MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ 3 điểm nổi bật nhất của APPF 26

20-01-2018 - 19:03 PM | Tài chính quốc tế

Kết thúc Diễn đàn nghị viện châu Á – Thái Bình Dương, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch APPF 26 Nguyễn Thị Kim Ngân đã điểm lại những thành tựu nổi bật nhất của chương trình nghị sự kéo dài 3 ngày từ 18-20/1.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nhấn mạnh 3 điểm nổi bật nhất mà 22 đoàn nghị viện đã đạt được trong 3 ngày làm việc khẩn trương và sôi nổi tại thủ đô Hà Nội. Thứ nhất, trong vai trò của nước chủ nhà, Việt Nam nhận được sự ủng hộ của nhiều đoàn nghị viện các nước thành viên tham gia. Các đoàn cử tới Việt Nam rất nhiều đại biểu, trong đó nhiều nhất là đoàn Nhật Bản với 35 người, đoàn Indonesia với 30 người.

Trong tổng số 22 đoàn nghị viện thành viên tới Việt Nam có khoảng 350 nghị sĩ, 7 đoàn cấp chủ tịch và 10 đoàn cấp Phó Chủ tịch. Việt Nam cũng mời thêm Chủ tịch, Nguyên Chủ tịch và Tổng thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU). Quan sát viên của Hội nghị là Brunei và Maroco, quốc hội ngoài khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng tới dự trong vai trò khách mời.

Thứ hai, các đoàn Nghị viện đã thông qua tuyên bố APPF Hà Nội. Đây là tuyên bố rất quan trọng. Cùng với Tuyên bố Hà Nội, Hội nghị cũng đã thông qua 14 nghị quyết, được sự đồng thuận của tất cả các Nghị viện thành viên.

Thứ ba, tại Hội nghị, quy chế APPF đã được sửa đổi, bổ sung Hội nghị Nữ nghị sĩ vào cơ chế hoạt động chính thức. Phiên họp nữ nghị sĩ rất quan trọng bởi trong lịch sử 25 năm của APPF, chỉ 3 lần diễn ra Hội nghị nữ nghị sĩ trong năm 2016 ở Canada, 2017 ở Fiji và năm nay là Việt Nam.

Nói rõ hơn về tầm quan trọng của việc đưa Hội nghị Nữ nghị sĩ vào quy chế hoạt động chính thức của APPF, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh thành quả này là nỗ lực của tất cả các nước. Là sáng kiến của Nhật Bản, việc đưa Hội nghị Nữ nghị sĩ vào quy chế hoạt động nhận được sự đồng thuận cao của các Nghị viện thành viên và là nỗ lực bình đẳng giới rất quan trọng cho khu vực và thế giới.

"Việt Nam có thái độ rõ ràng về bình đẳng giới và ủng hộ sáng kiến của Nhật Bản. Tại Việt Nam, pháp luật và các chính sách đều hướng tới bình đẳng giới", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Trước câu hỏi về vai trò của Quốc hội với những hiệp định, hiệp ước khu vực và quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Quốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn hiệp định đã ký kết sau khi rà soát, đối chiếu với hệ thống pháp luật Việt Nam để đảm bảo Việt Nam thực hiện đúng những gì đã cam kết trong chương trình nghị sự.

Trong vai trò Chủ tịch danh dự của APPF, ông Takuji Yanagimoto đánh giá cao sự tổ chức của Chính phủ và Quốc hội Việt Nam. Ông Yanagimoto bày tỏ sự cảm ơn tới Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng như các thành viên Quốc hội và Chính phủ giúp cho Hội nghị APPF thành công rực rỡ.

Ông Yanagimoto cũng đề cao vai trò của Tuyên bố Hà Nội khi nó nêu bật những thách thức mà APPF cần giải quyết nhưng cũng vạch ra đường hướng tương lai. Ông Yanagimoto cũng đánh giá cao việc Hội nghị Nữ nghị sĩ, sáng kiến của Nhật Bản, được đưa vào quy chế hoạt động của APPF đồng thời trân trọng nỗ lực của tất cả các bên.

"Tôi rất vui khi quy chế về Hội nghị Nữ nghị sĩ được thông qua tại Hà Nội đúng 25 năm thành lập APPF. Nó là nền tảng vững chắc để mở ra chương mới trong hoạt động của APPF", ông Yanagimoto nhấn mạnh.

Diễn đàn năm nay là lần thứ 2 Việt Nam đăng cai tổ chức APPF. Trong sự kiện năm 2005, Việt Nam chọn thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh làm nơi đăng cai APPF-13. Tuy nhiên, APPF-26 đặc biệt bởi Hội nghị diễn ra trong bối cảnh APPF tròn 25 năm hình thành và phát triển.

Trong các phiên họp, các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn về các vấn đề chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại, hợp tác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các vấn đề APPF và Hội nghị Nữ nghị sỹ.

Kết thúc 3 ngày làm việc, Nghị viện các nước thành viên APPF đã nhất trí thông qua 17 văn kiện quan trọng về những vấn đề đã được thảo luận tại các phiên họp gồm: Tuyên bố APPF Hà Nội về "Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương"; Thông cáo chung APPF – 26 và 14 Nghị quyết; thông qua việc sửa đổi Quy chế APPF, đưa Hội nghị Nữ nghị sỹ trở thành cơ chế chính thức tại các kỳ Hội nghị của APPF.

Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF) do Cựu Thủ tướng Nhật bản Yasuhiro Nakasone đặt nền móng là một diễn đàn dành cho các nghị sỹ, nghị viện các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm mục tiêu hỗ trợ trực tiếp cho Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

APPF hành động để thúc đẩy sự gắn bó và hợp tác khu vực hơn nữa với trọng tâm được hướng vào: Hợp tác vì sự phát triển hơn nữa của hòa bình, tự do, dân chủ và thịnh vượng; hợp tác mở và đồng đều nhằm mở rộng thương mại tự do và đầu tư, phát triển bền vững và các hoạt động môi trường hợp lý; và hợp tác phi quân sự, là hoạt động sẽ dành sự quan tâm thích hợp đối với các vấn đề liên quan đến an ninh và hòa bình của khu vực.

Hiến chương thành lập của APPF là Tuyên bố Tokyo, văn kiện được ký kết bởi 59 nghị sĩ từ 15 quốc gia, thiết lập cấu trúc cơ bản của tổ chức. APPF được thành lập ngày 15/3/1993 và Quốc hội Việt Nam tham gia APPF từ tháng 1/1995.

Tại phiên họp bế mạc APPF-26, đại diện các nghị viện thành viên đã nhất trí thông qua việc Quốc hội Campuchia sẽ đảm nhiệm vai trò nước chủ nhà của APP -27 vào tháng 1/2019.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên