MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô: Cần giảm đi một số ràng buộc để taxi truyền thống cạnh tranh với Uber, Grab

Đây là kiến nghị của ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhằm tạo nên môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh cho thị trường taxi hiện nay.

Đồng tình với ý kiến trong văn bản trả lời của Thủ tướng mới đây, Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cũng cho rằng Uber hay Grab là “mô hình rất hay”. Dù nhiều hãng taxi truyền thống cạnh tranh nhau rất quyết liệt trong nhiều năm, nhưng chưa có một phương thức nào ưu việt và có khả năng cạnh tranh tốt hơn như Uber, Grab.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay đối với cơ quan quản lý nhà nước là tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh để taxi truyền thống, Uber và Grab cùng tồn tại và cạnh tranh với nhau.

Chủ tịch VATA đưa ra 2 kiến nghị: Thứ nhất, nhà nước cần xem xét kỹ chính sách thuế đối với loại hình ứng dụng công nghệ như Uber, Grab. Thứ hai, nhà nước cần giảm bớt một số ràng buộc (quy định hạn nghạch xe, bị cấm lưu thông trên một số truyến đường,...) để taxi truyền thống cạnh tranh với Uber, Grab.

Bên cạnh đó, ông Thanh đề nghị cơ quan quản lý phải thực hiện nghiêm việc đăng ký, cấp phù hiệu, logo, tên, địa chỉ doanh nghiệp dán ở hai bên cửa xe đúng như xe kinh doanh theo quy định về xe hợp đồng.

Trước đó, vấn đề gắn phù hiệu cho xe hợp đồng sử dụng ứng dung Uber, Grab và cấm lưu thông trong một số tuyến phố như đối với taxi đã được HĐND thành phố Hà Nội nêu trong nghị quyết về quản lý phương tiện giao thông giai đoạn 2017-2030.

Bà Nguyễn Thu An, Giám đốc Truyền thông Grab Việt Nam chia sẻ mong muốn rằng việc cụ thể hóa nội dung Nghị quyết cần theo hướng phát huy giá trị tích cực của xe hợp đồng điện tử, xuất phát từ lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích của xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội về việc thử nghiệm phương thức kinh doanh chở khách của Grab và Uber. Văn bản nêu rõ, đây là quy luật tất yếu mang tính tích cực theo hướng đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân với chi phí cho các chuyến đi phù hợp hơn,…

Theo văn bản trên, có 7 đơn vị của Việt Nam đang cùng tham gia cung ứng dịch vụ tương tự như Grab và Uber. Cụ thể: Taxi Vinasun (V.Car), Taxi Thành Công (Thanh Cong Car), Sun Taxi (S.Car), Taxi Vic (Vic.Car), Công ty Cổ phần Hợp tác đầu tư và Phát triển (Home Car), Taxi Mai Linh (M.car), Công ty TNHH thương mại và dịch Linh Trang (Taxi Long Biên; LB.car).

“Điều này cho thấy sự thay đổi tích cực trong các doanh nghiệp vận tải và công nghệ của Việt Nam khi Chính phủ cho phép thí điểm, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp của Việt Nam đã và đang không ngừng đổi mới, chủ động nghiên cứu tiếp cận và làm chủ các ứng dụng, cạnh tranh bình đẳng với các công ty nước ngoài” – văn bản trả lời của Thủ tướng ghi rõ.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên