Chủ tịch Nam Long (NLG) – ông Nguyễn Xuân Quang: Tại Tp.HCM có thể nói là đã "tuyệt chủng" nhà ở giá rẻ!
Bất chấp đại dịch, thống kê của các đơn vị trong ngành cho thấy thực tế giá bất động sản hầu hết đều tăng thời gian qua, chỉ khác mức độ tăng cao hay thấp tùy thuộc từng phân khúc.
Đánh giá về thị trường nhà ở vừa túi tiền ở Tp.HCM tại buổi họp mặt cổ đông, nhà đầu tư chiều ngày 24/4/2021, Chủ tịch Đầu tư Nam Long (NLG) cho biết: Ở Tp.HCM, có thể nói là "tuyệt chủng" nhà ở giá rẻ. Bất chấp đại dịch, thống kê của các đơn vị trong ngành cho thấy thực tế giá bất động sản hầu hết đều tăng thời gian qua, chỉ khác mức độ tăng cao hay thấp tùy thuộc từng phân khúc.
Báo cáo từ Bộ Xây dựng trong quý 4/2020 cũng ghi nhận, giá bình quân căn hộ chung cư tại Hà Nội tăng khoảng 2-3% và tại Tp.HCM tăng từ 3-4% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, hiện nay trên thị trường dự án chung cư có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 rất khan hiếm, riêng ở Tp.HCM hình gần như hoàn toàn "vắng bóng".
Mặt khác, số căn hộ được thông báo đủ điều kiện bán hình thành trong tương lai năm 2020 là 322 dự án nhà ở với 110.181 căn hộ, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2019. Con số này thể hiện nguồn cung bổ sung và chuyển tiếp sang năm 2021 đã được cải thiện đáng kể.
Với các luận điểm trên, giới chuyên gia dự báo giá nhà vẫn tiếp tục tăng khi chu kỳ tăng trưởng của thị trường chưa kết thúc. Riêng năm 2021, giá nhà sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2020.
Dù vậy, theo ông Quang, nhìn thêm góc độ khác, nhu cầu nhà ở hiện cũng rất lớn, các đợt mở bán của NLG đều nhận được quan tâm, khách hàng xếp hàng để mua ở các dự án như Ehome, Ehome S.
Ngoài ra, bản thân Chính phủ cũng muốn phát triển hơn phân khúc này. Về ý chí, Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Xây dựng, Bộ tài chính, Bộ Tài nguyên Môi trường xây dựng chính sách để hỗ trợ xây dựng nhà thương mại giá rẻ, dù cần thêm thời gian để hiện thực hoá. Trong đó, NLG theo vị này đã có kinh nghiệm phát triển phân khúc này, các đối tác Nhật Bản cũng ủng hộ. Như vậy, NLG vẫn sẽ phát triển sản phẩm phân khúc này ít nhất 10-20 năm nữa.
Nhìn lại năm 2020, đánh giá chung điều đầu tiên theo đại diện NLG là tất cả nguồn cung bất động sản đều giảm, đặc biệt tại Tp.HCM. Xu hướng hiện nay các nhà phát triển bất động sản lại rời Hà Nội, Tp.HCM để đi sang các vùng lân cận, ví dụ Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận…
Ngoài ra, năm 2020 theo vị này toàn ngành còn đối mặt với khó khăn của hành lang pháp lý, trong đó có những vấn đề chồng chéo dẫn đến các rủi ro thanh tra… nhìn chung chính sách ngày càng thắt chặt. Dù vậy, năm qua NLG cũng đã triển khai được 3 dự án tiêu biểu, gồm (Waterpoint GĐ1 - 165ha), Mizuki (26ha) và Akari (Bình Tân).
Lên kế hoạch cho năm 2021, tại sản phẩm nhà ở, Công ty dự kiến phát triển thêm các phân khúc mới tại các quận ưu tiên của vùng Tp.HCM, bên cạnh các dòng sản phẩm quen thuộc như EHome, Flora, Valora. NLG cũng mở rộng địa bàn ra Hà Nội và các đô thị cấp 2 có tiềm năng phát triển.
Song song, NLG cũng tập trung phát triển các khu đô thị (KDT) tích hợp như Southgate (Waterpoint GĐ1 - 165ha), Mizuki (26ha), Izumi City (Waterpoint – 190ha), Akari, Nam Long – Cần Thơ (43ha)… chuyển đổi NLG từ đơn vị phát triển nhà ở vừa túi tiền sang nhà phát triển KDT phức hợp.
Trong đó, tình trạng pháp lý sắp tới ông Quang kỳ vọng sẽ cải thiện. "Các sở ban ngành Tp.HCM cũng đã nỗ lực tháo gỡ cho doanh nghiệp. Cụ thể việc ngày mai (25/4) NLG mở bán 700 căn hộ Mizuki đã đủ pháp lý cho thấy có dấu hiệu cởi mở hơn", phía NLG nói thêm.
Dài hơi, định hướng Tập đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh mảng cốt lõi là phát triển quỹ đất và nhà ở, dự kiến gia tăng hiệu quả kinh doanh thông qua chiến lược 3/5/10 – vừa có kế hoạch tổng thể vừa có tham vọng ở ngắn, trung và dài hạn.
Mục tiêu ngắn hạn 3 năm NLG dự kiến tăng trưởng doanh số bình quân 85%/năm, doanh thu tương ứng tăng 72%/năm ở 2 mảng cốt lõi nói trên, lợi nhuận thuần tương ứng tăng 32%/năm.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị