MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch SCIC: Thời điểm bán 36% vốn còn lại của SCIC tại Vinamilk tùy thuộc vào nhu cầu vốn của Chính phủ

18-10-2017 - 13:11 PM | Doanh nghiệp

SCIC sẽ bán 48,3 triệu cổ phần, sau khi bán vốn lần này, SCIC sẽ còn nắm lượng cổ phần 522,6 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 36% vốn tại VNM.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang triển khai bán 3,33% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) do SCIC làm đại diện chủ sở hữu.

Nằm trong kế hoạch thoái vốn, ngày 18/10/2017, SCIC đã phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), Vinamilk và Liên danh tư vấn tổ chức buổi roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phần của SCIC tại Vinamilk.

Theo kế hoạch về lộ trình bán cổ phần, SCIC cho biết sẽ công bố giá khởi điểm và nhận đăng ký và đặt cọc của nhà đầu tư từ ngày 01/11/2017. Buổi chào bán cạnh tranh dự kiến tổ chức tại HOSE ngày 10/11/2017.

Đại diện SCIC cho biết, SCIC sẽ bán 48,3 triệu cổ phần, sau khi bán vốn NN sẽ còn nắm lượng cổ phần 522,6 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 36% vốn tại VNM.

Nói về quyết định bán 3,33% vốn, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho biết, đây là quyết định của Chính phủ, dựa theo lịch trình sử dụng vốn của Chính phủ.

Trả lời nhà đầu tư về thời gian thoái vốn còn lại, ông Chi cho biết, khi nào Thủ tướng và Chính Phủ quyết định bán thì lúc đó mới giảm tỷ lệ xuống dưới 36% hay không. Hiện tại, sau khi bán 3,33% vốn lần này, cổ đông NN vẫn nắm quyền biểu quyết tại VNM.

Bên cạnh VNM, theo lộ trình thoái vốn, trong năm 2017, SCIC phải bán vốn tại FPT, BMP, NTP, SGC, BMI. Giai đoạn 2018 – 2020 thoái vốn tại VIID, HGM, VNR và nắm giữ lâu dài với FPT Telecom.

Với trường hợp FPT, hiện SCIC đang sở hữu 6% vốn tại đó. Ông Chi cho biết việc bán vốn còn tùy thuộc vào FPT. “Nếu cổ đông của FPT vẫn không muốn nới room ngoại lên trên 49% thì SCIC cũng không thể can thiệp. Khi đó, NĐT NN nếu đã sở hữu 45% thì có thể mua 4%, hay 46% thì có thể mua thêm 3% chẳng hạn.”, ông Chi cho hay.

Hiện VNM là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất VN với tốc độ tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2017, VNM đặt kế hoạch kinh doanh với doanh số 51 ngàn tỷ đồng và thu về 9735 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Chỉ sau 6 tháng đầu năm, VNM đã báo lãi đạt 5.852 tỷ, hoàn thành 60% kế hoạch năm

Để tiếp tục tăng trưởng, nhà đầu tư cũng quan tâm đến chiến lược phát triển sắp tới để có thể đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư. Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk cho biết, bên cạnh thế mạnh của thị trường nội địa, hướng mới của VNM là tập trung nguồn lực cho thị trường xuất khẩu. Thị trường truyền thống và thị trường sắp tới đang được quan tâm rất lớn là Trung Quốc.

“Vừa qua, VNM đã ký với một số khách hàng của Trung Quốc. Tuy nhiên, do vướng quy định hiện nay nên một số sản phẩm của VNM không vào được. Hiện VNM đã đảm bảo chất lượng mà đối tác yêu cầu. VNM đang chờ ký kết hiệp định về ngành sửa để có thể mở rộng thêm danh mục sản phẩm sang Trung Quốc.” bà Mai Kiều Liên cho biết.

Huy Nguyên

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên