Chủ tịch Quốc hội yêu cầu triển khai sớm quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu để đạt được “kỳ tích sông Hồng” thì cần triển khai sớm quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống dựa trên nội dung đã được phê duyệt.
- 01-07-2023Hà Nội chấp thuận đề án xây dựng công viên văn hoá tại bãi giữa sông Hồng
- 02-06-2023Hưng Yên sẽ xây mới hai quốc lộ, ba cao tốc, 16 đường tỉnh lộ, nhiều cầu lớn qua sông Hồng
- 16-05-2023Tiếp tục nghiên cứu quy hoạch 2 thành phố tại Bắc Sông Hồng và Tây Hà Nội
Tại phiên khai mạc kỳ họp HĐND Hà Nội, Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc tập trung hoàn thiện quy hoạch các phân khu sông Hồng nhằm thay đổi căn bản diện mạo và tạo động lực đột phá cho sự phát triển của Thủ đô.
Cùng với đó, thành phố Hà Nội cần quan tâm 6 phân khu đô thị sông Hồng để giải quyết bài toán thành phố hiện đại và xứng tầm, bao gồm việc xây dựng cầu qua sông Hồng như cầu Trần Hưng Đạo và cầu Tứ Liên.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hà Nội đẩy mạnh cải cách hành chính, môi trường kinh doanh; siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính và công vụ, xử lý thay thế kịp thời các các bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ được giao, đặc biệt là đối với người đứng đầu.
Theo đó, Hà Nội cần tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu và phê chuẩn. Đảm bảo việc lấy phiếu tín nhiệm nghiêm túc, đánh giá đúng về uy tín cũng như kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ.
Đối với công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, Bí thư Hà Nội cho biết, trong giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, thành phố vẫn đang thực hiện và trình Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, cùng với đó hoàn thiện các quy hoạch đô thị vệ tinh, quy hoạch vùng huyện.
Quy hoạch cần đi trước một bước
Vào tháng 4/2022, quy hoạch phân khu sông Hồng đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Dựa trên quy hoạch được phê duyệt, phân khu đô thị sông Hồng có quy mô gần 11.000ha, trải dài từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín và Thanh Trì.
Theo KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc hoàn thiện quy hoạch phân khu sẽ góp phần thúc đẩy quá trình điều chỉnh xây dựng thành phố cũng như phát triển Thủ đô trở nên văn minh, hiện đại, bền vững. Đặc biệt trong tình hình các khu vực trung tâm đang khan hiếm quỹ đất như hiện nay.
Còn theo KTS Đào Duy Hưng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội , toàn bộ khu vực được giữ sẽ được tái thiết đô thị, cải tạo cũng như nâng cấp công trình hạ tầng xã hội, hệ thống giao thông, cây xanh… Nội dung quy hoạch này tạo điều kiện hỗ trợ nhiều hộ dân sống lâu năm ngoài khu vực bãi sông không được sửa chữa, xây mới nhà vì phải đợi quy hoạch.
Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Thủ đô cần đưa ra những giải pháp mạnh mẽ hơn, đột phá và quyết liệt hơn để tạo ra những chuyển biến căn bản và kết quả cao hơn nữa nhằm cạnh tranh với các địa phương khác đang đứng đầu cả nước cũng như cạnh tranh quốc tế.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn để trở thành trung tâm phát triển vùng đồng bằng sông Hồng cũng như vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, hội nhập quốc tế cũng như gia tăng sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới. Đồng thời hoàn thiện thể chế nhằm thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư công, kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội, nhất là các dự án quan trọng của thành phố.
Được biết, theo kế hoạch trong giai đoạn 2021 – 2025, Thủ đô sẽ bổ sung 5 huyện được lên quận bao gồm: Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng; trước mắt là 2 huyện Đông Anh, Gia Lâm. Trong đó, cả 5 huyện này đều thuộc khu vực hai bên bờ sông Hồng, điều này cho thấy vị trí sông Hồng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô.
Nhịp sống thị trường