Chủ tịch Phú Thái, BRG nói gì về yếu tố giúp doanh nghiệp phục hồi thời gian tới?
Trong buổi gặp mặt giữa Chủ tịch Quốc hội với đại diện doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch BRG đề xuất, thời gian tới, NHNN cần tiếp tục đưa ra các chính sách định hướng cho các tổ chức tín dụng, để hỗ trợ đúng và đủ các đối tượng thực sự bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
- 07-10-2021Nhiều ngành nghề tăng tuyển dụng nhân sự 'hậu COVID-19'
- 07-10-2021Tiết lộ lý do sau mỗi lần lựa chọn địa phương đặt nhà máy của Samsung trong 2 thập kỷ qua
- 07-10-2021Việt Nam là 'chủ nợ' thứ 32 của Mỹ
Ngày 7/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam nhân dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Tại đây, Chủ tịch Quốc hội cho biết, nội dung của kỳ họp thứ 2 của Quốc hội tới đây sẽ xem xét và quyết định đến nhiều bộ luật quan trọng, có tác động trực tiếp đến doanh nghiệp.
Ngoài ra, các quyết sách lớn về kinh tế - xã hội thời gian tới cũng sẽ bao gồm việc đánh giá tác động của Covid-19 đến việc làm của người lao động cũng như hoạt động của doanh nghiệp.
"Đội ngũ doanh nghiệp luôn luôn là lực lượng đi đầu trong quá trình phát triển đất nước. Vì thế, mọi quyết sách quan trọng của quốc gia đều phải đặt người dân và doanh nghiệp là trung tâm", Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
"Do đó, tiếng nói của doanh nghiệp lúc này là điều vô cùng cần thiết", ông nhấn mạnh.
Xây dựng văn bản pháp luật cần lấy ý kiến doanh nghiệp
Cũng tại buổi gặp mặt, Chủ tịch CTCP tập đoàn Phú Thái, ông Phạm Đình Đoàn đã đưa ra 4 ý kiến về công tác xây dựng pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Thứ nhất, trong việc soạn thảo và ban hành các văn bản pháp luật đối với doanh nghiệp, cần phải lấy quan điểm hỗ trợ đồng hành với doanh nghiệp là chính, không nên mang nặng tính an toàn. Bên cạnh đó, các văn bản cần phải sử dụng những từ ngữ dễ hiểu để tránh tình trạng bị lợi dụng bóp méo, tạo giấy phép con, tạo rào cản gây khó với doanh nghiệp.
"Đặc biệt, nên có việc đánh giá, bình chọn, chấm điểm trong việc ban hành các văn bản quy phạm của các cơ quan đối với doanh nghiệp", ông Đoàn cho hay.
Ngoài ra, vì Việt Nam đang ở trong quá trình hội nhập, nên việc chỉnh sửa các văn bản pháp luật cần phải có tính hội nhập. Theo Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, điều này sẽ giúp các dịch vụ pháp lý ở Việt Nam có cơ hội phát triển trong tương lai. "Thực tế, có rất nhiều các hợp đồng kinh tế được ký kết đều dựa trên luật của nước ngoài như Singapore, chứ không áp dụng luật của Việt Nam", ông Đoàn chia sẻ.
Thứ hai, mỗi khi thông qua luật, các nghị định, thông tư cần phải được kiểm tra để đảm bảo tính đồng bộ, đúng với tinh thần của luật, và đặc biệt là phải áp dụng được ngay.
Trước mắt, cần phải ban hành sớm các chính sách hướng dẫn cụ thể các doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi Covid-19 theo hướng dễ tiếp cận thực tế, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của doanh nghiệp ở từng ngành nghề, lĩnh vực.
Theo ông Đoàn, việc hỗ trợ pháp luật chưa đồng đều, vẫn có sự chênh lệch giữa các địa phương, vùng miền. Vì vậy, cần triển khai đồng bộ các nội dung hỗ trợ ví dụ như luật doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thứ ba, việc hỗ trợ tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp rất cần sự giúp đỡ của cơ quan nhà nước, không chỉ trong việc giải đáp các nội dung pháp luật mà còn giải đáp các vấn đề phát sinh giữa các doanh nghiệp trong kinh doanh.
Thứ tư, tăng cường ứng dụng công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin. Đặc biệt là các thông tin liên quan đến pháp luật.
Quang cảnh buổi gặp mặt. Nguồn: VCCI
Các chính sách lãi suất vừa là kháng sinh nhưng cũng là thuốc bổ cho doanh nghiệp
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, nhấn mạnh ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, và hệ thống ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế. Do đó, Chủ tịch Tập đoàn BRG đã đề xuất 6 kiến nghị để hoàn thiện môi trường pháp lý trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Thứ nhất, chiến lược phát triển ngân hàng số gia đang là hướng đi chiến lược nhằm giúp các tổ chức tín dụng cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0. Vì vậy, cần nghiên cứu luật giao dịch điện tử thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Luật giao dịch điện tử từ năm 2005 để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành hoàn thiện các quy định liên quan.
Bà Nga cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung việc chấp nhận phương thức giao dịch điện tử trong các nghiệp vụ giao dịch ngân hàng nói chung. Từ đó, xây dựng hành lang pháp lý quan trọng giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) hoàn thành các mục tiêu số, định hướng đến năm 2030.
Thứ hai, về quản lý ngoại hối, nghiên cứu điều chỉnh pháp lệnh ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài theo hướng không phân biệt đầu tư gián tiếp hay trực tiếp. Đồng thời, định hướng quản lý phù hợp với các giao dịch ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.
Thứ ba, Nghị quyết 42/2017 sẽ hết hạn vào năm 2022. Vì vậy, cần nghiên cứu, ban hành văn bản ra hạn thay thế nghị quyết này với nội dung kế thừa đầy đủ các quyền của TCTD, có sửa đổi, bổ sung thêm một số nội dung. Điều này nhằm tạo sự chủ động hơn nữa cho các TCTD khi xử lý thu hồi nợ.
Thứ tư, bổ sung vào luật các TCTD hoặc có văn bản hướng dẫn chi tiết để mở rộng hoạt động của các TCTD như nghiệp vụ đại lý có liên quan đến hoạt động ngân hàng, đại lý quản lý tài sản, hoạt động tư vấn hồ sơ phát hành TPDN.
Thứ năm, hỗ trợ các chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tài chính - ngân hàng trong và sau giai đoạn ảnh hưởng dịch Covid-19.
Bà Nga cho biết, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao cùng những chính sách hiệu quả, kịp thời của NHNN, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã tích cực tham gia hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần giữ vững ổn định thị trường tài chính.
"Các chính sách lãi suất là một liều thuốc vừa là kháng sinh nhưng cũng là thuốc bổ nhiều vitamin cho các doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất và mua sắm trở lại", bà Nga cho hay.
Chủ tịch BRG đề xuất, thời gian tới, NHNN cần tiếp tục đưa ra các chính sách định hướng cho các TCTD để hỗ trợ đúng và đủ các đối tượng thực sự bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Thứ sáu, về hoạt động kinh doanh BĐS đặc thù, cần có hành lang pháp lý cho việc quản lý các bất động sản từ các chủ đầu tư dự án để các TCTD có cơ sở cấp tín dụng cho các dự án này. Đồng thời, ngân hàng cũng có cơ sở nhận các tài sản làm tài sản đảm bảo.