MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Quốc hội: "Cần theo dõi sát sao về huy động vốn, về vay để bảo đảm giảm tối đa nợ xấu"

25-09-2024 - 09:34 AM | Tài chính - ngân hàng

Chiều 24/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần theo dõi sát sao về huy động vốn, về vay để bảo đảm giảm tối đa nợ xấu.

Tại phiên làm việc chiều 24/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nói việc bổ sung vốn Nhà nước tại Vietcombank (VCB) phù hợp với chiến lược phát triển và đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tới 2025. Vốn bổ sung cho Vietcombank là 20.700 tỷ đồng, dự kiến lấy từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lãi còn lại năm 2021 của ngân hàng.

Thống đốc NHNN cũng cho rằng, việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB nhằm đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định, giúp VCB có tiềm lực để thực thi các chính sách của Nhà nước và hỗ trợ nền kinh tế như chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ lãi suất và nghĩa vụ với Ngân sách Nhà nước (NSNN). Bổ sung vốn nhà nước là điều kiện cần thiết để VCB có đủ nguồn lực hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém được Chính phủ, NHNN giao.

Thẩm tra sơ bộ nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí về sự cần thiết của việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB. Về mức vốn và nguồn đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ, đồng thời, đề nghị báo cáo, làm rõ hơn số liệu lợi nhuận còn lại số lẻ của các năm 2016, 2017, 2018; việc sử dụng nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ của các năm 2019, 2020 và dự kiến việc sử dụng nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế của các năm 2022, 2023.

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng, thấu đáo đối với hiệu quả việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng VCB, trong đó cần lưu ý tác động tới các chính sách của ngân hàng, tới sự phát triển của ngành ngân hàng và hiệu quả kinh tế của vốn đầu tư.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề cập tới việc Bộ Chính trị đã có thông báo kết luận về Đề án cơ cấu lại hệ thống các ngân hàng, các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, cho chủ trương xử lý 4 ngân hàng 0 đồng… đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ vững hệ thống ngân hàng.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần theo dõi sát sao về huy động vốn, về vay để bảo đảm giảm tối đa nợ xấu. Ngân hàng thì có nợ xấu, nhưng nợ xấu trong tỷ lệ cho phép, không quá mức quy định của luật.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết, mức vốn và phương án bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng VCB với các nội dung như trong Tờ trình của Chính phủ và các tài liệu kèm theo nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội nhằm nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng, bảo đảm các tỷ lệ an toàn và hướng tới chuẩn mực quốc tế, mở rộng hoạt động tín dụng, tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong thực hiện các chính sách của Nhà nước, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và từng bước vươn tầm khu vực theo mục tiêu đã đặt ra tại Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng 2030.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và ý kiến của cơ quan chủ trì thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ theo đúng thời hạn để tiếp tục xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội trong kỳ họp tới.


Tùng Lâm

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên