnh tranh và tạo việc làm vừa mang đến cho mọi người mức độ tự do và trách nhiệm cá nhân cao hơn.
Đồng thời, ông Thân nhận định trong điều kiện chưa có Luật riêng về hộ kinh doanh, cũng như chưa đưa các quy định liên quan đến hộ kinh doanh vào trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Chính phủ cần nghiên cứu, trước mắt hoàn thiện khung pháp lý đối với hộ kinh doanh, trên nguyên tắc thừa nhận sự tồn tại của hộ kinh doanh là hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp, không ép buộc hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp.
Theo đó cần cân nhắc nghiên cứu xây dựng một nghị định riêng về hộ kinh doanh, nhằm xác định địa vị pháp lý, điều kiện kinh doanh, cơ chế hỗ trợ, quản trị kế toán theo hướng tinh gọn, bảo đảm khuyến khích… và khi đủ điều kiện sẽ xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh.
"Mặt khác, để khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành mô hình doanh nghiêp, đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV, trong đó có việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp thành lập mới từ hộ, cá nhân kinh doanh và giảm thuế TNDN xuống còn 15 và 17% đối với DNNVV", ông nói.
Thứ hai, ông đề nghị Thủ tướng có giải pháp để chuyển giao một số dịch vụ công từ các Bộ, ngành, địa phương cho các Hiệp hội, qua đó, góp phần làm giảm chi phí của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và cũng là cơ sở, điều kiện để các tổ chức đại diện của cộng đồng DNNVV tự nâng cao năng lực, trách nhiệm của mình, qua đó huy động được các nguồn lực xã hội, góp phần giảm chi phí từ NSNN.
Thứ ba, ông Thân cho biết sau khi Luật Hỗ trợ DNNVV được Quốc hội thông qua cũng như các nghị định, chương trình hỗ trợ được đưa ra cộng đồng doanh nghiệp có kỳ vọng rất lớn. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, doanh nghiệp được thụ hưởng những lợi ích từ Luật và các chương trình hỗ trợ từ Chính phủ lại rất ít.
"Đề nghị Chính phủ cần có sơ kết, đánh giá toàn diện và cụ thể về tính hiệu quả của các chương trình và giải pháp nêu trên đối với cộng đồng các DNNVV trên toàn quốc, từ đó có những điều chỉnh phù hợp, sát đúng với tình hình thực tế, tạo động lực cho doanh nghiệp bứt phá vươn lên". Ông nói.
Thứ tư là về "kinh tế ban đêm". Ông Thân nhận định đây là một xu hướng các nước đang vận dụng, đặc biệt là ở khu vực Châu Á, Việt Nam cũng nên tận dụng thời cơ này.
Chủ tịch Hiệp hội DNNVV đề xuất Thủ tướng chỉ đạo cơ quan chức năng cho nghiên cứu chính thức về "Kinh tế ban đêm" để xác định quy mô và tác động của nó đối với nền kinh tế. Các cấp, các ngành, địa phương cần đổi mới tư duy, hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuôn khổ pháp lý phù hợp.
Việc phát triển tốt "Kinh tế ban đêm" sẽ kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển du lịch, tăng thu nhập cho người dân, ngân sách cho nhà nước – ông nói.