MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch nước và vị thế Việt Nam

30-05-2016 - 11:24 AM | Xã hội

Chuyến thăm của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Obama tới Việt Nam tuần qua thu hút sự chú ý đặc biệt của công luận trong nước cũng như quốc tế. Ít có cuộc viếng thăm nào được truyền thông săn đón đến như vậy. Tin tức, hình ảnh liên tục được cập nhật, tràn ngập trên các báo, các kênh truyền hình.

Đây cũng là lần đầu tiên một Tổng thống Hoa Kỳ gặp cả bốn lãnh đạo cao nhất của Việt Nam: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội. Việc đi thăm Nhà sàn Bác Hồ ngay sau lễ đón tại Phủ Chủ tịch do Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì, thể hiện sự tôn kính, trân trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh của Tổng thống Obama.

Điều này thể hiện ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm chính thức cũng như tầm quan trọng ngày càng lớn của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đối với hai nước cũng như khu vực. Sự chân tình, thẳng thắn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc hội đàm tại phòng Bầu dục của Nhà Trắng đã được Tổng thống Obama đón nhận và quyết định sang thăm Việt Nam.

Và trong chuyến thăm lịch sử vừa kết thúc tốt đẹp tuần qua, một lần nữa sự chân tình, thẳng thắn của lãnh đạo hai nước lại được thể hiện.Người đại diện cho Việt Nam, chủ trì việc đón tiếp, hội đàm là tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Còn nhớ, 50 ngày trước, ông Trần Đại Quang đã được đại biểu Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước với số phiếu bầu rất cao và lần đầu tiên tuyên thệ nhậm chức trước quốc dân đồng bào.

Và hôm nay, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đại diện cho đất nước đón tiếp, hội đàm, bàn thảo chân tình, thẳng thắn về những vấn đề lớn của quan hệ Việt Nam -Hoa Kỳ với người đứng đầu quốc gia được mệnh danh là “siêu cường’ của thế giới.

Cuộc ra mắt chân tình, thẳng thắn, đĩnh đạc và thân thiện của nguyên thủ hai nước trước truyền thông trong và ngoài nước thực sự gây được những ấn tượng tốt đẹp. Trong đó, đặc biệt quan trọng là tuyên bố mang tính lịch sử, Hoa Kỳ xóa bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Như Tổng thống Obama đã nhấn mạnh, “quyết định bỏ lệnh cấm bán vũ khí nhằm mục đích thay đổi bản chất quan hệ hợp tác giữa hai nước, chúng ta sẽ bình thường hóa hoàn toàn quan hệ”.

Động thái này được đánh giá là dấu mốc rất quan trọng cho quá trình bình thường hoá quan hệ giữa hai nước. Nó cũng khẳng định giữa Hoa Kỳ và Việt Nam không còn mâu thuẫn lợi ích chiến lược, mà ngược lại, có sự tương đồng rộng lớn về lợi ích chiến lược.


Cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Barack Obama

Cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Barack Obama

Và Chủ tịch nước Trần Đại Quang được truyền thông quốc tế lớn đánh giá đã nắm bắt cơ hội để đưa quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ sang một kỷ nguyên mới. Chủ tịch nước Trần Đại Quang ca ngợi việc mở rộng quan hệ hợp tác thương mại và an ninh giữa “những kẻ thù cũ đã trở thành bạn” và kêu gọi Mỹ đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam. Thông điệp đó đã được truyền đi thế giới trong sự đón nhận và quan tâm của rất nhiều quốc gia.

Sự chân thành, thẳng thắn, tình cảm, sự đón tiếp trọng thị, chu đáo của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, sự nồng nhiệt, thiện cảm của người dân Việt Nam đã “chạm tới trái tim” Tổng thống Obama. Người đứng đầu nước Mỹ đã nói lời “cảm ơn chân thành” về sự đón tiếp nồng hậu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và nhân dân Việt Nam.

Sự kiện này làm người ta nhớ lại sự quan tâm không kém trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7 năm 2015. Chuyến thăm đặc biệt quan trọng, mang tính lịch sử bởi lần đầu tiên sau rất nhiều chuyến viếng thăm cấp nhà nước của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (năm 2013), nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (năm 2007), hay của những người đứng đầu Chính phủ như nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (năm 2005), nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (năm 2008), Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam có chuyến thăm Hoa Kỳ theo lời mời chính thức của Tổng thống Obama.

Chuyến thăm đã mở ra chương mới trong lịch sử hợp tác giữa hai quốc gia.“40 năm sau chiến tranh, 20 năm bình thường hóa quan hệ, từ chỗ là ‘cựu thù’, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành “bạn” và từ năm 2013 đến nay là “đối tác toàn diện”. Và cũng từ chuyến thăm này, Hoa Kỳ đã thừa nhận chính thể của nước Việt Nam do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

41 năm kết thúc chiến tranh, 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên.Với quyết tâm hàn gắn vết thương chiến tranh, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, Việt Nam- Hoa Kỳ đã trở thành “đối tác toàn diện”.Bước đi này càng làm tăng vị thế của Việt Nam trên thế giới, không chỉ về chính trị mà còn phát triển kinh tế. Đặc biệt những thiện cảm, ủng hộ của người dân hai nước đối với mối quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ sẽ là một trong những nền tảng quan trọng nhất giúp mối quan hệ song phương giữa hai nước tiếp tục phát triển sâu sắc, mạnh mẽ trong tương lai vì lợi ích chính đáng của hai dân tộc, góp vào hòa bình ổn định của khu vực và thế giới./.

Thanh Liêm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên