MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch nước: "Phải bơm tiền ra nền kinh tế, giải quyết lao động phục vụ tăng trưởng"

04-01-2022 - 21:44 PM | Tài chính - ngân hàng

Chiều 4/1, thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sự cần thiết phải có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội.

Chiều 4/1, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thảo luận tại tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Quốc hội chuẩn bị khá kỹ và toàn diện. Đặc biệt không chỉ là mục tiêu, giải pháp mà còn những phương án huy động nguồn lực để thực hiện sự hỗ trợ này.

"Nhiều nước đã rất mạnh tay tăng chi ngân sách cho phục hồi kinh tế. Chúng ta phải chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách và tín dụng tăng trong tầm kiểm soát. Phải bơm tiền ra nền kinh tế, giải quyết lao động phục vụ tăng trưởng"- Chủ tịch nước cho hay.

Chỉ đưa tiền ra mà không quản lý thì hậu quả nghiêm trọng trong sách tài khóa

Theo Chủ tịch nước, hiện sức cầu của nền kinh tế còn yếu, vì vậy chúng ta phải tăng tổng cầu, nhất là những khu vực ảnh hưởng bị dịch bệnh, những đối tượng hỗ trợ gặp khó khăn, nhất là người nghèo, công nhân.

Chủ tịch nước đồng ý với đề xuất trong tờ trình về tăng bội chi, vay quỹ dự trữ nguồn hối, phát hành trái phiếu, hỗ trợ thuê tiền nhà trọ cho người lao động, giảm thuế, phí, giảm trừ thu nhập chịu thuế cho doanh nghiệp, đặc biệt là bố trí vốn NSNN, tăng vốn điều lệ...  Cùng với tăng tín dụng, giảm lãi suất tiền tệ mới tạo nên một khối lượng cần thiết để thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Những chủ trương như vậy rất cần thiết trong lúc này, để thúc đẩy kinh tế xã hội đất nước phát triển, nhằm phục hồi tăng trưởng, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII ở nước ta.

Chủ tịch nước cho rằng, so với các nước, gói hỗ trợ tài khóa của nước ta còn rất nhỏ nhưng gói hỗ trợ này là mức tối thiểu cần thiết. "Chúng ta không phải quá lo lạm phát mà không có gói hỗ trợ. Nếu gói hỗ trợ lớn hơn thì cần phải kiểm soát tốt hơn"- Chủ tịch nước cho hay.

Đặc biệt, những hỗ trợ cho người lao động ở các khu vực bị ảnh hưởng cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện để đến được tay người dân, doanh nghiệp; tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Cần thiết kế lại cơ chế khuyến khích và thủ tục tiếp nhận gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, tín dụng cho doanh nghiệp và người dân để họ tiếp cận cách nhanh nhất, thuận tiện nhất, chống tham ô, lãng phí tốt nhất.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu trong quá trình tài trợ gói tài khóa, tiền tệ, để hỗ trợ Chương trình phát triển kinh tế xã hội phải nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cả lượng và chất, năng suất lao động, những giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tốt hơn, mạnh hơn. Đặc biệt là vấn đề lao động, việc làm, đào tạo nghề phải được giải quyết tổng thể, có kết quả cụ thể.

"Tôi đề nghị bổ sung nhóm giải pháp làm tăng hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, đảm bảo thu ngân sách nhà nước bền vững hơn. Tăng tính minh bạch, công bằng, tăng vai trò điều tiết công cụ thuế… Những vấn đề đó phải là hệ thống giải pháp, tránh tình trạng chỉ đưa tiền ra mà không có biện pháp quản lý thì hậu quả nghiêm trọng trong sách tài khóa, tiền tệ"- Chủ tịch nước nêu rõ.

Chủ tịch nước cũng đề nghị cần thực sự đặt trọng tâm ưu tiên hoàn thiện thể chế pháp luật, cơ chế chính sách và tăng nguồn lực đầu tư lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội. Cần có chính sách đột phá cho khoa học công nghệ. Bởi hiện nay mức chi cho KHCN của Việt Nam chỉ 0,5% GDP trong khi nhiều nước ở mức từ 2-4% GDP. "Tôi rất mong trong chính sách đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chúng ta phải tính toán để một quốc gia khởi nghiệp thực sự trong phát triển"- Chủ tịch nước chia sẻ.

Cũng theo Chủ tịch nước, cần nghiên cứu, đề xuất các chính sách xác định mức chi ngân sách nhà nước tối thiểu hàng năm dành cho y tế nhằm nâng cao năng lực của hệ thống y tế theo hướng thách thức mới và chăm sóc sức khỏe, nhất là y tế cơ sở.

Ngoài ra, một giải pháp tổng thể cần nghiên cứu là yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương rà lại từng dự án đang vướng mắc, nhất dự án lớn, ưu tiên dự án có quy mô lớn, đối tác lớn để thúc đẩy, triển khai mạnh mẽ.

Cần tính toán trên mặt bằng tổng thể, nhằm đảm bảo cân đối việc thu chi ngân sách

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) cũng nhất trí với báo cáo của Ủy ban kinh tế. Đại biểu cho rằng, gói này được đưa ra tại Kỳ họp bất thường nên cần phải có sự tính toán trên mặt bằng tổng thể, nhằm đảm bảo cân đối với việc thu chi ngân sách, đề nghị Chính phủ làm rõ thêm về tính hiệu quả của Chương trình.

"Tiền chi cho Chương trình phục hồi kinh tế là 46.000 tỷ trong đó có 10.000 tỷ đồng từ các quỹ khác. Các Quỹ này cần tính toán kỹ càng và xem tính khả thi thu được từ các Quỹ này. Đồng thời, việc chi cho Quỹ này như thế nào cũng cần có những quy định rõ ràng. Đồng thời, sau khi tính toán như vậy, về mặt tổng thể, cần tính toán để hỗ trợ giai đoạn 2022-2023, tất cả việc thu chi, cân đối vĩ mô, lạm phát, nợ xấu, dự báo những vấn đề nếu như đầu tư vào các gói theo nội dung của tờ trình thì khả năng, giả thuyết đặt ra với những con số cụ thể như thế nào"- đại biểu Nguyễn Minh Đức đề xuất.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, về chi trực tiếp NSNN cho phát triển, hỗ trợ phòng chống dịch,... rõ ràng đây là nội dung rất lớn, cần rà soát từng đối tượng, kể cả đối tượng phòng chống dịch. Bởi công tác phòng chồng dịch vừa qua xảy ra nhiều vấn đề vượt quá hành lang pháp lý mà bắt buộc các cơ quan chức năng buộc phải xử lý. Vì vậy, gói hỗ trợ ưu tiên cho lĩnh vực phòng chống dịch, an sinh xã hội, đặc biệt là y tế cần tính toán đầu tư rõ ràng.

Vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cần quy định rõ đối tượng nào cần được ưu tiên do ảnh hưởng lớn nhất của đại dịch Covid-19. Nếu đưa kịch bản dịch vẫn còn kéo dài, thì vẫn lĩnh vực đó, doạnh nghiệp đó họ không được hỗ trợ từ phía Nhà nước về phí thuế, vốn, lãi suất ngân hàng, đầu ra cho sản phẩm thì sẽ như thế nào, rõ ràng phải có kịch bảnvà phải được tính toán, ưu tiên, tránh dẫn đến sự đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức cũng cho rằng, phải đảm bảo tính thực tế, tránh dàn trải, đúng quy định của Luật Đầu tư công, tránh tình trạng thiếu thực tiễn không thì khó có thể triển khai, dẫn đến hậu quả nếu quy định chặt quá, gói hỗ trợ đó hỗ trợ không được triển khai nhanh chóng. Đồng thời cũng cần tính toán kịch bản nợ xấu, xác định rõ, dự báo lĩnh vực nào có nguy cơ xảy ra nợ xấu, từ đó đặt ra giả thuyết, xây dựng hàng rào kỹ thuật cho vấn đề phòng chống nợ xấu.

Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Đại biểu Gia Lai) quan tâm nhóm nhiệm vụ giải pháp, cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh. Theo đại biểu, với nhóm giải pháp này không chỉ phục vụ cho gói tài chính tiền tệ để phục hồi phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023, mà có ảnh hưởng sâu rộng hơn giai đoạn tiếp theo từ sau năm 2024, vì vậy cần quan tậm đến giải pháp này. "Chúng ta đưa vào lượng tiền lớn nhưng chưa có giải pháp làm rõ giải pháp nguồn thu, tạo nguồn thu để bù đắp cho giai đoạn sau. Tôi đề nghị cần quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế, sửa đổi bổ sung 1 số bộ Luật để tạo nguồn thu trong đó có các Luật về thuế, kể cả thuế tiêu thụ đặc biệt, quản lý thuế... để xử lý không chỉ ngắn hạn mà dài hạn trong 5 năm tới"- đại biểu Lê Hoàng Anh nêu ý kiến./.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023 như sau: (1) Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60.000 tỷ đồng); (2) Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53,15 nghìn tỷ đồng); (3) Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110.000 tỷ đồng); (4) Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113,85 nghìn tỷ đồng); (5) Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài NSNN khoảng 10.000 tỷ đồng.

Theo Minh Khánh

VOV.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên