MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Nguyễn Quốc Hiệp: Giá vật liệu xây dựng “phi mã” khiến nhà thầu lao đao, cạnh tranh gay gắt

14-03-2024 - 10:18 AM | Bất động sản

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Nguyễn Quốc Hiệp: Giá vật liệu xây dựng “phi mã” khiến nhà thầu lao đao, cạnh tranh gay gắt

Tại buổi giao lưu "Cafe nhà thầu xây dựng" diễn ra vào ngày 9/3 vừa qua, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc mà nhà thầu đang gặp phải. Cùng với đó là kiến nghị, đưa ra một số giải pháp để kịp thời tháo gỡ cho ngành xây dựng.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, không chỉ ảnh hưởng "kép" bởi "bão giá" nguyên vật liệu cùng với thị trường bất động sản ảm đạm, các doanh nghiệp ngành xây dựng liên tiếp gặp phải rất nhiều khó khăn, bế tắc. Song, các doanh nghiệp vẫn cho thấy sự nỗ lực, cố gắng khắc phục để tiếp tục triển khai sản xuất kinh doanh, góp phần sớm phục hồi vào nền kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, thực tế khi thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc trong khung khổ pháp lý giữa chủ đầu tư – nhà thầu (hợp đồng xây dựng), trong đó, phần thua thiệt gần như thuộc về phía nhà thầu.

Thấu hiểu nỗi khó khăn và mục đích hướng tới sự phát triển chung của ngành xây dựng, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã tổ chức buổi "Cafe nhà thầu xây dựng" với sự góp mặt của hơn 50 nhà thầu với những tên tuổi lớn như Newtecons,Vinaconex, Phục Hưng, Xuân Mai... mục đích giao lưu, gặp gỡ để trao đổi và chỉ ra các vấn đề bất cập mà ngành xây dựng đang phải đối mặt. Từ đó, khẩn trương đưa ra các kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ. 

Khái quát loạt vấn đề được các doanh nghiệp nhà thầu nêu ra, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đưa ra 4 vấn đề lớn các nhà thầu hiện đang phải đối mặt.

Ông Hiệp cho biết, vấn đề thứ nhất là giá nguyên vật liệu tăng quá mạnh gây nên sự cạnh trạnh không lành mạnh giữa các nhà thầu hiện nay. Nguyên nhân được cho là bởi thị trường quá căng thẳng, khó khăn trong công ăn việc làm dẫn đến có những gói thầu giảm đến 75%, khiến bản thân công trình cũng không được đảm bảo chất lượng tốt nhất.

Bởi lẽ, khi nguồn tiền không đủ, giá cũng không đủ đương nhiên là phải ăn bớt. Hơn nữa, Việt Nam lại chưa có quy định rõ ràng về chống cạnh tranh, phá giá. Có những trường hợp đấu thầu bắt tay nhau dẫn đến vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nhìn nhận từ phía nhà thầu, họ cũng đang rất cố gắng để có nguồn thu, tạo công ăn công việc làm cho cán bộ, công nhân viên, ông Hiệp giải thích thêm.

Vấn đề thứ hai là về thanh toán, đảm bảo các định mức, đơn giá xây dựng. Tuy nhà nước đã có động thái bắt đầu điều chỉnh đơn giá nhưng vẫn còn đang chậm, chưa đầy đủ, rất nhiều trường hợp không có đơn giá định mức hợp lý. Hoặc sự điều chỉnh giá vẫn chưa phản ánh đúng diễn biến thị trường, gây khó khăn cho nhà thầu hoặc chủ đầu tư trong việc điều chỉnh giá hợp đồng do trượt giá. 

Đặc biệt, tiền lương cũng là vấn đề rất bất hợp lý. Thực tế, người lao động tại các công trình, dự án đang nhận mức lương thấp hơn rất nhiều so với số tiền họ có thể kiếm được tại quê nhà. Trong bối cảnh hiện nay, các khu công nghiệp nở rộ, người lao động thay vì "tha hương cầu thực", họ có thể lựa chọn sinh sống và làm việc tại địa phương với mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng. Với mức tiền này, người lao động vẫn đủ trang trải cho cuộc sống. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, nhà thầu có thể thiếu hụt nguồn cung lao động trong tương lai.

Vấn đề thứ ba là về đào tạo nguồn nhân lực. Ông Hiệp có chia sẻ rằng, cơ cấu ngành xây dựng thực sự không ổn định vì thường phải theo thời vụ, theo các công trình, dự án. Cốt lõi của ngành xây dựng muốn phát triển thì phải làm chủ được cả công nghệ kỹ thuật. Ví dụ, tại dự án sân bay Long Thành chỉ có 48% là người Việt Nam làm, chỉ bao gồm các công việc cơ bản như san nền, các công việc thổ công, thổ mộc,… Còn những công việc đòi hỏi kỹ thuật cao hơn ví dụ như xây lắp dựng, hàn,…thì toàn là thuê thợ nước ngoài. Đấy cũng là một khó khăn cho ngành xây dựng vì chúng ta không đủ đội ngũ công nhân kỹ thuật có tay nghề, nên là dẫn đến chúng ta "thua ngay trên sân nhà". Những gói thầu lớn như vậy lại do nước ngoài đảm nhiệm chủ yếu. Cho nên một trong những vấn đề về đào tạo nhân lực có tay nghề cũng là điểm yếu của các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam.

"Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam có điểm hạn chế là vốn nhỏ, từ vốn nhỏ đấy mà tổ chức các trường lớp đào tạo rất là khó. Thế nên chúng tôi có ý định kết hợp với Tổng cục dạy nghề để tổ chức các chương trình đào tạo, dạy nghề, bổ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Và cũng khuyến khích các doanh nghiệp lớn là nên tổ chức các trường đào tạo, sau đó là cung cấp lại lao động cho các doanh nghiệp nhỏ. Có như vậy, chúng ta mới có đội ngũ công nhân xây dựng lành nghề hơn, chuyên nghiệp hơn và đặc biệt là làm chủ được kỹ thuật", ông Hiệp kiến nghị.

Nói thêm về chất lượng của nguồn lao động Việt Nam hiện nay, ông Hiệp cho biết: "Nếu như nói về kỹ thuật của ngành xây dựng thì chúng ta rất phát triển, tiến rất xa trong khoảng 15 năm trở lại đây. Trước kia, chúng ta làm được cái nhà 10 tầng đã rất khó khăn, nhưng giờ làm nhà 40-50 tầng là chuyện bình thường. Thậm chí với toà Landmark 81, chúng ta đã tự chủ trong tất cả việc quản lý. Đấy chính là tiến bộ vượt bậc của ngành xây dựng."

Rõ ràng, năng lực của công nhân, kỹ sư cán bộ kỹ sư của Việt Nam là rất tốt, nhưng rất hiếm có một môi trường "đủ tốt" để cho họ phát huy, phát triển. Chính vì vậy lực lượng lao động đang bị hạn chế bởi yếu tố nền tảng, cơ sở. Đó cũng là nguyên nhân vì sao những lao động có tay nghề cao tồn tại rất ít ở ngành xây dựng tại Việt Nam.

Một trong những nội dung quan trọng khác được ông Hiệp đề cập đến, đó là trong năm 2024, Hiệp hội sẽ tiến hành lập danh sách đen các nhà đầu tư mà không có trách nhiệm cho công tác thanh toán nhằm quyết liệt bảo vệ quyền lợi các nhà thầu.

Bỡi lẽ, có một thực trạng rất hay diễn ra, đó là chủ đầu tư không thanh toán cho nhà thầu chính, nhà thầu chính không thanh toán cho nhà thầu phụ, nhà thầu phụ không thanh toán cho nhà cung cấp vật liệu. Điều này là nguyên nhân chính dẫn đến nợ đọng, nợ dây chuyền. Vì vậy, nhà thầu chính cần nghiêm chỉnh từ đầu, không được nợ nần. Đồng thời, nhà đầu tư phải nghiêm túc thì nhà thầu cũng sẽ nghiêm chỉnh, ông Hiệp nhấn mạnh.

Năm 2024, những tín hiệu lạc quan từ thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ thúc đẩy ngành xây dựng có những chuyển biến tích cực hơn. Đây cũng là động lực quan trọng giúp thanh khoản thị trường bất động sản nhanh chóng phục hồi. Khi đó, các giao dịch sẽ được thiết lập, doanh nghiệp bất động sản có khả năng thanh toán, đồng thời các nhà thầu xây dựng cũng có cơ hội được giải quyết nợ đọng. Bên cạnh đó, thông tin nhiều công trình hạ tầng lớn, dự án quy mô được xúc tiến khởi công, triển khai xây dựng trong năm nay cũng bảo đảm công việc dồi dào cho các doanh nghiệp xây dựng. 

Thông qua buổi hội nghị, ông Hiệp cho biết cũng đang kiến nghị, đề xuất các vấn đề nhức nhối trên với Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời làm việc, phối hợp cùng các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ để có tiếng nói của ngành xây dựng, làm sao để phát triển ngành xây dựng đi lên. Đấy cũng là cái mong muốn nhất của Hiệp hội.


Lê Na

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên