Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảnh báo tình trạng sốt đất, chứng khoán tăng nóng khi thảo luận về gói kích thích kinh tế
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Quochoi.vn
Người đứng đầu Quốc hội nói rằng thực trạng chứng khoán tăng nóng, bất động sản được bán với giá kỷ lục 2,4 tỷ đồng/m2 là ví dụ cho thấy cần những tính toán kỹ lưỡng khi tung ra gói kích thích kinh tế mới.
- 04-01-2022Quốc hội bàn cơ chế đặc thù cho Cần Thơ, "thủ phủ" miền Tây sẽ được hưởng những đặc quyền gì?
- 04-01-2022Chi tiết gói kích thích đang được Quốc hội thảo luận: 113.850 tỷ cho phát triển cơ sở hạ tầng, 110.000 tỷ cho hỗ trợ doanh nghiệp
- 04-01-2022Vụ Việt Á được nêu ngay trong phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
- 04-01-20225 điểm nhấn của chương trình kích thích kinh tế đang được Quốc hội thảo luận, trong đó gói thứ 5, dù phi tiền tệ, nhưng lại vô cùng quan trọng
- 04-01-2022Quốc hội họp bất thường để không làm chậm sự phát triển của đất nước
Kỳ họp bất thường được chuẩn bị từ lâu
Trong phiên thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong Kỳ họp bất thường thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết ngay trong kỳ họp vào tháng 7 và tháng 11, Quốc hội đã muốn đưa một số việc cấp bách ra bàn thảo.
"Tuy nhiên, đó toàn là những việc lớn, việc khó nên Quốc hội đã chuẩn bị tinh thần đưa các nội dung đó ra một kỳ họp bất thường chứ không chờ tới kỳ họp tháng 5/2022. Căn cứ Hiến pháp và luật tổ chức Quốc hội, chúng ta tổ chức một kỳ họp bất thường để xem xét và quyết định. Những việc hiện nay đều được chuẩn bị từ rất sớm rồi", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết.
Theo đó, Quốc hội và Chính phủ đã chuẩn bị rất nhiều hoạt động. Quốc hội tổ chức tọa đàm với chuyên gia, doanh nghiệp, đặc biệt tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam: Phục hồi và phát triển bền vững. Trong quá trình chuẩn bị, Chủ tịch, phó Chủ tịch và các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc rất sớm với các cơ quan của Chính phủ. Có những nội dung được trình đi trình lại 3-4 lần rồi mới ra được con số trong dự thảo Nghị quyết vừa trình Quốc hội sáng 4/1.
Toàn cảnh phiên họp sáng 4/1. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ đánh giá cao việc Chính phủ, các ngành tiếp thu tối đa đóng góp của ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong gói kích thích, lúc đầu đưa ra cũng chủ yếu là đầu tư công. Các gói ích thích khác hầu như không có gì hoặc có mà rất ít. Chính quá trình trao đi đổi lại, làm việc ngày đêm và quyết liệt nên dự thảo nghị quyết, về cơ bản, có thể trình Quốc hội xem xét.
"Không phải bây giờ chúng ta mới làm. Năm 2020 và 2021 đều đã làm rồi. Có những nghị quyết của Quốc hội, có những nghị quyết của Chính phủ về kích thích kinh tế 2020, kích thích kinh tế đạt 4,1% GDP, trong đó 2,9% là chính sách tài khóa, hơn 1,1% là chính sách tiền tệ. Cho nên, gói hiện nay là bổ sung ngoài khung khổ mà Quốc hội đã quyết định, ngoài chính sách chúng ta đã thực hiện năm 2020 và 2021", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết.
Không trúng, không đúng mà lãng phí nữa thì có tội với đất nước, với nhân dân
Người đứng đầu Quốc hội cũng nhấn mạnh gói kích thích đang trình Quốc hội thông qua là gói thêm, ngoài khung khổ chung nên phải hết sức thận trọng. Khung khổ quyết định rồi mà giờ ngoài khung khổ, lại còn tăng thêm, thì rõ ràng là có rủi ro bất ổn về mặt vĩ mô.
"Không trúng, không đúng mà lãng phí nữa thì có lỗi với sự phát triển của đất nước, có lỗi với nhân dân vì suy cho cùng cũng là tiền thuế của nhân dân cả", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Theo đó, ổn định vĩ mô là mục tiêu hàng đầu. Cứ ổn định vĩ mô và dùng nội lực để phát triển lên thì rất tốt. Ngược lại, nếu để mất ổn định vĩ mô thì bao nhiêu tiều ra cũng đều khó khăn. Huy động đã khó, phân bổ đúng, trúng, sử dụng hiệu quả, mang tính khả thi cao thì càng khó. Trong khi đó, thời gian của gói kích thích chỉ kéo dài trong 2 năm bởi "để năm thứ 3, thứ 4 thì chẳng gọi gì là gói khẩn cấp nữa".
Tuy nhiên, chính những khó khăn, thách thức đó cũng làm nổi bật lên sự phối hợp giữa Chính phủ và Quốc hội. Chẳng hạn như vào phút cuối, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của Thường vụ Quốc hội, điều chỉnh lại kế hoạch giảm thu VAT.
"Trước đây, Chính phủ không đề xuất chính sách này. Sau đó có đề xuất nhưng kiến nghị giảm 1% trong giai đoạn 2022-2023. Tuy nhiên, Thường vụ Quốc hội nói rằng giảm 1% là quá nhỏ, không tạo ra cú huých tiêu dùng nên đề nghị giảm 2% nhưng thu hẹp phạm vi, chỉ với các mặt hàng thiết yếu và tiêu dùng nhiều. Thay vì áp dụng 2 năm thì áp dụng 1 năm rồi tính thêm", Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Người đứng đầu Quốc hội cũng thẳng thắn nhìn nhận "sức cầu của chúng ta còn rất yếu". Gặp phải vấn đề tương tự, các nước có nhiều tiền thì họ phát tiền cho dân nhưng Việt Nam không có tiền nhiều nên không thể làm như vậy. Tuy nhiên, biện pháp giảm thuế này chính là hỗ trợ cho người dân.
Ngoài ra, nó là 1 việc mà được 2 mục tiêu: vừa san sẻ gánh nặng cho người dân, người tiêu dùng, vừa kích cầu nền kinh tế. Nếu hàng hóa bán được nhiều lên, chưa chắc thu ngân sách đã giảm bởi "khi không bán được thì lấy thuế đâu ra mà thu".
Giống như việc giảm 50% lệ phí trước bạ với xe ô tô. Kết quả cho thấy tổng thu ngân sách không những không giảm đi mà còn tăng lên gấp rưỡi. Nếu không có chính sách này, người ta chỉ mua 1 xe thôi. Tuy nhiên, khi giảm, người ta mua 3 xe. Mỗi một xe giảm một nửa nhưng vì ta bán được 3 xe nên lại tăng gấp rưỡi.
"Làm tài chính phải khéo léo như thế. Nó là nghệ thuật. Giảm để tăng. Giảm thuế VAT để tăng kích cầu tiêu dùng lên. Thuế giảm 20% mà lượng bán gấp đôi chắc chắn được hưởng lợi. Cái mẹo của tài khóa phải thế", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ.
Việt Nam kích thích gấp đôi các nước như mình
Theo chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, về cơ bản, các gói kích thích của Việt Nam tương đối phù hợp, theo đúng định hướng kết hợp cả tài khóa, tiền tệ, tác động cả phía cung và phía cầu, quy mô đủ lớn.
"Nếu tính quy mô gói này theo giá trị danh nghĩa công bố là khoảng 5,25% GDP. Tính theo giá trị thực tế chưa đầy đủ là 4,25%. Cộng với 4% của 2 năm trước nữa là chúng ta đã kích thích kinh tế 8,25%", Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Thế giới kích thích bình quân 14% GDP trong đó các nước phát triển cao kích thích 16%; các nước mới nổi 7% còn các nước như Việt Nam là 4,3%. Nếu lần này Việt Nam thông qua gói kích thích, chúng ta sẽ làm gần gấp đôi các nước như mình.
Tuy nhiên, trước mong muốn của một số đại biểu xung quanh việc cân đối hơn giữa lĩnh vực kinh tế và xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng tập trung cho kinh tế là đúng nhưng các vấn đề xã hội cần tiếp tục rà soát trong quá trình thảo luận.
"Đối với các lao động khu vực phi chính thức, cách hỗ trợ họ ra sao cũng cần tính thêm, nhất là khôi phục lại, cơ cấu lại thị trường lao động để nâng cao chất lượng. Rồi các lĩnh vực khác nữa. Ngoài ra, để giải quyết vấn đề căn cơ, lâu dài, cần có giải pháp phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế. Những phần cho đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số vẫn chưa nổi bật", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Theo đó, về lâu dài, chúng ta tập trung vào lĩnh vực kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh rồi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…. Để làm được điều đó, cần tiếp tục ra, vướng gì phải gỡ ngay bao gồm, ngay cả vướng luật.
Tăng thuế, kìm hãm đà tăng nóng của chứng khoán, bất động sản
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cho biết các cơ quan của Quốc hội cũng gợi ý một số chính sách thuế. Trên thế giới, nhiều nước chọn cách đánh thuế bằng một tỷ lệ phần trăm nhất định đối với các giao dịch chứng khoán và sử dụng tiền đó để hỗ trợ nền kinh tế. Hiện tại, chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh. Nếu đánh thuế một tỷ lệ phần trăm nhất định trên mỗi giao dịch chứng khoán thì ngân sách sẽ có thêm tiền để phục vụ các mục tiêu khác.
"Bên cạnh đó, đây cũng là một cách điều tiết thị trường chứ không để nó nóng quá. Sáng nay, Quốc hội họp (bàn về gói kích thích kinh tế - PV) mà thị trường tăng hơn 20 điểm, vượt 1.522 điểm. Chiều tôi chưa theo dõi được vì ngồi đây không sử dụng mạng. Thị trường hồ hởi vì có gói kích thích kinh tế nên tăng điểm mạnh. Nó thoát ly khỏi kinh tế thực", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết.
Theo người đứng đầu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ phủ cũng đã giao cho các cơ quan giải thích vì sao trước đây, chúng ta tăng trưởng tín dụng 13-14% thì thì GDP tăng 6% - 6,5%. Năm nay, tín dụng cũng tăng trên 14% nhưng tăng trưởng GDP chỉ 2,58% thôi. Vậy tín dụng ấy đi đâu?
"Nếu giao dịch chứng khoán thực sự tạo nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế thì không sao. Nhưng nếu là đầu cơ thì nó lại không lành mạnh. Bất động sản cũng vậy. Đấu giá một m2 đất mà lên tới 2,4 tỷ là điều chưa bao giờ có. Chính phủ, Quốc hội đang giao các cơ quan nghiên cứu những thực trạng này. Nếu nó bình thường không sao nhưng chúng ta phải xem có gì bất thường không", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Chính tình trạng này cũng được người đứng đầu Quốc hội lấy làm ví dụ cho thấy cần phải tính toán rất kỹ với gói kích thích kinh tế.
"Trước khi chúng ta tung ra gói mới, làm sao phải củng cố vĩ mô trước. Những gì có dấu hiệu thiếu bền vững thì chúng ta phải tính toán trước. Gói kích thích vừa phải giải quyết vấn đề trước mắt, vừa phải giải quyết vấn đề lâu dài, nhất là về đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế tuần hoàn, các mô hình kinh tế mới như Fintech hay kinh tế xanh, nông nghiệp sinh thái…. Đó là những mảng chúng ta phải tập trung ưu tiên", Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần tính toán kỹ hơn trong phần chính sách tiền tệ. Nói đóng góp trực tiếp thì gói hỗ trợ này không có nhiều nhưng hơn 40.000 tỷ hỗ trợ lãi suất có thể tác động tới cả triệu tỷ tín dụng. Khi giảm 0,5 tới 1% lãi suất thì chi phí về lãi vay của nền kinh tế giảm đi rất nhiều.
"Trước đây, chúng tôi từng tính toán rằng lãi suất cho vay hạ 1% thì tăng trưởng GDP đạt 0,75 điểm phần trăm, con số rất lớn. Nền kinh tế sẽ được hỗ trợ lớn lắm", Chủ tịch Quốc hội nói.
Một nội dung nữa là những cơ chế, chính sách còn khác biệt. Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần có nhiều giải pháp để tổ chức giải ngân sớm, tiêu được tiền tiền nhanh nhưng nguyên tắc bất biến là đảm bảo sự đồng bộ pháp luật.
"Chúng tôi cũng đồng tình với báo cáo thẩm tra, cụ thể, cơ chế chính sách gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì Chỉnh phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện. Phần nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội quyết", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.