Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí: Không thể nói chúng ta có công nghiệp 3.0, thậm chí bây giờ chưa thoát khỏi công nghiệp 2.0
Nếu đã trải qua cuộc cách mạng công nghệ lần thứ ba, Việt Nam phải tự sản xuất được rất nhiều chủng loại máy móc tự động hóa. Trong khi thực tế không phải vậy.
- 19-10-2017Cựu Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Việt Nam cứ nói nhiều về công nghiệp 4.0, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc mới chỉ nhận họ đang ở kỳ 3.5 mà thôi!
- 15-10-2017Sức ép cạnh tranh từ doanh nghiệp ngoại thời 4.0
Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho rằng Việt Nam vẫn chưa “thoát khỏi” công nghiệp 2.0. Trong khi những năm gần đây, cụm từ “Công nghiệp 4.0” được nhắc đến nhiều thì cần nhìn thẳng vào thực tế.
“Rõ ràng rằng không thể nói chúng ta có công nghiệp 3.0. Bởi vì khi 3.0 thì người ta đã sản xuất ra rất nhiều chủng loại máy tự động hóa. Cho nên phải khẳng định, trải qua cả một quá trình lịch sử phát triển của đất nước, công nghiệp bây giờ chưa thoát khỏi công nghiệp 2.0” – ông Nguyễn Văn Thụ nhận định.
Có hai nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn này: thiếu đầu tư, thiếu thị trường. Theo ông Thụ, nếu những dự án trong nước vẫn tiếp tục được giao cho tổng thầu nước ngoài thì “một cân sắt” cũng không được giao cho doanh nghiệp Việt Nam. Khi không có thị trường, doanh nghiệp sẽ không có động lực đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận những thành tựu đã đạt được của số nhỏ doanh nghiệp lớn trong ngành cơ khí. Ông Thụ cho rằng, sau 15 năm thực hiện Quyết định 186 của Thủ tướng về chiến lược phát triển, ngành cơ khí VN đã có những bước tiến bộ. Đó là việc chế tạo kết cấu thép, thiết bị phi tiêu chuẩn,.. những thứ trước đó phải nhập khẩu.
“Nhìn lại 15 năm, có thể nói ngành cơ khí Việt Nam có những bước tiến bộ về những mặt nhất định. Đó là việc chế tạo kết cấu thép, thiết bị phi tiêu chuẩn. Trước đây, tất cả dạng kết cấu thép, thiết bị phi tiêu chuẩn của các nhà máy công nghiệp, dàn khoan dầu khí, công trình thủy điện, thủy lợi, nhà máy xi măng, hóa chất đều phải mua của nước ngoài... Cùng với đó, chúng ta cũng có tiến bộ rất lớn về việc đóng tàu. Trước đó, tàu 3.000 tấn cũng không đóng nổi. Nay đã đóng được tàu 70.000 tấn, 105.000 tấn. Thậm chí những doanh nghiệp đóng tàu quốc phòng đã xuất khẩu tàu thủy” - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam nêu rõ.
Ông Thụ cho rằng Chính phủ cần xem xét và kiểm điểm lại việc thực hiện Quyết định 186, sớm ban hành định hướng phát triển ngành cơ khí trong thời gian tới. “Một đất nước làm công nghiệp hóa mà không có cơ khí thì làm sao gọi là công nghiệp hóa. Vấn đề là Nhà nước phải nghĩ đến việc xây dựng quy hoạch, có kế hoạch đầu tư để ngành công nghiệp cơ khí có thể khai thác và tự cung cấp một phần” - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam nói.