Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu: Nên lùi việc hạ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của ngân hàng thêm 1 năm
Ông Châu cho rằng, hiện tất cả các ngành nghề như cùng ngồi trên một con tàu đi trong bão tố, chỉ có tất cả đồng lòng và đoàn kết thì mới có thể vượt qua khó khó khăn. Các ngành nghề, đặc biệt là ngân hàng nên có sự san sẻ với nền kinh tế.
- 21-07-2023VDSC: 3 yếu tố có thể tăng áp lực lên tỷ giá nửa cuối năm 2023
- 21-07-2023Các “ông lớn” ngân hàng vừa giảm tiếp lãi suất huy động
- 21-07-2023Bộ Chính trị yêu cầu có giải pháp cho trái phiếu DN, bất động sản, chứng khoán
Tại Diễn đàn Kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2023 "Vượt gian khó đón tương lai" do Đại học Ngân hàng TP.HCM tổ chức mới đây, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, song áp lực đã giảm bớt so với quý I/2023. Các số liệu cho thấy vẫn có những tín hiệu kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục trong 6 tháng cuối năm nay. Theo đó, khó khăn lớn nhất cần được tháo gỡ hiện nay của thị trường bất động sản là các vấn đề pháp lý; theo sau là các rào cản trong việc tiếp cận vốn tín dụng và khả năng huy động vốn dài hạn từ nguồn trái phiếu doanh nghiệp, quỹ đầu tư.
Cụ thể, riêng khu vực phía Nam đã có hơn 150 dự án bị tạm dừng vì vướng mắc pháp lý và có hơn 180 đề xuất được hỗ trợ tháo gỡ khó khăn. Từ tháng 11/2022 đến nay, HoREA xác định có hơn 70% khó khăn trên thị trường là ở vấn đề pháp lý.
Về khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, ông Châu cho biết, hiện có một số rào cản như gói ưu đãi lãi suất 120.000 tỷ mua nhà ở xã hội vẫn chưa đủ hấp dẫn đối với đại bộ phận người mua; một số thông tư vừa được ban hành đang không đồng nhất với một số văn bản quy phạm pháp luật khác, gây khó khăn cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn; việc hạ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn còn 30% từ ngày 01/10/2023 chưa phù hợp với tình hình kinh tế khó khăn như hiện tại, nên dời lại ít nhất 1 năm.
Chủ tịch HoREA thông tin thêm, hiện việc tiếp cận vốn dài hạn của các doanh nghiệp bất động sản đang rất khó. Đặc biệt là việc là tiếp cận vốn của các quỹ đầu tư vào thị trường địa ốc. Theo đó, hiện Việt Nam chỉ có duy nhất một quỹ đầu tư tín thác bất động sản. Quy mô vốn của đơn vị này chỉ khoảng 50 tỷ đồng, khá thấp so với tiêu chuẩn chung. Do đó, cần phải phát triển thêm các quỹ nội địa đủ sức cạnh tranh với các quỹ đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, việc thành lập sàn trái phiếu riêng lẻ như vừa qua là một bước đi đáng hoan nghênh, vì giờ đây nhà đầu tư không còn phải phụ thuộc vào thiện chí của đơn vị phát hành. Động thái này đã góp phần cải thiện sự minh bạch cho thị trường và nối lại một kênh huy động vốn dài hạn cho các doanh nghiệp nói chung và ngành bất động sản nói riêng.
“Nhìn chung, thị trường bất động sản đang rất khó khăn, nhưng vẫn có triển vọng phục hồi. Vì vậy tôi mong, bên cạnh chính sách tài khóa, nhà nước còn thúc đẩy hoàn thiện các cơ chế chính sách và ngành ngân hàng cũng chung tay hỗ trợ thị trường bất động sản và người mua nhà, đặc biệt là người mua ngôi nhà đầu tiên. Về vấn đề số hóa, với riêng ngành bất động sản, tôi kỳ vọng sẽ sớm được ứng dụng công nghệ blockchain để hạn chế các gian lận; chính phủ điện tử, vấn đề định danh cá nhân sớm được hoàn thiện để có thể cải thiện độ minh bạch của thị trường”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.
Chủ tịch HoREA nói thêm, hiện tất cả các ngành nghề như cùng ngồi trên một con tàu đi trong bão tố, chỉ có tất cả đồng lòng và đoàn kết thì mới có thể vượt qua khó khó khăn. Các ngành nghề, đặc biệt là ngân hàng nên có sự san sẻ với nền kinh tế.
Nhịp sống kinh tế