Chủ tịch Kiên Giang nêu lý do Phú Quốc, Rạch Giá ngập sâu
Lý do Phú Quốc và Rạch Giá ngập sâu khi mưa lớn ít ngày trước, theo Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, do hệ thống thoát nước chưa đồng bộ, xuống cấp và chưa theo kịp sự phát triển, rác bịt miệng thu nước gây cản trở dòng chảy.
Ngày 18/7, tại Kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Kiên Giang , ông Lâm Minh Thành – Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã báo cáo, làm rõ thêm một số vấn đề cử tri, đại biểu quan tâm. Trong đó, có vấn đề ngập sau mưa lớn tại Phú Quốc và Rạch Giá.
Cụ thể sáng 11/7, TP. Rạch Giá ghi nhận mưa liên tục khoảng 2 tiếng, triều cường ở mức thấp, nhưng xảy ra tình trạng ngập một số nơi. Tương tự, mưa kéo dài vào đêm 13 và sáng 14/7 cũng khiến một số nơi ở Phú Quốc ngập sâu.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo ông Thành, do hệ thống hạ tầng thoát nước chưa đồng bộ, cũ, xuống cấp. Trong khi công tác vệ sinh môi trường, nạo vét, khơi thông cống rãnh trước mùa mưa chưa chủ động. Việc quản lý quy hoạch và đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa theo kịp sự phát triển… Ngoài ra, ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, bỏ rác không đúng nơi quy định làm bịt miệng thu nước, hố ga, gây cản trở dòng chảy.
Về giải pháp trong thời gian tới, người đứng đầu UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, đã chỉ đạo UBND TP. Rạch Giá và Phú Quốc tăng cường quản lý đô thị, vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh; cải tạo ngay các đoạn, tuyến cống thường ngập cục bộ.
“Kiên Giang cạnh cửa sông, mực nước thấp lại để ngập như vậy không được. Tỉnh ghi nhận và sẽ có đánh giá, rà soát lại mạng lưới chống ngập. Tôi đã chỉ đạo Rạch Giá, Phú Quốc khắc phục sớm, vì mùa mưa còn kéo dài, cường độ mưa ngày càng lớn, nếu không khắc phục sớm khả năng sẽ ngập sâu, gây ảnh hưởng đến tài sản, cuộc sống người dân”, ông Thành nói.
Cùng ngày, Kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Kiên Giang đã bế mạc. Phát biểu bế mạc kỳ họp, ông Mai Văn Huỳnh - Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang yêu cầu các cấp ngành, địa phương nghiêm túc và có biện pháp, giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được HĐND thảo luận tại kỳ họp.
Ông Huỳnh dẫn công tác giải phóng mặt bằng, xác định giá đất chậm và còn nhiều khó khăn. Tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài giảm chưa nhiều. Việc lấn chiếm, phá rừng còn xảy ra. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một số cơ quan, địa phương chậm nâng lên; xây dựng kế hoạch thực hiện còn chung chung...
“Trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp có mặt thiếu quyết liệt, chưa kịp thời kiểm tra, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh. Sự phối hợp giữa các cấp ngành chưa chặt chẽ; chậm khắc phục việc né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm ”, ông Huỳnh nói.
Tiền phong