Chủ tịch Quốc hội: 'Sẽ có gói hỗ trợ lớn hơn, với mục tiêu tái thiết nền kinh tế'
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ tại cuộc gặp doanh nghiệp chiều 7/10. Ảnh: Minh Phạm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Chúng ta sẽ tính toán chính sách tài khoá, tiền tệ để có gói hỗ trợ lớn hơn, với mục tiêu đóng góp nhiều hơn vào tái thiết kinh tế.
- 08-10-2021Phó Chủ tịch SeABank 'hiến kế' hỗ trợ ngân hàng, doanh nghiệp
- 08-10-2021BIDV đề xuất Chính phủ sớm phê duyệt phương án tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu
Với ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, tăng trưởng GDP quý III/2021 giảm sâu, âm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Theo dự báo từ Chính phủ, nếu nỗ lực và gặp điều kiện thuận lợi, tăng trưởng quý IV/2021 phục hồi ở mức 7,06-8,84% thì GDP cả năm 2021 mới chạm mức 3-3,5%.
Doanh nghiệp cũng không nằm ngoài vòng xoáy chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Theo thống kê từ Tổng cục Thống kê, lũy kế 9 tháng năm 2021, cả nước có 85,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước) với tổng số vốn đăng ký là 1.195,8 nghìn tỷ đồng (giảm 16,3%) và tổng số lao động đăng ký là 648,8 nghìn lao động (giảm 16,6%).
Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%. Đồng nghĩa, bình quân một tháng, có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Ở bối cảnh như vậy, vào chiều ngày 7/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân tại trụ sở VCCI, TP. Hà Nội.
Tại buổi làm việc, thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đã có nhiều kiến nghị, giúp doanh nghiệp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và nhanh chóng khôi phục sản xuất.
Trước những ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Chính phủ đã nỗ lực đưa ra nhiều gói hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn, như: Nghị quyết 68, gói hỗ trợ về thuế, lãi suất... hay gần đây nhất là Nghị quyết 105 hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh được Chính phủ ban hành với loạt điểm mới được các doanh nghiệp kỳ vọng tháo gỡ khó khăn, thích ứng dần với tình hình dịch bệnh.
Dù vậy, theo phân tích từ ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, hiện quy mô các gói hỗ trợ này chỉ đạt khoảng 2,2% GDP. Ông đánh giá đây là mức khá thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan (15,6% GDP), Malaysia (8,8% GDP), Indonesia (5,4% GDP)...
Ngoài ra, với việc tổng nợ công/GDP của Việt Nam hiện đang ở mức thấp, việc xem xét nâng trần nợ công quốc gia là giải pháp hợp lý, tạo nguồn ngân sách để phục vụ mục tiêu tăng trưởng, khôi phục kinh tế, mở rộng quy mô các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp. "Với GDP ước tính năm 2020 của Việt Nam là gần 6,3 triệu tỷ đồng, các gói hỗ trợ có thể mở rộng đến 4% GDP, tương đương 250.000 tỷ đồng", ông Công nói.
Ngoài ra, ông Công cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, bổ sung ban hành một số chính sách tài khóa, tiền tệ có tính chất đột phá. Hiện nay, cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước chủ yếu dưới hình thức gián tiếp, thông qua chính sách giãn, hoãn, kéo dài thời gian thực hiện các nghĩa vụ thuế, khoản vay với doanh nghiệp. Với tình thế “sống còn”, tình trạng “kiệt quệ” của các doanh nghiệp, ông cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét các chính sách với mức độ hỗ trợ mạnh hơn.
Cụ thể, đó là xem xét bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ ở mức 3-5% một năm so với lãi suất thị trường. Gói hỗ trợ bù lãi suất này sẽ tập trung vào các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như du lịch, hàng không, vận tải, y tế, giáo dục đào tạo...
Ngoài ra, Chủ tịch VCCI cũng kiến nghị rà soát, sửa đổi bổ sung ngay những quy định pháp luật, chính sách về kinh doanh đang là rào cản, gây cản trở đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt những quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn, chưa vì lợi ích chung của nền kinh tế… tại Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Luật Phá sản… để chủ động tránh nguy cơ chính sách lạc hậu, trở thành điểm nghẽn cho hoạt động của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới.
Trước đề xuất của VCCI, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ cho biết, Hội nghị Trung ương 4 đã kết luận xem xét điều chỉnh chính sách tài khoá, tiền tệ với liều lượng hợp lý nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kích thích và phục hồi kinh tế.
Do đó, trong tuần tới, ông sẽ làm việc với Uỷ ban Kinh tế, Uỷ ban Tài chính ngân sách và 3 Bộ: Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để rà soát lại cách thức, liều lượng sử dụng các công cụ này.
"Chúng ta sẽ tính toán chính sách tài khoá, tiền tệ để có gói hỗ trợ lớn hơn, với mục tiêu đóng góp nhiều hơn vào tái thiết kinh tế", Chủ tịch Vương Đình Huệ nói.
Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh, "Mọi quyết sách của Quốc hội đều vì lợi ích và đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm".
Hội nghị Trung ương 4 vừa kết thúc vào sáng 7/10 đã nhấn mạnh 2 nhóm nhiệm vụ quan trọng, là kế hoạch tài chính 3 năm; đổi mới tư duy, nhận thức về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh để có các kịch bản, phương án phù hợp.
Đặc biệt, với việc Chính phủ đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2022, trong đó đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5%, đầy thách thức, một gói kích thích lớn được coi là yếu tố là cần thiết.
Góp ý cụ thể, có Ủy viên Trung ương cho rằng gói kích thích kinh tế này chỉ có thể xây dựng nếu Quốc hội tới đây nới trần nợ công, cân nhắc chỉ số lạm phát để nới lỏng chính sách tín dụng, tài khóa. Trên cơ sở đó, Chính phủ mới hình thành từng gói nhỏ, chẳng hạn đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số… Ngoài ra, phải có sự nới lỏng chính sách tiền tệ thì các ngân hàng thương mại mới mạnh dạn khoanh nợ, tiếp tục cho doanh nghiệp vay để phục hồi sản xuất.
Nhà đầu tư